Nợ xấu không phải con ngáo ộp!
Một trong những nội dung liên quan tới các luật quan trọng chuẩn bị đưa ra trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 5-2017 là Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Dư luận và các cơ quan ban, ngành đều hiểu rằng giải quyết nợ xấu là vấn đề cấp thiết, không thể để lâu hơn nữa, đồng thời tháo gỡ nó cần sự chung tay góp sức của mọi chủ thể, chứ không thể chỉ riêng ngành ngân hàng.
Nợ xấu không phải là con ngáo ộp, nhưng càng gần đến lúc chúng ta phải xắn tay áo, quyết tâm giải phẫu nó, chúng ta càng cần phải thấu hiểu mức độ trầm trọng của nó nhằm đưa ra cách thức xử lý tốt nhất, mà ít tốn kém sức lực, tiền bạc và thời gian nhất. Ảnh: UYÊN VIỄN
|
Vì sao dời ngày họp đại hội đồng cổ đông?
“Chúng tôi hoan nghênh tất cả các tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài nước, nộp đề án tham gia tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém” - một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói với người viết bài này tháng trước.
Ông nhấn mạnh các đề án sẽ được xem xét, còn việc chúng có đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để được đưa vào danh sách ứng cử viên hay không, lại là chuyện khác.
Từ danh sách ứng cử viên này NHNN sẽ phối hợp với các cấp, các ngành nghiên cứu, đề xuất, chọn ra những đề án thích hợp. NHNN là cơ quan quản lý, giám sát, sẽ giám sát chặt chẽ từ xa và gần, theo cơ chế hai vòng, vòng trong (nội bộ, tức cử người của NHNN hoặc chỉ định một tổ chức tín dụng khỏe mạnh, lành mạnh đưa người tham gia hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát), vòng ngoài là cơ quan thanh tra, giám sát NHNN, thậm chí có thể có tổ giám sát từng ngân hàng yếu kém một khi thấy cần thiết.
Đề cập đến một số ngân hàng cụ thể, ông cho biết NHNN sẽ không trực tiếp điều hành thay các ngân hàng. “Họ (các ngân hàng) phải đề xuất nhân sự, NHNN sẽ phê duyệt và họ điều hành ngân hàng”, ông nói. Tất nhiên trước khi trình danh sách ứng cử viên nhân sự để đưa ra đại hội đồng cổ đông, các ngân hàng đã thăm dò ý kiến NHNN về từng người trong danh sách rồi.
Nói thế để thấy lựa chọn nhân sự đang là một trong những lý do khiến một số ngân hàng phải dời ngày họp đại hội đồng cổ đông để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng. Đã xuất hiện một vài tên tuổi mới trong danh sách ứng cử viên của một số ngân hàng. Tuy thế, sự xuất hiện ấy chỉ là một khả năng, chẳng có gì đảm bảo chắc chắn cứ có tên trong danh sách là sẽ được phê duyệt. Ngay cả khi được NHNN chấp thuận rồi, được đại hội đồng cổ đông bầu rồi và đã trúng chức danh chủ tịch hội đồng quản trị rồi, phát biểu với cán bộ, công nhân viên ngân hàng ra sao, lên tiếng về phương án xử lý nợ xấu thế nào, phát triển tín dụng, dịch vụ theo hướng nào... các lãnh đạo ngân hàng còn phải tính toán thời điểm cho hợp lý. Giữa chưa làm mà đã nói và rồi nói mà không làm được đôi khi khoảng cách rất gần.
Một nguyên nhân khác làm ngày tổ chức họp đại hội đồng cổ đông đã ấn định mà vẫn phải dời là những liên quan đến các khoản lãi phải thu, lãi và phí phải thu. Đại diện NHNN không giấu rằng số nợ xấu đã được các ngân hàng tự công bố trong báo cáo tài chính (đã hoặc chưa kiểm toán), đã báo cáo NHNN và thanh tra, giám sát NHNN đã nắm được số thực bao nhiêu. Riêng cái khoản phải thu, lãi và phí phải thu, nói trắng ra là lãi dự thu, ở một số ngân hàng yếu kém, lớn quá. NHNN đã trình một số phương án để Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo. Tháo nút thắt này không dễ chút nào cả vì nó đòi hỏi cơ chế đặc biệt và nhất là một khi áp dụng cơ chế đó phải mang lại hiệu quả.
Nợ xấu thật như thế nào?
Từ trường hợp của những ngân hàng yếu kém, câu hỏi mà Quốc hội có thể muốn hiểu rõ trước khi thông qua dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hoặc một nghị quyết về xử lý nợ xấu là con số thật nợ xấu toàn hệ thống ra sao, tập trung ở đâu, chỗ nào nợ xấu đã hiện rõ, chỗ nào còn tiềm ẩn...
Nợ xấu thật ra là một con số biến động vì đơn giản là việc cho vay và trả nợ diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên xác định chính xác một cách tương đối nợ xấu đến một thời điểm nhất định là việc có thể thực hiện.
Trong báo cáo gửi Chính phủ về sự cần thiết của dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, con số nợ xấu toàn hệ thống được NHNN nêu ra (tính đến cuối năm ngoái) là 8,86% tổng dư nợ hay tương đương khoảng 488.000 tỉ đồng.
Liệu đây đã phải là con số cuối cùng và nó được tính toán dựa trên cơ sở nào? Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một lần trao đổi với người viết bài này, có nói đại ý ủy ban xuống làm việc trực tiếp với nhiều ngân hàng, tổng hợp nhiều nguồn dữ liệu, tham khảo ý kiến các định chế tài chính quốc tế, các công ty kiểm toán quốc tế... và cộng lại nợ xấu toàn hệ thống từ từng tổ chức tín dụng một, thì ra số liệu khác hơn. Ông không “bật mí” mức độ chênh lệch số liệu khác hơn là bao nhiêu, nhưng cho biết các định chế như IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) phán đoán nợ xấu thật đâu đó có thể 12%, tính ra khoảng 600.000-650.000 tỉ đồng. Mọi con số chỉ mang tính tham khảo, nhưng tham khảo để hiểu vì sao họ lại dự đoán như vậy, cơ sở tính toán của họ là gì.
Nợ xấu không phải là con ngáo ộp, nhưng càng gần đến lúc chúng ta phải xắn tay áo, quyết tâm giải phẫu nó, chúng ta càng cần phải thấu hiểu mức độ trầm trọng của nó nhằm đưa ra cách thức xử lý tốt nhất, mà ít tốn kém sức lực, tiền bạc và thời gian nhất. Bây giờ không phải là lúc đi tìm nguyên nhân dẫn đến nợ xấu nữa. Nguyên nhân gây ra nợ xấu đã được nói quá nhiều, phân tích cũng không ít, rồi mổ xẻ và cả xử lý hình sự. Thử tính trong số các vụ án quy mô được đưa ra xét xử năm năm gần đây, có mấy vụ không liên quan đến tiền bạc ngân hàng? Nói thế không phải là không xét xử tiếp. Cái gì sai phạm, vi phạm pháp luật đều phải được xử lý công bằng, minh bạch. Song quan trọng hơn là khắc phục nợ xấu đã. Có thế, mới có thể kỳ vọng về cái đích tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay và cao hơn trong năm sau...
http://www.thesaigontimes.vn/160181/No-xau-khong-phai-con-ngao-op.html
|