Một số máy ATM ngưng hoạt động sau 22 giờ: Ngân hàng cần hành xử trách nhiệm hơn
Nếu chiếu theo văn bản pháp luật hiện hành là Thông tư 20/2016/TT-NHNN thì rõ ràng những ngân hàng không cung cấp đủ dịch vụ ATM 24/7 đã vi phạm quy định.
NHNN “tuýt còi” một số ngân hàng có máy ATM không hoạt động 24/7
Cách đây vài ngày, có hiện tượng một số máy ATM của một số ngân hàng trên địa bàn TPHCM bị hạn chế giờ hoạt động do ngân hàng lo ngại tình trạng tội phạm và rủi ro xảy ra về đêm. Hiện tượng này khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng thẻ ATM. Cụ thể, một số máy ATM dù không đặt ở các địa điểm bị giới hạn theo giờ mở/đóng cửa của tòa nhà, trung tâm thương mại... nhưng vẫn được dán thông báo thời gian hoạt động chỉ từ 6-21 giờ hoặc 7-22 giờ. Chỉ những ATM được đặt theo cụm, trước cửa chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng và có người bảo vệ mới hoạt động 24/24 giờ.
Trước hiện tượng trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn cả nước phải đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM theo đúng quy định hiện hành tại Thông tư số 20/2016/TT-NHNN ngày 30-6-2016 của Thống đốc NHNN quy định về trang bị, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ban hành ngày 28-12-2012 trước đây).
Để sở hữu và có thể rút tiền từ thẻ ATM, khách hàng phải trả rất nhiều khoản phí cho ngân hàng. Do vậy, ngân hàng cần có trách nhiệm duy trì hoạt động của hệ thống ATM sao cho thuận lợi nhất cho khách hàng của mình.
|
Khoản 1, điều 5 của Thông tư 20 nêu rõ: “Thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM là 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần. Đối với máy ATM lắp đặt tại những địa điểm khách hàng chỉ có thể tiếp cận ATM trong những thời gian nhất định thì thời gian phục vụ của ATM tùy thuộc vào địa điểm lắp đặt ATM và phải được niêm yết tại nơi đặt ATM cũng như trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ phải rà soát lại toàn bộ hệ thống ATM của mình tại các tỉnh, thành. Thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM phải đảm bảo đầy đủ 24 giờ một ngày, trong bảy ngày như quy định (trừ những ATM đặt trong các công trình, tòa nhà phải tuân thủ theo giờ đóng/mở cửa). Nếu bị phát hiện vi phạm, các đơn vị này sẽ bị xử lý theo thẩm quyền (nếu có).
Ai đúng ai sai?
Nếu chiếu theo Thông tư 20 thì rõ ràng những ngân hàng không cung cấp đủ dịch vụ ATM 24/7 (tức 24 giờ trong một ngày, bảy ngày trong một tuần) đã vi phạm quy định. Tuy nhiên, theo người viết, Thông tư 20 có một điểm chưa thật sự rõ, đó là cho phép các ngân hàng quy định thời gian phục vụ của máy ATM tại những địa điểm khách hàng chỉ có thể tiếp cận ATM trong những thời gian nhất định, miễn là có thông báo niêm yết tại nơi đặt máy ATM cũng như trên trang thông tin điện tử của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Vậy thế nào là “những địa điểm khách hàng chỉ có thể tiếp cận ATM trong những thời gian nhất định”? Các máy ATM đặt trong những tòa nhà cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại... thì đã rõ, sẽ phải hoạt động theo giờ mở cửa, đóng cửa của những nơi đó. Nhưng liệu có còn những trường hợp nào khác nữa? Liệu những nơi xa xôi, hẻo lánh, ít người qua lại, không có lực lượng bảo vệ thường xuyên có được tính là những địa điểm chỉ có thể tiếp cận ATM trong những thời gian nhất định?
Qua tìm hiểu của người viết, theo thông lệ quốc tế hiện nay thì có rất ít các nước giới hạn thời gian hoạt động của máy ATM, phổ biến vẫn là 24/7. Cho dù nhu cầu rút tiền mặt cũng như hoạt động thanh toán sau 22 giờ tại các nước phát triển với hoạt động thương mại điện tử và hạ tầng thanh toán thẻ tối tân rõ ràng là không lớn nhưng các máy ATM tại Mỹ và châu Âu vẫn hoạt động 24/7. Duy chỉ có tại Nhật Bản là hơi khác.
Nước này đang có khoảng 20.000 máy ATM được đặt tại các bưu điện và 10.000 máy ATM đặt tại chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Các máy đặt tại cửa hàng tiện lợi thì hoạt động 24/7 nhưng những máy đặt tại bưu điện thì chỉ có máy ATM tại các bưu điện trung tâm của các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto... là hoạt động 24/7. Với các máy ATM đặt tại các bưu điện địa phương nhỏ hơn, giờ hoạt động chỉ từ 7-23 giờ hoặc 8-20 giờ, thậm chí là chỉ từ 9-16 giờ và đóng cửa các ngày cuối tuần.
Quay trở lại với câu chuyện ngưng hoạt động sau 22 giờ của một số máy ATM tại TPHCM, một quan chức của NHNN đã lên tiếng sẽ xem xét lại các quy định pháp luật hiện hành về hoạt động của các máy ATM, nếu chỗ nào chưa hợp lý thì sẽ có sự chỉnh sửa trong thời gian tới. Sự rõ ràng là điều cần thiết để các ngân hàng biết được những trường hợp nào là ngoại lệ, có thể được phép không cung ứng dịch vụ ATM 24/7.
Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng cũng cần hành xử một cách công bằng, theo hướng “cùng thắng” với những khách hàng của mình. Hiện nay, để sở hữu và có thể rút tiền từ thẻ ATM, khách hàng phải trả rất nhiều khoản phí cho ngân hàng như phí phát hành, phí duy trì hàng năm hay bắt buộc phải duy trì số dư tiền gửi nhất định, phí rút tiền... Do vậy, ngân hàng cần có trách nhiệm duy trì hoạt động của hệ thống ATM sao cho thuận lợi nhất cho khách hàng của mình. Nếu chỉ vì sợ phát sinh chi phí hay lấy lý do không đảm bảo an ninh mà đẩy sự bất lợi về phía khách hàng thì người sở hữu thẻ ATM rõ ràng càng có lý do để suy nghĩ và sáng suốt hơn trong việc lựa chọn nhà phát hành cho chiếc thẻ ATM của mình.
http://www.thesaigontimes.vn/160183/Mot-so-may-ATM-ngung-hoat-dong-sau-22-gio-Ngan-hang-can-hanh-xu-trach-nhiem-hon.html
|