Những dự án có thể giúp TPHCM giảm kẹt xe
Theo kế hoạch vốn đã được chính quyền TPHCM phê duyệt, năm 2017, thành phố sẽ xây dựng tổng cộng 80 dự án giao thông với tổng số vốn đầu tư 39.263 tỉ đồng.
Việc đầu tư nhiều dự án trong năm nay đã biến các cửa ngõ tại TPHCM trở thành “đại công trường” và khiến tình hình giao thông ở một số khu vực ùn tắc nghiêm trọng do bị dự án rào chắn.
Trong số các dự án đang xây dựng, dự án cầu vượt tại nút giao giữa đường Trường Sơn với đường Hồng Hà thuộc quận Tân Bình (trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất) là dự án cấp bách nhất. Cầu vượt này được xây dựng theo hình chữ Y (cầu bê tông), trong đó một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế dài 303 mét, một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội dài 153 mét. Dự án có tổng mức đầu tư 242 tỉ đồng, đã được khởi công ngày 8-2-2017 và dự kiến hoàn thành sau 6-8 tháng thi công.
Có thể thấy việc thi công dự án này đã ảnh hưởng rất lớn đến giao thông dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Do việc rào chắn đường để thi công nên thường xuyên xảy ra kẹt xe khiến nhiều hành khách bị trễ chuyến bay. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành, dòng xe đi vào sân bay và dòng xe đi từ đường Trường Sơn ra đường Phạm Văn Đồng sẽ được phân luồng đi trên cầu vượt và phía dưới nên không còn gặp nhau tại nút giao này. Vì thế, sẽ giảm được tình trạng kẹt xe tại đây.
Cách dự án cầu vượt nút giao đường Trường Sơn - Hồng Hà không xa, dự án cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm cũng đang được thi công rốt ráo để giải tỏa kẹt xe. Nút giao này cũng xây cầu vượt bằng thép, theo hình chữ N, bao gồm một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, một cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám và một cầu vượt hướng Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư 504 tỉ đồng, được khởi công ngày 8-2-2017 và dự kiến hoàn thành sau 6-8 tháng thi công. Sau khi hoàn thành cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, người dân đi từ hướng Bình Dương, Đồng Nai, các quận Thủ Đức, quận 9, Bình Thạnh (TPHCM) lên sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thuận lợi hơn.
Ở cửa ngõ phía Tây Bắc, dự án hầm chui An Sương đã được khởi công vào tháng 1-2017. Hiện tại, các nhà thầu đang thi công hầm N1 (hướng trung tâm thành phố đi Tây Ninh) và dự kiến hoàn thành sau 10 tháng thi công. Tức là vào tháng 11-2017, một hầm của nút giao An Sương sẽ được đưa vào sử dụng. Sau khi hoàn thành hầm N1, nhà thầu sẽ tiếp tục thi công hầm N2 (hướng từ Tây Ninh vào TPHCM) trong thời gian 10 tháng. Dự án hầm chui An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, mỗi hầm sẽ có 2 làn xe lưu thông, gồm 1 làn xe ô tô và 1 làn xe hỗn hợp để giảm bớt ùn tắc qua nút giao này, giúp việc giao thương của TPHCM và các tỉnh miền Đông được thuận lợi hơn.
Ở khu vực cảng Cát Lái, nút giao Mỹ Thủy cũng đang được gấp rút thi công giai đoạn 1 gồm cầu vượt và hầm chui rẽ trái từ vành đai 2 đi Cát Lái. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, sẽ tách được các dòng xe đi từ xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái với dòng xe đi từ cầu Phú Mỹ và cảng Cát Lái ra đường vành đai 2. Khi đó, các dòng xe không còn phải xếp hàng chờ đợi để đi qua vòng xoay Mỹ Thủy như hiện nay.
Ở cửa ngõ phía Đông Bắc hiện có hai dự án lớn đang thi công là dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đang trong quá trình thi công mở rộng đoạn từ Suối Tiên đến gần cầu Đồng Nai. Dự án này được khởi công từ tháng 4-2010. Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ dự án hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng nên đến nay dự án vẫn chưa ấn định được thời hạn hoàn thành.
Một dự án lớn và quan trọng nhất trong số các dự án đang thi công hiện nay là dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự án này đang thi công cả đoạn đi ngầm 2,6 ki lô mét và đoạn đi trên cao hơn 17 ki lô mét. Nếu như đoạn đi trên cao dọc xa lộ Hà Nội không ảnh hưởng nhiều đến giao thông thì việc thi công nhà ga Bến Thành và đoạn đường từ chợ Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố ảnh hưởng lớn đến giao thông ở khu trung tâm vì đoạn này sẽ phải rào chắn mặt đường. Dự án metro số 1 đã được nghiên cứu từ năm 2001, đến năm 2012 mới chính thức khởi công sau nhiều năm chậm tiến độ và thời hạn hoàn thành được đưa ra là năm 2020.
Ngoài các dự án nói trên, TPHCM cũng đang xây dựng thêm một số nhánh cầu như cầu Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, cầu Nhị Thiên Đường. Những dự án này đã được khởi công từ đầu năm 2017, sẽ hoàn thành trong năm nay, giúp giải tỏa kẹt xe từ khu trung tâm sang khu phía Nam của thành phố.
Đa phần các dự án giao thông được đầu tư trong năm 2017 là dự án trọng điểm mang tính cấp bách, như hai dự án cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất, nút giao Mỹ Thủy, hầm chui An Sương… Chính vì vậy, vốn cho các dự án này đã được bố trí đủ. Duy nhất chỉ có dự án tuyến metro số 1 đang gặp khó khăn về vốn khi Trung ương chưa bố trí kịp vốn ODA cho dự án. Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, năm nay dự kiến thành phố cần 5.200 tỉ đồng để chi cho việc thi công tuyến metro số 1 nhưng phần vốn ODA mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phân bổ chỉ được 2.900 tỉ đồng. Do chậm bố trí vốn nên tính đến ngày 26-4-2017, số tiền mà TPHCM nợ các nhà thầu là 1.339 tỉ đồng. Với tiến độ giải ngân chậm như hiện nay, nguy cơ dự án bị chậm tiến độ đến sau năm 2020 là rất lớn.
Việc thi công các dự án ở cửa ngõ thành phố đã khiến tình hình giao thông trở nên ùn tắc hơn, đặc biệt là ở khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát tiến độ để dự án hoàn thành đúng thời hạn, qua đó giảm được kẹt xe cho người dân sớm ngày nào đỡ ngày đó.
http://www.thesaigontimes.vn/160432/Nhung-du-an-co-the-giup-TPHCM-giam-ket-xe.html
|