Nhịp đập Thị trường 12/05: Lại bán vào cuối phiên, thanh khoản tăng vọt
Như diễn biến các phiên gần đây, áp lực bán thường gia tăng vào thời điểm cuối phiên tại các vùng giá cao và điều này diễn ra đồng thời ở nhiều cổ phiếu. Động thái này một mặt giúp thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao nhưng mặt khác, nó hàm chứa một xu hướng chốt lãi trong ngắn hạn và đây là điều nhà đầu tư cần lưu ý trong thời gian sắp tới.
Đóng cửa cả 2 chỉ số chính đều tăng điểm, HNX-Index tăng khá 0.54% trong khi mức tăng của VN-Index là không đáng kể, chỉ 0.05% hay 0.38 điểm.
Tổng kết tuần, VN-Index tăng 0.75% lên đứng tại 725.37 điểm, tương tự ở mức tăng 0.76%, HNX-Index tạm lấy lại mức 90 điểm khi chốt tại 90.39 điểm. Giá trị giao dịch đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với trung bình 5,761 tỷ đồng/phiên giao dịch, tăng mạnh gần 30% so với các tuần giao dịch gần đây.
14h: SCR tăng vọt, HVN tiếp tục bay cao
Sau buổi sáng giằng co quanh giá 10.8, đầu phiên chiều, SCR của Sacomreal đã bật mạnh và nhanh chóng đạt mức giá kịch trần, tổng khối lượng giao dịch lũy kế lên đến hơn 13 triệu đơn vị. Các cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng, bất động sản khác như FCN, KBC, HBC, DXG, LDG, DIG, … cũng đang có giao dịch rất sôi động.
Ở một diễn biến khác, HVN có phiên tăng thứ 3 liên tiếp sau thông tin bán tài sản, giá hiện tại đang đứng ở 29,100 đ/cp, tăng mạnh 4.3% so với phien trước. Ngược lại, VJC của Vietjetair đang giảm 800 đ/cp, lui về đứng tại 129,600 đ/cp.
Sau khi công bố tỷ lệ sáp nhập, BHS (+100) đang gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng mạnh mẽ trước đây và vùng giá 20,000 – 21,000 đang thực sự là ngưỡng kháng cự mạnh của ông lớn ngành đường.
14h00, VN-Index giảm nhẹ 0.02%, UPCoM-Index cũng đang mất 0.22% trong khi HNX-Index tăng trở lại ở mức 0.15 điểm. Thanh khoản thị trường ghi nhận 4,150 tỷ đồng.
Phiên sáng: Dệt may bùng nổ
Thông tin về việc nhiều khả năng TPP vẫn sẽ được định hình và triển khai dù có Mỹ hay không đang là câu chuyện được nói đến để lý giải cho đợt tăng liên tục từ đầu năm đến nay của nhóm cổ phiếu Dệt May, mà trong đó, TCM (+5.95%), TNG (+9.85%) và VGT (+6.61%) là những đại diện nổi bật nhất.
Được biết, Ngày 11/5, Chính phủ của Thủ tướng New Zealand Bill English đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, sau Nhật Bản, New Zealand đã trở thành quốc gia thứ 2 trong số 12 nước tham gia ký kết phê chuẩn văn kiện này.
Tính từ tháng 2/2017, TCM là cổ phiếu mạnh nhất nhóm này khi đã tăng gần gấp đôi, TNG, GMC có thêm gần 20% giá trị trong khi VGT, hay VGG cũng mới bắt đầu trở lại trong vài phiên trở lại đây.
Bộ đôi HAG và HNG của tập đoàn HAGL có sự hồi phục khá tốt sau gần 1 tuần lao dốc mạnh. Cả hai đều đang tăng xấp xỉ 3% khi thị trường đóng cửa phiên buổi sáng.
Đóng cửa, VN-Index tăng nhẹ 0.07%, HNX-Index có thêm 0.46% trong khi Upcom-Index quay đầu giảm 0.14% giá trị.
10h30: Bluechips khởi sắc, GMD tăng kịch trần
Đến 10h15 sáng, cả 3 chỉ số đồng loạt tăng điểm, diễn biến thị trường khá tích cực khi số lượng cổ phiếu tăng giá nhiều hơn hẳn số mã giảm (115/88).
GMD bật tăng kịch trần và không còn dư bán từ khá sớm, dư mua gần 1 triệu đơn vị. Mặc dù vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên do chưa chuẩn bị xong nhưng với số liệu sản xuất kinh doanh quý 1, việc GMD sớm tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm liên tục cũng không nằm ngoài dự kiến của nhiều người.
Mới đây, GMD công bố mức lãi gần 110 tỷ đồng quý 1/2017, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 95,8 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 1/2017, Gemadept còn 1,225 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối, 1,872 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần 131 tỷ đồng trong quỹ đầy tư phát triển và hơn 100 tỷ đồng trong các quỹ khác thuộc chủ sở hữu.
Các cổ phiếu lớn khác như BVH, HVN, HBC, HSG, … cũng đang có giao dịch khả quan khi tăng giá khá mạnh. Trong đó, HSG sau khi chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 75% vào ngày 30/05 tới đây đã bật tăng 600 đ/cp. Cụ thể, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của niên độ tài chính 2015 – 2016 tỷ lệ 55% và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 20%.
9h30: Dầu khí bay cao, mở cửa phân hóa
Với thông tin giá dầu thế giới tăng 3% do số liệu dự trữ của Mỹ bất ngờ sụt giảm, nhóm cổ phiếu dầu khí (PVD, PVS, PGS, GAS, …) có sự khởi đầu khá tốt khi đồng loạt tăng điểm. Cụ thể, chốt phiên 10/05 (giờ Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1.49 USD/thùng, hay 3%, lên 50.22 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 1.45 USD/thùng và được giao dịch ở mức 47.33 USD/thùng.
Trái ngược với nhóm dầu khí, các cổ phiếu ngân hàng mở cửa phiên cuối tuần với phần nhiều dưới giá tham chiếu. Ngoại trừ ACB và SHB tăng nhẹ, STB, VCB, MBB, BID, … đang giảm giá, thanh khoản ở mức thấp.
VN-Index mở cửa phiên giảm nhẹ trong khi 2 chỉ số còn lại tăng ở mức độ thấp. Đến 9h25 sáng, thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt mức 410 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng cổ phiếu ROS là 190 tỷ đồng.
Cập nhật trước phiên
Bất chấp sự phân hóa đang diễn ra với mức độ ngày càng rõ nét thì VN-Index vẫn chậm rãi đi lên vùng cao mới và chỉ còn cách mức đỉnh cũ không quá xa. Trong 4 phiên đã giao dịch gần nhất, chỉ số này có đến 3 phiên tăng điểm đồng thời, thanh khoản cũng đạt mức rất cao với trung bình 5,700 tỷ đồng/phiên.
Mặc dù vậy, những dấu hiệu cảnh báo cũng đã ít nhiều xuất hiện. Trong 2 phiên gần nhất, áp lực bán thường gia tăng vào cuối phiên đã nhiều lần khiến nỗ lực bứt phá trước đó của nhiều cổ phiếu trở nên vô nghĩa bằng việc đóng cửa giảm điểm.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán (HCM, SSI, VND, MBS, SHS) và năng lượng (NT2, PPC, …) hiện là hai nhóm có mức tăng ấn tượng nhất. Các cổ phiếu bất động sản có dấu hiệu phân hóa mạnh trong khi ngân hàng sau đầu tuần bùng nổ cũng có dấu hiệu dịu lại trong 2 phiên trở lại đây. Mất dần sức mạnh tăng giá cũng đang là tình trạng chung tại không ít cổ phiếu đầu cơ, thị giá thấp.
|