Nhịp đập Thị trường 11/05: Tiếp tục chốt lời
VN-Index và hầu hết các chỉ số phụ sàn HOSE giảm nhẹ so với phiên sáng, những vẫn đóng cửa cao hơn ngày hôm qua. Ngược lại, HNX-Index và các chỉ số cho nhóm largecap giảm điểm so với ngày hôm qua, nhưng các chỉ số cho nhóm mid/smallcap vẫn tăng nhẹ. Nhìn chung, hiện tượng chốt lời tiếp tục diễn ra trong chiều nay, nhất là ở nhóm Xây dựng - BĐS, tương tự như chính phiên giao dịch chiều hôm qua.
Cụ thể, VN-Index đóng cửa tại 724.99 điểm, tăng 0.68 điểm hay 0.09% trong khi HNX-Index giảm 0.29%, dừng tại 89.9 điểm. Khối lượng giao dịch cả hai sàn đạt 270 triệu cp, đạt 5,826 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt hơn trong phiên chiều, khi VCB, VIB và NVB tăng giá, trong khi ACB, BID, CTG, EIB và STB giảm giá. So với phiên sáng, đa số cổ phiếu này cũng dao động ngược chiều.
Dầu khí vẫn là nhóm hỗ trợ chính cho chỉ số chiều nay, tuy nhiên mức độ hỗ trợ cũng giảm, với GAS chỉ tăng có 100 đ/cp, PVS, PVT, PGD đứng giá, riêng PVD chuyển từ xanh sang đỏ (-1.8%).
Trong nhóm VN30, CII bất ngờ nổi lên thành cổ phiếu tăng giá mạnh thứ 2 sau SBT với mức tăng giá 3.5%. Cổ phiếu này tăng giá có lẽ liên quan đến thông tin về nhu cầu vốn đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng phục vụ cho 23,000 dự án FDI. Nhóm VN30 cũng có số mã tăng giá nhỉnh hơn số mã giảm giá (14:12), tuy nhiên chỉ số này tăng thấp hơn VN-Index 1 chút, có lẽ do VN-Index được PLX hỗ trợ.
Bên cạnh dầu khí, chứng khoán cũng là nhóm có nhiều mã lớn tăng giá trong phiên sáng và kéo dài đến cuối phiên chiều như HCM, SSI, SHS, VND…
HNG đi ngược cổ phiếu cùng ngành cao su, chủ yếu liên quan đến hoạt động cơ bản của doanh nghiệp hơn là thông tin ngành. Giá cao su thế giới đang hồi phục nhẹ quanh mức 210 JPY/kg, và kết thúc phiên chiều nay các mã DPR, PHR, TRC đều tăng giá.
PLX tiếp tục được khối ngoại mua ròng với khối lượng rất lớn, gần 1,6 tr.cp. Như vậy chỉ tính riêng 10 phiên gần nhất bao gồm cả hôm nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 4 tr.cp. HPG là cổ phiếu thứ 2 được khối ngoại mua nhiều (hơn 1.2 tr.cp), nhưng lượng bán cũng lớn (hơn 570,000 cp) nên lượng mua ròng chừng 650,000 cp.
PVD giảm giá trong phiên chiều, có lẽ do bị khối ngoại bán ra (bán ròng gần 500,000 cp). Thông tin từ tập đoàn đưa ra có vẻ chưa làm yên lòng các cổ đông là NĐTNN.
Phiên sáng: Tâm lý lạc quan trở lại
Các chỉ số cổ phiếu trên sàn HOSE đã tăng khá mạnh trở lại kể từ 10g sáng, sau khi rung lắc nhẹ trước đó. VN-Index chốt phiên sáng ở mức 726.07 điểm, tăng 0.24%. Tuy nhiên, GD trên sàn HNX thì không được lạc quan như thế. HNXIndex tăng 0.18% nhưng 2 chỉ số HNX30 và nhóm largecap lại giảm, chỉ có mid/smallcap tăng 0.73%. Có thể nói cổ phiếu nhỏ đang gây bão ở HNX. UPCoM-Index cũng giảm 0.06%.
Dầu khí là nhóm ngành đang hỗ trợ lớn nhất cho thị trường, với 1 loạt mã tăng giá như GAS (+0.2%), PGS (+2.2%), PVS (+0.6%), PVB (+2%)… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là PVD dù có thông tin trấn an cổ đông, nhưng gần đây khối ngoại đang bán ròng (sáng nay bán hơn 200.000 cp) và giá có thể còn giảm.
Ở góc độ cổ phiếu, PLX trở thành đầu kéo chính cho sàn HOSE với mức tăng 3.7% và sự hỗ trợ từ khối ngoại (mua ròng gần 1.1 tr.cp).
Nếu như VJC gần như đi ngang trong hơn tuần qua, thì HVN đã tăng giá hơn 10% , riêng sáng nay tăng 5.5% với lực mua ròng của khối ngoại là 133,400 cp. Tính từ đầu tuần này, khối ngoại đã mua ròng 600,000 cp.
Chứng khoán cũng là nhóm có biến động khá tích cực sáng nay, nhưng kết thúc phiên sáng thì chỉ có các mã đứng đầu về thị phần tăng giá như SSI, HCM, VND hay SHS. MBS giảm giá nhẹ 1,2% có lẽ là do chốt lời, bởi cổ phiếu này đã tăng gần 40% từ cuối tháng 4. Đối với nhóm chứng khoán, nhất là 1 số công ty được tham gia ngay từ sàn sơ cấp (tạo lập sản phẩm), thông tin về ngày dự kiến mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh (đầu tháng 6 tới) có tác động hỗ trợ lớn nhất.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2017, lượng ô tô nhập khẩu tháng 4 sụt giảm tới gần 38% so với tháng 3 và trị giá cũng giảm trên 6% (chỉ đạt 6,962 chiếc, trị giá trên 169.5 triệu USD), sau 2 tháng tăng liên tiếp trước đó (tháng 2 số lượng ô tô nhập khẩu tăng 9.4% so với tháng liền trước đó và tháng 3 tăng trên 39%). Chưa rõ thống kê này có phân loại cụ thể hơn theo loại xe (ô tô con, xe tải…) hay không, và có lẽ tin này cũng chưa tác động gì nhiều lên nhóm cổ phiếu ngành phân phối ô tô nhập khẩu. HAX, TCH, HTL giảm giá, nhưng HHS, TMT đang tăng giá.
Sau khi tăng sát trần đầu phiên, giá cổ phiếu BHS đã giảm về tham chiếu. Tuy nhiên, đối tác sáp nhập là SBT vẫn tăng giá mạnh gần 5% lên 25,600 đ/cp. Có lẽ bây giờ biến động giá 2 cổ phiếu này không còn gắn nhiều đến các yếu tố cơ bản, mà là yếu tố kỹ thuật của việc sáp nhập.
QCG tiếp tục trụ vững ở bảng xếp hạng cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp nhất (10 phiên) bởi đang có dư mua hơn 5.7 tr.cp. Tuy nhiên cũng đến thời điểm này, khối ngoại hầu như đã thoái hết vốn khỏi tập đòan BĐS này.
10h30: BĐS tiếp tục chốt lời, dầu khí kỳ vọng phục hồi
Đa số cổ phiếu vốn hóa lớn đang có sự dao động nhẹ quang mức tham chiếu, tuy nhiên chỉ số VN-INdex đã quay đầu giảm 0,1% do nhóm ngân hàng, MSN, VNM… Dầu khí vẫn là nhóm hỗ trợ lớn nhất cho chỉ số, nhưng “đấu” không lại các nhóm ngành khác, nhất là BĐS.
Nhóm ngân hàng đã nguội bớt. Các mã BID, CTG, VCB đầu phiên sáng còn xanh thì hiện đã lui về tham chiếu hay giảm nhẹ, riêng STB giảm hơn 1.6%. Chỉ có NVB tăng trần với 100 cp khớp lệnh duy nhất.
SBT và BHS tiếp tục là tâm điểm của sự quan tâm với thông tin về tỷ lệ hợp nhất. BHS tăng giá 2.5% và tính từ nửa cuối tháng 4 đến nay thì đã tăng giá hơn 60%. SBT tăng giá trở lại hơn 4% sau khi đã giảm đột ngột trong 2 tuần qua.
HVN tăng giá phiên thứ tư liên tiếp với sự hỗ trợ tích cực từ khối ngoại. Hiện khối ngoại đang mua ròng gần 70,000 cp (cả ngày hôm qua mua ròng gần 410,000 cp, tức 11 tỷ đồng). Tuy công ty mới công bố kết quả KD thua lỗ trong Q1 vừa qua, nhưng có vẻ như thông tin này đã phản ánh vào giá cổ phiếu, cũng như NĐT kỳ vọng sự thay đổi chính sách mua sắm máy bay, cụ thể là tham gia nghiệp vụ Sale and lease back như VJC, sẽ giúp HVN đạt kết quả tích cực hơn trong các quý tới.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh ở PLX, và giúp cổ phiếu này giữ vững mức giá trên 47,000 đ/cp.
Mở cửa: Gượng lại từ đợt 3 “xả hàng” hôm qua
VN-Index mở cửa xanh ở mức 724.84 điểm (+0.04%), các chỉ số index của 2 sàn ngoài Hà Nội cũng tăng nhẹ. Nhiều mã lớn đang tăng giá, nhưng mức tăng rất nhẹ. Nhóm ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, viễn thông… Tuy nhiên về tổng thể, sắc vàng đang chiếm đa số. Thị trường có vẻ đang lý giải nguyên nhân khiến đợt 3 hôm qua suy giảm bất ngờ vì điều gì.
Nhóm bất động sản (BĐS) đang có sự phân hóa, có lẽ là chốt lời ở rất nhiều mã, tuy nhiên vẫn có nhiều mã tăng nhiều phiên liên tục như QCG (tăng trần phiên thứ 10 liên tiếp), SCR, HAR, DIG…
Giá dầu thô Brent đã tăng trở lại khá bát ngờ lên trên 50 USD/thùng trong ngày hôm qua, sau khi đã về sát mức 46 USD/thùng trong 3 ngày trước. Mức tăng này được cho là thể hiện sự kỳ vọng vào khả năng OPEC sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản ượng dầu trong cuộc họp cuối tháng này. Giá nhiều cổ phiếu dầu khí đã tăng nhẹ trong phiên mở cửa sáng nay, như PVD (+0.6%), PVS (+1.2%), PVB (+1%)… Tuy nhiên, giá dầu thế giới vẫn sẽ còn khó dự báo từ nay cho đến khi cuộc họp của OPEC diễn ra.
BMP sẽ thực hiện việc chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 80%, đồng thời có khả năng sẽ thanh toán cổ tức đợt 2/2016 với tỷ lệ 20% tiền mặt trong cùng thời kỳ. Giá cổ phiếu BMP đã giảm hơn 13% kể từ mức đỉnh 209 ng.đ/cp cuối tháng 3 vừa qua, với nguyên nhân chủ yếu là lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2017 giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước (dù doanh thu vẫn tăng trưởng dương).
|