Một năm bức xúc BOT giao thông
Ngày 15-5-2017, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã điều chỉnh giảm thời gian thu phí 92 năm 3 tháng của 13 dự án BOT giao thông, bên cạnh việc điều chỉnh tăng thời gian thu phí 24 năm 5 tháng của bốn dự án.
Bị điều chỉnh thời gian thu phí nhiều nhất là dự án xây dựng quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa, với thời gian giảm thu phí tới... 20 năm 1 tháng. Việc điều chỉnh là do giá trị thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe.
Quyết định này của Bộ GTVT được đưa ra trong bối cảnh cuối tháng 2 năm nay, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giao thông giai đoạn 2011-2016, theo đó đề nghị giảm thời gian thu phí của các dự án này tới gần 100 năm, đồng thời chỉ ra nhiều vi phạm và bất hợp lý trong quá trình triển khai các dự án. Không có thông tin về việc cần tăng thời gian thu phí của dự án nào.
Dù kiểm toán là một bước của quy trình quyết toán dự án hay là một hoạt động quản lý nhà nước độc lập thì dư luận cũng cảm nhận được sức ép từ các con số được cơ quan kiểm toán công khai lên quá trình ra quyết định của Bộ GTVT. Vậy nên, tin từ đầu năm, rằng theo kế hoạch, trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán thêm 20 dự án BOT giao thông nữa, được đón nhận trong thời điểm này với tâm thế chờ đợi và hy vọng.
Nói như vậy vì thời gian từ sau khi có kết luận kiểm toán (một cách tập trung nhất) đến trước ngày 15-5-2017 là thời gian chờ đợi và... hoang mang. Bởi quyết toán gì mà lâu quá, trong khi nhiều dự án đã thu phí từ bao nhiêu năm nay, số liệu thì đã đủ để phục vụ cho việc kiểm toán. Bởi mặc cho dân tình bức xúc đủ kiểu, các chủ đầu tư dự án vẫn hồn nhiên kêu khó, than lỗ với sự gật đầu cảm thông của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông và cũng là cơ quan đứng ra ký kết hợp đồng BOT với chủ đầu tư để họ lấy cớ... bút sa gà chết.
Nhìn lùi lại quãng thời gian cách đây chừng một năm, báo chí đồng loạt phản ánh bức xúc của người dân liên quan đến gần như các mặt của vấn đề BOT giao thông, mà đa số đều đã được báo cáo kiểm toán sau này thừa nhận. Từ những chuyện trực tiếp trước mắt như mức phí quá cao, mật độ các trạm thu phí quá dày, vị trí đặt trạm khiến không đi vẫn phải đóng phí, không thể không đi vì đó là đường độc đạo...; đến những chuyện sâu xa về mặt cơ chế, chính sách mà người gánh chịu cuối cùng vẫn là dân như vốn tự có của các chủ đầu tư chỉ 15%, tín dụng nóng cho dự án BOT gây bất ổn kinh tế, chỉ định thầu thay vì đấu thầu... Những bức xúc ấy tạo thành sức ép lên các cơ quan quản lý nhà nước khác, tác động xuống hay sang Bộ GTVT, mà các kế hoạch kiểm toán, quá trình công khai hóa hay ra quyết định nói trên có thể là ví dụ.
Nhìn lùi rồi nhìn tới. Dù việc giảm thời gian thu phí nói trên là tin tốt lành với đồng tiền bát gạo của người dân, dù một năm qua một số lỗ hổng chính sách đối với dự án BOT giao thông đã được vá víu, thì dường như cách Bộ GTVT và các địa phương có dự án, trạm thu phí xử lý các vấn đề mới phát sinh hay còn tồn tại vẫn theo kiểu bong bóng bức xúc tới đâu xả van tới đó, mang tính tình huống nên không thể giải quyết bài toán một cách hệ thống...
http://www.thesaigontimes.vn/160173/Mot-nam-buc-xuc-BOT-giao-thong.html
|