Việt Nam liệu có thể bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?
Câu hỏi trên đã được ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT của CTCP FPT (HOSE: FPT) đặt ra và nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp có mặt tại diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Được và Mất” diễn ra chiều ngày 7/4.
Theo khảo sát tại diễn đàn, có hơn 67% lượng ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ không thể bắt kịp được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và 33% ý kiến Việt Nam có thể bắt kịp.
Trong số những ý kiến lạc quan, ông Nguyễn Hưng - CEO TPBank khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể bắt kịp xu thế. Ông Hưng đã lấy ví dụ về chính TPBank, hiện nay TPBank đã triển khai các điểm giao dịch ngân hàng tự động từ tháng 2/2017. Người sử dụng dịch vụ có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng cơ bản như nộp tiền mặt, đăng ký tài khoản thanh toán, các khoản vay, mở thẻ ghi nợ, gửi tiền có kỳ hạn... Đây là công nghệ mà một số nước trên thế giới cũng đang bắt đầu áp dụng. Ông Hưng cũng cho biết, đến cuối năm 2017, TPBank sẽ có 50 điểm giao dịch tự động trên toàn quốc. Đây có thể xem là một ví dụ điển hình cho việc Việt Nam có thể theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, CEO của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vị CEO Viettel đưa ra luận điểm, Việt Nam hiện tại đã đi sau rất nhiều trong ba cuộc cách mạng trước, nhưng cũng vì lẽ đó mà Việt Nam dám bỏ đi và thay thế những cái đã có từ 3 cuộc cách mạng trước, để trực tiếp thực hiện những cái mới trong cuộc cách mạng lần thứ 4. Điểm này khác với những nước phát triển đã đầu tư hàng triệu đô-la để theo đuổi 3 cuộc cách mạng trước, thì việc bỏ đi những thứ đã tồn tại để đổi mới chắc chắn khó hơn nhiều.
“Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì”, ông Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Viettel cũng cho biết, việc Việt Nam có thể bắt kịp và tận dụng thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay không còn phụ thuộc vào cách mà bản thân mỗi người nhìn nhận.
Theo ý kiến của ông Hùng, nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam.
Hay giả như nhìn cuộc cách mạng này là cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì chúng ta không có cơ hội. Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được.
Theo đó, ông Hùng một lần nữa khẳng định, Việt Nam cần phải đi đầu nếu muốn đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm, đó chính là lợi thế cạnh tranh của chính chúng ta.
Khác với quan điểm lạc quan của CEO Viettel và TPBank, ông Đặng Việt Dũng - CEO Uber Việt Nam, có cái nhìn khá thận trọng về việc Việt Nam có thể bắt kịp được cuộc cách mạng 4.0. Ông Dũng cho rằng trong ngắn hạn thì Việt Nam chưa thể bắt kịp cuộc cách mạng này, còn trung hạn thì vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi về bản chất, việc có thể đón nhận hay không phải phụ thuộc phầnnhiều vào yếu tố chính sách mà những điểm này thì Việt Nam không thể thay đổi trong thời gian ngắn được.
Đồng quan điểm với ông Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam- ông Vũ Hoàng Liên cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức lớn đối với Việt Nam và muốn bắt kịp phải có sự đột biến, mà đột biến thì phải có điều kiện và chỉ có Nhà nước mới tạo được đột biến thật sự.
Đóng góp ý kiến về vấn đề trên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, cuộc cách mạng lần này sẽ là cơ hội và cũng là động lực mạnh mẽ, tạo áp lực để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu. Nếu không thể thực sự chuyển mình thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn và khủng hoảng rất sớm vì mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã đến giới hạn tự nhiên. Do đó, tiến sĩ Doanh hy vọng Việt Nam có thể bắt kịp được cơ hội lần này./.
|