Nghiên cứu 2 mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về Đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông báo kết luận nêu rõ, về cơ bản, các Bộ thống nhất về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ tại Đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Đề án) nhằm thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn và chức năng quản lý nhà nước, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Tổ chức Chính phủ. Việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp không làm giảm vai trò mà tạo điều kiện cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc nâng cao hiệu quả chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Trên cơ sở ý kiến của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tư pháp và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, bám sát theo đúng các quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để hoàn thiện Đề án theo 2 mô hình cơ quan chuyên trách, cụ thể là:
Mô hình cơ quan chuyên trách là Ủy ban thuộc Chính phủ với 2 phương án:
Phương án 1: Thành lập mới cơ quan chuyên trách trên cơ sở điều chuyển cán bộ tại các Bộ, ngành liên quan, bổ sung một số nhân sự đủ điều kiện từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), bảo đảm không làm tăng biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, Cơ quan chuyên trách quản lý danh mục khoảng 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy mô lớn, trong đó bao gồm SCIC là đầu mối độc lập để quản lý và thoái vốn tại các công ty cổ phần Nhà nước không cần nắm giữ. Đây là phương án chính.
Phương án 2: Nâng cấp SCIC thành Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp: Tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC là doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu (tăng địa vị pháp lý, nhân lực); trong đó làm rõ đầu mối quản lý danh mục công ty cổ phần do SCIC hiện đang quản lý và các công ty cổ phần mà các Bộ, ngành, địa phương sẽ bàn giao trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với các Bộ tập trung phân tích ưu, nhược điểm của từng mô hình, phương án một cách toàn diện, khách quan, trung thực, với tinh thần không chờ đến 2020 mới kết thúc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các Bộ, địa phương về cơ quan chuyên trách; đồng thời bảo đảm thống nhất với Đề án do Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì, sẽ trình Hội nghị Trung ương 5, khóa XII tới.
Trước ngày 7/4/2017 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
|