Thứ Bảy, 22/04/2017 09:14

Tín dụng ngoại tệ và sự thay đổi của tỷ giá

Theo lý thuyết, cầu ngoại tệ tăng cao đến từ việc nhập siêu cũng như nhu cầu vay vốn ngoại tệ như hiện nay sẽ gây áp lực lớn lên thị trường ngoại hối trong nước và thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ giá đã biến động không như các dự báo.

Việc ổn định được tỷ giá với mức điều chỉnh tăng linh hoạt và phù hợp trước những biến động mạnh của thị trường tài chính quốc tế là một điểm sáng về điều hành trong những tháng đầu năm nay. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tỷ giá chỉ tăng nhẹ

Dù giá đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng mạnh (Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed - tăng lãi suất, dòng vốn chảy về Mỹ) nhưng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong nước vẫn khá ổn định. Tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết đến ngày 17-4-2017 là 22.323 đồng, tăng 164 đồng, tương ứng mức tăng 0,74% so với đầu năm. Trong khi đó, các ngoại tệ khác tiếp tục chịu áp lực mất giá so với đô la Mỹ. Rõ ràng việc ổn định được tỷ giá với mức điều chỉnh tăng linh hoạt và phù hợp trước những biến động mạnh của thị trường tài chính quốc tế là một điểm sáng về điều hành trong những tháng đầu năm nay.

Tỷ giá mua bán tại các ngân hàng thương mại cũng ổn định, thậm chí còn giảm so với đầu năm. Tỷ giá niêm yết cả mua vào và bán ra của VCB vào ngày 17-4-2017 đều giảm 40 đồng, tương ứng mức giảm 0,18% so với đầu năm. Diễn biến tỷ giá mua bán của các ngân hàng ổn định trong giai đoạn đầu năm nay là một điều khá bất ngờ, khi trước đó - vào những tháng cuối năm 2016 - tỷ giá liên tục được điều chỉnh tăng và cận kề với mức trần tỷ giá niêm yết của NHNN, khiến NHNN phải bán ngoại tệ để can thiệp và ổn định thị trường.

Cũng cần lưu ý rằng trong quí 1 năm nay, cán cân thương mại đã bị thâm hụt đến 1,9 tỉ đô la Mỹ, nếu so với mức xuất siêu cùng kỳ là 776 triệu đô la Mỹ thì diễn biến của hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trong năm nay là không khả quan. Ngoài ra, theo NHNN thì tăng trưởng tín dụng đến hết 30-3-2017 là 4,06%. Mặc dù NHNN không công bố số liệu chi tiết về tăng trưởng tín dụng theo loại tiền, tuy nhiên nếu nhìn vào số liệu tại TPHCM thì có thể thấy tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đang vượt trội.

Cụ thể, theo NHNN chi nhánh TPHCM thì tăng trưởng tín dụng trên địa bàn trong quí 1 ước hơn 3% so với cuối năm 2016, trong đó cho vay ngoại tệ tăng đến 6,09% và tiền đồng chỉ tăng 2,68%. Với việc Thông tư 31/2016/TT-NHNN đã gia hạn (cho phép) các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ đến hết năm 2017, thì việc các doanh nghiệp và ngân hàng đẩy mạnh vay - cho vay ngoại tệ ngay từ đầu năm là điều dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh nhà điều hành kiểm soát tỷ giá ổn định trong khi chênh lệch lãi suất cho vay tiền đồng và ngoại tệ vẫn ở mức cao từ 4,7-5%.

Kiềm chế tỷ giá - Ai có lợi?

Như đã nói ở trên, tín dụng ngoại tệ có khả năng tăng trưởng vượt trội trong quí 1 năm nay trong khi nguồn vốn huy động ngoại tệ khó có thể tăng tương ứng do trần lãi suất huy động ngoại tệ hiện vẫn ở mức 0%. Thống kê năm 2016 cho thấy nguồn vốn huy động ngoại tệ của hầu hết các ngân hàng đều sụt giảm. Riêng quí 1 năm nay, tại TPHCM, huy động vốn ngoại tệ tăng 1,82% so với cuối năm 2016, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng; trong khi tại Hà Nội, tiền gửi ngoại tệ giảm 2,66%, ngược lại tín dụng ngoại tệ tăng 2,7%.

TPHCM và Hà Nội là những địa bàn có quy mô huy động vốn và cho vay chiếm tỷ trọng đáng kể trong số liệu tổng thể của cả nước, và hoạt động vay - gửi ngoại tệ tại hai thành phố đứng đầu này cũng chiếm đa số nên diễn biến tại đây có thể giúp chúng ta phần nào hình dung ra hoạt động vay - gửi ngoại tệ của toàn ngành. Trong khi nguồn vốn huy động ngoại tệ tăng trưởng không theo kịp mức tăng trưởng của dư nợ cho vay, các ngân hàng buộc phải mua ngoại tệ trên thị trường để có nguồn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

Theo quy định hiện tại, giới hạn trạng thái ngoại hối của các ngân hàng là 20% vốn tự có. Với việc quy mô vốn tự có của các ngân hàng hiện nay ở mức khá lớn, thì lượng ngoại tệ mà các ngân hàng có thể mua vào để đáp ứng cho vay là không hề nhỏ.

Vì vậy, các ngân hàng sẽ dễ có động lực giữ ổn định tỷ giá nhiều hơn trong thời điểm này để mua được giá tốt, khi nhu cầu vay ngoại tệ vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, đến cuối năm, khi các khoản vay ngoại tệ đến thời điểm đáo hạn (thường rơi vào cuối quí 3 - quí 4 trong năm, do các khoản vay ngoại tệ thường chỉ ngắn hạn từ 6-9 tháng), các doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ cao để hoàn trả các khoản vay, nhất là khi cuối năm nay cũng sẽ hết hạn được phép vay ngoại tệ. Đó cũng là lúc nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cao nên áp lực tỷ giá tăng mạnh là khó tránh khỏi.

Tỷ giá tăng lên lúc này sẽ mang lại lợi nhuận lớn về hoạt động kinh doanh ngoại hối cho ngân hàng, khi có thể bán được giá cao cho doanh nghiệp so với giá thấp mua được trong thời điểm quí 1 - đầu quí 2.

http://www.thesaigontimes.vn/159184/Tin-dung-ngoai-te-va-su-thay-doi-cua-ty-gia.html

Các tin tức khác

>   Sacombank tạm hoãn tổ chức ĐHĐCĐ đến cuối tháng 5 (21/04/2017)

>   ABBank: Kết quả tích cực năm 2016 tạo đà bứt phá 2017 (21/04/2017)

>   Quốc hội có thể ra nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu (21/04/2017)

>   Tỷ giá trung tâm tăng 5 đồng (21/04/2017)

>   ĐHĐCĐ HDBank: “Chưa niêm yết chưa hẳn đã bất lợi” (21/04/2017)

>   ĐHĐCĐ Eximbank: Vì sao rút tờ trình đêm trước Đại hội? (21/04/2017)

>   Sacombank báo lãi ròng quý 1 hơn 210 tỷ đồng, nợ xấu giảm xuống 4.88% (20/04/2017)

>   Để không dùng đến “biện pháp cuối cùng” (20/04/2017)

>   VIB: Lãi sau thuế quý 1/2017 đạt 126 tỷ đồng, tăng 14% cùng kỳ (20/04/2017)

>   “Chuyển giao bắt buộc” thay cho “mua bắt buộc 0 đồng” (20/04/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật