ĐHĐCĐ HDBank: “Chưa niêm yết chưa hẳn đã bất lợi”
Sáng ngày 21/04/2017, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên thông qua kế hoạch 2017 với lợi nhuận trước thuế đạt 1,300 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2016; nâng vốn điều lệ lên 8,829 tỷ đồng.
Thông tin giữa ngân hàng và các nhà đầu tư chưa hẳn minh bạch, thị trường chứng khoán bấp bênh, vội vàng niêm yết chưa hẳn đã có lợi. Nếu HDBank niêm yết lên rồi giao dịch dưới mệnh giá như một số ngân hàng đang niêm yết thì điều này không có ý nghĩa.
Đó là phản hồi của bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank trước hàng loạt ý kiến của cổ đông về vấn đề niêm yết. Bà Thảo cho biết, trong các kỳ đại hội trước, HĐQT cũng có báo cáo về vấn đề niêm yết nhưng để tối đa hóa giá trị cho cổ đông thì vấn đề là phải chọn được thời điểm niêm yết cho phù hợp.
“Chưa niêm yết chưa hẳn đã bất lợi bởi vì giá trị thực của HDBank sẽ phải do thị trường đánh giá ở giai đoạn Ngân hàng đã khẳng định được vị thế, chiến lược phát triển và các triển vọng trong tương lai. Nếu HDBank niêm yết lên rồi giao dịch dưới mệnh giá như một số ngân hàng đang niêm yết thì điều này không có ý nghĩa”, bà Thảo cho biết.
Chủ tịch Lê Thị Băng Tâm nhận định thêm, các năm trước HDBank đã có ý định niêm yết nhưng giai đoạn 2014-2016 là thời gian tái cơ cấu sau sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn SGVF nên dời lại. Nếu thị trường không tốt, bản thân HDBank chưa chuẩn bị tốt thì việc niêm yết sẽ mang lại nhiều bất lợi.
Kế hoạch lãi trước thuế 2017 đạt 1,300 tỷ, tăng vốn lên 8,829 tỷ đồng
Năm 2017, HDBank đặt mục tiêu tài sản tăng trưởng 19%, đạt 178,800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng và huy động vốn thị trường 1 lần lượt ở mức 107,760 tỷ đồng và 124,000 tỷ đồng, cùng tăng 20% so với năm 2016.
Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1,300 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cán mốc 1,000 tỷ đồng, tăng trưởng 9%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Trước đó, năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 1,148 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2015, trong đó lợi nhuận riêng ngân hàng mẹ HDBank đạt 830 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7%.
Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của HDBank đạt 150,294 tỷ đồng, tăng 41% so với thời điểm cuối năm 2015. Dư nợ tín dụng đạt 90,121 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 114,327 tỷ đồng; tăng lần lượt 34% và 39%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất là 1.6%, trong đó của riêng ngân hàng là 1.26%.
Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số điểm giao dịch trên toàn hệ thống HDBank là 221 điểm, dự kiến nâng lên 240 điểm cuối quý 2/2017.
Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ HDBank cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 8,100 lên 8,829 tỷ đồng thông qua phát hành 56.7 triệu cp trả cổ tức với tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ (khoảng 567 tỷ đồng) từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2016 và phát hành khoảng 16.2 triệu cp thưởng tỷ lệ 2% từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (khoảng 162 tỷ đồng).
Toàn bộ nguồn vốn được tăng thêm sẽ được sử dụng đầu tư trụ sở, mở rộng mạng lưới hoạt động (292 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn (437 tỷ đồng).
Giai đoạn 2017-2021, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng vốn chủ sở hữu trung bình 15%/năm. Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ tăng thêm ít nhất 5,000 tỷ đồng và dự kiến đạt gần 15,000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ước vượt 2,500 tỷ đồng.
Tại Đại hội, các cổ đông cũng đã phê duyệt mức thù lao, phụ cấp chuyên trách của HĐQT, BKS năm 2017 là 12 tỷ đồng, tính vào chi phí hoạt động năm 2017; số tiền cho quỹ HĐQT năm 2017 là 20 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận sau thuế năm 2016.
HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới
Kết thúc đại hội, các cổ đông đã thông qua số lượng thành viên HĐQT HDBank nhiệm kỳ mới (2017-2022) là 9 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập; số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022 là 3 thành viên.
Danh sách ứng viên cho HĐQT HDBank nhiệm kỳ 2017-2022 bao gồm: bà Lê Thị Băng Tâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Hữu Đặng, bà Nguyễn Thị Tâm, ông Chu Việt Cường, ông Lim Peng Khoon, ông Lý Vinh Quang, ông Nguyễn Thành Đô. Trong đó, ông Lý Vinh Quang và ông Nguyễn Thành Đô là hai gương mặt mới. Ông Quang từng công tác tại Techcombank, BacABank, ABBank, HDBank và hiện đã về hưu; còn ông Đô từng đảm nhận chức vụ quan trọng tại Bộ Tài chính nay cũng đã về hưu.
Danh sách thành viên BKS bao gồm ông Đào Duy Tường, bà Nguyễn Thị Tích, bà Nguyễn Thị Phụng./.
|