Quy định mua lại trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 22/2017/TT-BTC quy định việc mua lại trái phiếu Chính phủ trước ngày đáo hạn tại thị trường trong nước.
Theo đó, về lãi suất mua lại trái phiếu, Bộ Tài chính quy định khung lãi suất tối thiểu mua lại trái phiếu cho từng thời kỳ hoặc cho từng đợt mua lại trái phiếu. Căn cứ vào khung lãi suất tối thiểu quy định này, Kho bạc Nhà nước lựa chọn và quyết định lãi suất mua lại đối với từng đợt mua lại trái phiếu.
Mục đích mua lại trái phiếu là cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu Chính phủ theo đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ thông qua việc hỗ trợ hình thành lãi suất chuẩn trên thị trường và tăng tính thanh khoản của thị trường.
Điều kiện đối với trái phiếu được mua lại là loại trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành và chưa đến ngày đáo hạn; không bị ràng buộc trong các quan hệ về giao dịch đảm bảo kể từ thời điểm đăng ký bán lại trái phiếu của chủ sở hữu trái phiếu.
Việc mua lại trái phiếu được thực hiện theo một trong các phương thức đàm phán trực tiếp với các chủ sở hữu trái phiếu; đấu thầu qua Sở giao dịch chứng khoán.
Kho bạc Nhà nước thông báo cụ thể phương thức mua lại trái phiếu đối với từng đợt mua lại trái phiếu trước khi tổ chức thực hiện.
Về quy trình tổ chức đàm phán mua lại trái phiếu, Thông tư quy định rõ, tối thiểu 5 ngày làm việc trước ngày tổ chức mua lại trái phiếu, Kho bạc Nhà nước thông báo thông tin về đợt mua lại trái phiếu trên trang điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán.
Nội dung thông báo gồm điều khoản các trái phiếu dự kiến được mua lại, bao gồm mã trái phiếu, quy mô của mã trái phiếu, ngày phát hành lần đầu, ngày đáo hạn, lãi suất danh nghĩa, phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu; khối lượng trái phiếu dự kiến mua lại đối với từng mã trái phiếu; ngày cuối cùng đăng ký bán lại trái phiếu, ngày phong tỏa trái phiếu, ngày tổ chức mua lại trái phiếu và ngày mua lại trái phiếu dự kiến...
Vào ngày tổ chức mua lại trái phiếu, căn cứ vào thông tin đăng ký bán lại trái phiếu của chủ sở hữu trái phiếu, thông báo phong tỏa trái phiếu đăng ký bán lại của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Kho bạc Nhà nước thực hiện đàm phán, thống nhất với các chủ sở hữu trái phiếu hoặc tổ chức được chủ sở hữu trái phiếu ủy quyền về điều khoản mua lại trái phiếu.
Thông tư cũng quy định đấu thầu mua lại trái phiếu được thực hiện theo 1 trong 2 hình thức, gồm đấu thầu cạnh tranh lãi suất; đấu thầu kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất.
Trường hợp đợt đấu thầu được tổ chức theo hình thức kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất thì tổng khối lượng trái phiếu mua lại từ thành viên dự thầu không cạnh tranh lãi suất đảm bảo không vượt quá 30% tổng khối lượng trái phiếu gọi thầu mua lại trong phiên đấu thầu.
Được biết, thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2017./.
* Tài liệu đính kèm:
thông tư 22.doc
|