Học gì từ nhà sáng lập tập đoàn Vanguard?
John Bogle, nhà sáng lập của tập đoàn Vanguard, khuyên đừng bao giờ ngừng đầu tư, ngay cả trong những khoảng thời gian bất ổn nhất.
Ông là người từng trải qua cuộc Đại suy thoái, sống sót sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và vượt qua được ngày Thứ hai Đen tối, vụ vỡ bong bóng công nghệ và khủng hoảng tài chính.
Ít nhà đầu tư nào từng trải như Jack Bogle, quán quân tiên phong của đầu tư chỉ số và cũng là nhà sáng lập tập đoàn Vanguard, nhà cung cấp quỹ tương hỗ lớn nhất thế giới với tổng tài sản toàn cầu đang quản lý có giá trị lên đến 4 ngàn tỷ USD.
Giờ đây, ở tuổi 87, cựu binh ngành tài chính này đang phải đối mặt với một thế giới mà chỉ cần 1 dòng tweet từ Tổng thống Donald Trump có thể làm chao đảo các cổ phiếu. Tuy nhiên, các con số lại là điều ông ưa thích: với sự nghiệp kéo dài hơn 66 năm, ông đã chứng kiến 13 đời Tổng thống Mỹ và một vài lần thị trường sụp đổ. Như thế là quá nhiều để áp dụng vào môi trường tài chính và chính trị hiện tại.
Nhà sáng lập tập đoàn Vanguard John Bogle
|
“Rất khó cho tôi hình dung ra được giai đoạn này có những điểm gì tốt đẹp hơn”, ông nói với MarketWatch.
“Những gì các thị trường dường như đang cho chúng ta biết hiện nay ở Mỹ là có một ít điều lạc quan đang diễn ra với chính quyền mới, khi họ quyết tâm vay nhiều để xài nhiều”, ông nói thêm.
Câu hỏi lớn đối với Bogle là bao nhiêu phần trong chương trình cải cách và thuế của ông Trump sẽ trở thành hiện thực. Đó là một dấu hỏi lớn nhưng ông hiện biết rất ít về việc mọi chuyện có thể diễn ra như thế nào.
“Cảm giác của tôi là bất kỳ điều gì làm tăng khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ đều là xấu cho xã hội chúng ta và cho các thị trường. Bất kỳ điều gì làm tăng sự chia rẽ chủng tộc ở đất nước này là tệ hại cho nền kinh tế”, ông nói.
“Vì thế chúng ta đang có một trận chiến giữa ‘tạm thời’ (short run) và ‘lâu dài’ (long run). Short run thì lạc quan, long run thì bi quan hơn”.
Xét theo điều đó, Bogle hiện không thấy khả năng vài năm tới có thể mang lại lợi nhuận cổ phiếu giống như mức tăng bình quân 11% trong suốt sự nghiệp của ông. Thay vào đó, nhà đầu tư nên kỳ vọng lợi nhuận thường niên khoảng 4% dành cho cổ phiếu, ông nói. Còn đối với trái phiếu, lợi nhuận có thể thậm chí thấp hơn.
“Chúng ta vẫn sẽ có – tôi khá chắc chắn – lợi nhuận cho cổ phiếu và trái phiếu trong thập kỷ tới. Nhưng chúng sẽ thấp”, ông nói.
“Tôi không có ý bi quan. Tôi chỉ muốn nói là chúng ta nên thực tế”, ông nói thêm.
Nhưng dự đoán bi quan đó không phải là lý do để ngưng đầu tư, Bogle nói. Ông đề cập tới hai nguyên tắc chủ chốt của mình được đúc kết qua nhiều năm:
“Giả sử bạn đang tích lũy tiền bạc và tiết kiệm cho tương lai. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đừng ngừng làm việc đó. Đó là nguyên tắc đầu tiên. Đừng ngừng đầu tư”, ông nói.
“Nguyên tắc thứ hai là, đặc biệt là dành cho người trẻ hơn, một đợt sụt giảm mạnh trên thị trường là một điều may mắn. Nếu bạn đầu tư mỗi tháng thì bạn sẽ có cơ hội mua cổ phiếu với các mức giá càng ngày càng thấp hơn. Đừng tức giận vì điều đó; hãy sử dụng nó như là cơ hội của cả đời”.
Cựu binh của Vanguard nói rằng nhà đầu tư nên luôn sẵn sàng cho chuyện thị trường sẽ giảm 20% đến 30% - hay thậm chí sâu hơn. Ngay tại lúc này, các cổ phiếu Mỹ đang tăng gần 15% suốt 12 tháng qua và gần với các mức cao kỷ lục. Xét theo điều đó, các cổ phiếu đó hiện đã có giá “kịch trần”, do vậy một đợt sụt giảm có thể sẽ đến trong năm nay hoặc năm tới, Bogle phân tích.
Dù 2 nguyên tắc của Bogle nghe giống như những lời khuyên đơn giản, nhưng ông nói rằng mọi người thường hay làm ngược lại. Thay vì đi theo một lối đi có nguyên tắc do suy nghĩ có lý trí dẫn dắt, những nhà đầu tư trẻ và ít kinh nghiệm hơn lại để cảm xúc dẫn dắt – đặc biệt là vào những thời điểm căng thẳng.
“Trong một thị trường giá lên, mọi người cảm thấy tốt, họ cảm thấy lạc quan, họ muốn đầu tư thêm vào cổ phiếu. Nếu có một thị trường giá xuống, mọi người sợ chết khiếp và muốn rút tiền ra khỏi cổ phiếu. Họ muốn bỏ thêm tiền vào khi giá cao và lấy tiền ra khi giá thấp – chương trình đầu tư của họ sẽ là một thất bại hoàn toàn. Vì thế bạn cần phải có khả năng kiềm chế”, ông nói.
Bị ám ảnh bởi cuộc Đại suy thoái
Tuy nhiên, nhà đầu tư đến từ New Jersey này thừa nhận rằng không phải lúc nào ông cũng làm theo những chiến lược đầu tư tốt nhất. Ra đời trước cuộc sụp đổ thị trường năm 1929 chỉ 5 tháng, ông chỉ là một đứa trẻ khi kinh tế Mỹ rơi vào cuộc Đại suy thoái, khiến gia đình ông mất cả của cải thừa kế lẫn ngôi nhà. Ông giải thích rằng lớn lên trong hoàn cảnh đó đã để lại một dấu ấn khó phai trong thái độ của ông đối với tiền bạc, biến ông thành con người “bảo thủ” hơn cần thiết.
Chẳng hạn, ông luôn có một ít tiền đầu tư vào thị trường trái phiếu, ngay cả khi ném tất cả vào trái phiếu được cho là khôn ngoan hơn.
“Có thể tôi đã trở nên giàu có suốt một thời gian dài, nhưng tôi sẽ đã hạnh phúc hơn nếu như bắt đầu với 100% cổ phiếu”, Bogle nói.
“Nhưng tôi không hối tiếc gì về điều đó. Tôi chỉ là một người cố gắng dành dụm tiền cho thời gian hưu trí của mình, cho con cái đóng học phí,... Tôi nghĩ mình đã quá bảo thủ, nhưng tôi không bận tâm về điều đó”, ông nói.
Với người trẻ, Bogle khuyên nên bỏ hết 100% tiền vào cổ phiếu trong những năm đầu tư ban đầu, sau đó dần dần mua thêm trái phiếu cho tới khi chúng đạt tỷ lệ 75%-25% quanh thời điểm họ về hưu. Với bản thân ông, ông đã chọn một phương pháp “né tránh rủi ro” nhiều hơn là 50%-50% cho kế hoạch về hưu của mình.
Đó là vì cùng với những hướng dẫn đó, mọi người nên nghiêm túc xem xét tính cách, hay sức chịu đựng “nỗi đau” của họ khi đầu tư, ông nói. Dù vậy, nhìn chung, ý tưởng đó là đừng bị áp lực từ những lần lên xuống mỗi ngày trên thị trường.
“Đừng chú ý đến nó. Báo cáo tài chính của bạn, quỹ hưu trí 401K của bạn, thư thông báo lương hưu của bạn hay bất kỳ thứ gì đi nữa – đừng mở nó ra cho tới khi bạn về hưu”, Bogle nói.
“Và khi bạn mở báo cáo phúc lợi hưu trí hay bất kỳ cái gì đó ra sau 50 năm bắt đầu đầu tư, thì bạn nên có một chuyên gia tim mạch đứng cạnh bên. Bởi vì sẽ có rất nhiều tiền ở trong đó, bạn sẽ bị... đau tim”./.
|