Bạn sẽ không tin nổi điều gì đang điều khiển nền kinh tế
Phải chăng phần lớn hành động của con người là hợp lý, hay những câu chuyện và tin đồn làm cho toàn bộ nền kinh tế đi lệch khỏi định hướng đề ra trước đó? Gần đây, các chuyên gia kinh tế ngày càng nhận ra rằng các câu chuyện đó quan trọng đến nhường nào.
Trong những năm đầu của thập niên 20, nền kinh tế Mỹ bị thu hẹp mạnh, trong đó tỷ lệ lạm phát nhanh chóng tụt dốc xuống thành mức giảm phát và hệ số P/E của cổ phiếu rớt xuống đáy 50 năm. Hai chuyên gia kinh tế Milton Friedman và Anna Schwartz là tác giả của cuốn “Lịch sử tiền tệ của nước Mỹ”, đã đổ lỗi cho sự thiếu kinh nghiệm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi bất ngờ nâng lãi suất chiết khấu thêm 1%.
Trong một phát biểu gần đây, chuyên gia kinh tế Robert Shiller của Đại học Yale đưa ra một lời giải thích khác. Mọi người đã truyền nhau các tin đồn rằng cuộc cách mạng Đảng Cộng sản ở Nga sẽ sớm lan sang Mỹ, và các bài báo đã cảnh báo rằng việc đầu cơ trục lợi liên quan đến Thế chiến thứ nhất sẽ sớm làm giá cả giảm. Cách giải thích này có vẻ hợp lý bởi những điều này và những câu chuyện khác đã làm bất ổn kinh tế lan rộng, tác động tiêu cực lên hoạt động chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp.
Ông Shiller cũng đưa ra lập luận tương tự cho cuộc Đại Suy thoái và khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong những năm của thập niên 20, câu chuyện về những người trở nên giàu có nhờ kinh doanh mua bán nhà đã góp phần vào niềm tin rằng giá nhà sẽ luôn tăng. Ngành tài chính đã đóng vai trò to lớn thông qua việc kích thích cho sự lan truyền dư luận nhanh chóng và khai thác điều này để trục lợi cho bản thân. Tuy nhiên, các Giám đốc ngân hàng không thể tạo ra tình trạng bong bong mà không có sự giúp đỡ của những người thế chấp tài sản để vay nợ.
Ông Shiller từ lâu là một trong số ít các chuyên gia kinh tế nhận thấy vai trò của “tâm lý đám đông” trong việc điều khiển quan điểm số đông một cách mạnh mẽ. Sự khác nhau trong tác phẩm mới của ông - “kinh tế học tự thuật” - là ý tưởng rằng các câu chuyện cũng giống như tác nhân “truyền nhiễm”, trong đó một số bị “truyền nhiễm” nhiều hơn số khác, và phương pháp nghiên cứu cách thức lan truyền có thể giúp chúng ta hiểu hơn sự chuyển động đó.
Tác phẩm của ông Shiller giải thích một lập luận khá trừu tượng gần đây của nhà xã hội học Jens Beckert thuộc phòng Nghiên cứu xã hội của Viện Max Planck. Nếu các nhà kinh tế giả định rằng kỳ vọng hợp lý điều khiển hành vi con người thì Beckert lại tranh luận rằng con người hoạt động trên “những kỳ vọng tưởng tượng” – dự báo chính thức về tương lai được tìm thấy một phần trong câu chuyện đang thịnh hành và niềm tin của những người khác. Con người không hợp lý, cũng không vô lý, mà là ở giữa hai điều này. Họ học những gì có thể từ thế giới xã hội xung quanh họ, cho dù thỉnh thoảng họ mắc sai lầm. Ý tưởng của việc học hỏi từ xã hội này được xem xét theo khía cạnh sinh học, nhưng lại bị lãng quên trong lĩnh vực kinh tế.
Cựu nhân viên phân tích Robert Prechter của Phố Wall đã xuất bản một số sách chuyên sâu, và mới đây nhất là cuốn “Lý thuyết Dư luận Xã hội học trong Tài chính”, cho rằng tâm trạng, bao gồm cả tiềm thức, điều khiển thị trường tài chính, chứ không phải là điều ngược lại. Đó là một quan điểm cho thấy sự thay đổi suy nghĩ chung về nguyên nhân có sự đảo ngược, và dần dần trở nên quen thuộc. Điều này đang trở nên phổ biến.
Sức mạnh của các câu chuyện đang dần đạt được sự công nhận to lớn hơn trong thời đại của Donald Trump. Theo ông Shiller, ông Trump là một bậc thầy tự truyện./.
|