Đòi nợ thời nợ xấu
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng vẫn đang trong hành trình gian nan đòi nợ thời nợ xấu.
“Hiện chúng tôi đang xử lý một vụ kiện ra tòa đòi nợ. Khởi kiện xong rồi, đã có bản án của tòa và đang thi hành án, đã có quyết định đấu giá và chuẩn bị đưa ra đấu giá tài sản đảm bảo và đã có giá khởi điểm. Nhưng ông chủ tài sản bỗng nhiên đề nghị trả nợ vào ngân hàng để rút tài sản ra, đồng thời đề nghị với VAMC, ngân hàng xin miễn giảm lãi cho khoản vay này”, một chuyên gia đang xử lý nợ cho ngân hàng kể.
Tâm lý của nhiều con nợ ngân hàng là như vậy, họ không muốn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng nên khi khoản vay có vấn đề luôn tìm nhiều cách điều đình, trì hoãn, chây ì hay nhờ chỗ này chỗ kia can thiệp, chỉ đến khi hết cách, biết tài sản đem ra đấu giá thì quyền định đoạt tài sản ấy chắc chắn không còn trong tay mình, họ mới chịu hợp tác, hay đồng ý cách nào đó để xử lý khoản nợ
Ngân hàng trên đây có thể sẽ đồng ý giảm lãi cho khoản nợ vì nếu đấu giá, khả năng khoản nợ bị mua lại cao nhất cũng chỉ chừng 60-70% nợ gốc. Chủ nợ và ngân hàng đều thiệt hại.
Nhưng chỉ có những ngân hàng cổ phần mới dám mạnh tay “du di” cho chủ nợ để trả tiền vào lấy tài sản ra hay mỗi bên chịu thiệt một tý để bấm nút xóa sổ cho khoản nợ. Các ngân hàng quốc doanh không dám làm vì họ sợ bị quy trách nhiệm. Như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) hiện không có cơ chế xử lý nợ gốc, nếu cán bộ xử lý nợ đồng ý đề nghị của khách vay mà hụt đi phần nợ gốc họ sẽ bị hỏi ngay rằng ai sẽ bù vào trả ngân hàng, ai chịu trách nhiệm làm thất thoát tài sản. Kể cả việc sử dụng phần ngân hàng đã trích lập cho khoản nợ đó (sau khi bán cho VAMC) để bù vào khoản vay họ cũng không dám làm vì sợ bị quy trách nhiệm.
Cách thức xử lý nợ xấu phổ biến nhất đang được thực hiện là các ngân hàng thương lượng với khách vay, cho khách hàng tự xử lý tài sản (bán nhà, đất) rồi trả nợ gốc cho ngân hàng. Phần lãi vay có thể ngân hàng xóa, giảm hay cho trả sau. Cách thứ hai, mất thời gian hơn, là ngân hàng và khách đồng ý đem bán đấu giá tài sản. Cách này hiệu quả ở một số địa phương có giá đất tăng nhanh trong thời gian qua, chủ tài sản bán đất được giá, trả nợ rất dễ, ví dụ như Phú Quốc. Nhưng ở nhiều nơi khác, đặc biệt các tỉnh phía Nam, đa phần giá bán tài sản thấp hơn trị giá khoản nợ gốc vì trước kia ngân hàng định giá tài sản cho vay quá cao, nay có bán hết tài sản cũng không thu đủ tiền trả nợ gốc và phần lãi suất của khoản nợ sau nhiều năm tính ra cũng gần bằng khoản nợ gốc. Điều này xảy ra với rất nhiều khoản nợ ở khu vực phía Nam của Agribank. Như chính lãnh đạo ngân hàng này đã thừa nhận, nhiều chi nhánh của ngân hàng trong vài năm qua ngừng cho vay mà chỉ tập trung giải quyết nợ xấu...
http://www.thesaigontimes.vn/158464/Doi-no-thoi-no-xau.html
|