“Sân chơi” thú vị Sacombank
“Sân chơi” Sacombank đang trở nên thú vị - một nhà đầu tư nước ngoài lâu năm trên thị trường tài chính nhận xét. Sự thú vị đã chuyển sang “nóng” khi trong danh sách các ứng cử viên tái cơ cấu ngân hàng xuất hiện cái tên mới NovaGroup. NovaGroup là ai và lý do nào đưa đẩy họ quan tâm đến Sacombank?
Các nhóm nhà đầu tư mới đều mong muốn nắm quyền kiểm soát Sacombank. Ảnh: T.L
|
Cơ hội tốt
Ngày 16-12-2016, NovaGroup có tờ trình gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bày tỏ mối quan tâm được tham gia vào quá trình tái cấu trúc Sacombank. Đó là một văn bản không đi kèm phương án tái cơ cấu cụ thể, nó gần giống như sự đánh tiếng.
NovaGroup có vốn điều lệ 7.000 tỉ đồng, 5.000 nhân viên, hoạt động trong hai mảng chính là bất động sản (NovaLand - niêm yết trên Hose với mã NVL) và nông nghiệp (Anova Corp). Giá trị vốn hóa của NVL hiện tại 40.666 tỉ đồng (tính theo giá cổ phiếu ngày 24-3-2017) với cổ đông gồm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, kể cả quỹ GIC của Chính phủ Singapore. Anova chuyên về thuốc thú y, vaccin, thức ăn gia súc, trại chăn nuôi với doanh số năm ngoái khoảng 5.000 tỉ đồng và cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Ở mảng hàng tiêu dùng, họ đang hợp tác với Coopmart phát triển thương hiệu Nova Safe Foods, nhưng thông tin chúng tôi có được về điểm này khá hạn hẹp.
Điều gì khiến NovaGroup ghi tên vào danh sách ứng cử viên tái cơ cấu Sacombank? Trong đề án xin tham gia tái cơ cấu Sacombank mới đây đề gửi Thống đốc NHNN, NovaGroup nêu rõ: “Sacombank có hệ thống bán lẻ mạnh. Tái cấu trúc Sacombank là việc khó, đòi hỏi nhiều công sức, tiền bạc, thời gian nhưng nếu thành công sẽ tạo dựng lại được một ngân hàng bán lẻ tầm cỡ khu vực. Đó là cơ hội tốt”.
NHNN rất kiên quyết khi thống đốc cũng như các lãnh đạo khác liên tục phát biểu tái cấu trúc ngân hàng bắt buộc phải có tiền tươi thóc thật để tháo gỡ sở hữu chéo. Mọi đối tác muốn tham gia tái cơ cấu Sacombank phải trả lời nhiều câu hỏi của cơ quan quản lý, mà một trong những câu hỏi đó là anh có tiền thật không?
|
Đề án cũng chỉ ra NovaGroup có lợi thế và kinh nghiệm trong xử lý bất động sản tồn đọng, trong khi một phần không nhỏ nợ xấu của Sacombank là tài sản đất đai. Tuy nhiên NovaGroup cũng hiểu những thách thức mà họ gặp phải bởi cơ hội lớn thì rủi ro cao như tài sản không sinh lời ở Sacombank có thể chuyển thành nợ xấu bất cứ lúc nào; giá thành vốn huy động đang tăng và sẽ còn tăng nhằm bù đắp cho nợ xấu; Sacombank chịu sức ép biến động nhân sự, tháng nào ngân hàng cũng sẵn sàng tuyển dụng hàng trăm nhân viên.
Anh có tiền thật không?
NHNN rất kiên quyết khi thống đốc cũng như các lãnh đạo khác liên tục phát biểu tái cấu trúc ngân hàng bắt buộc phải có tiền tươi thóc thật để tháo gỡ sở hữu chéo. Mọi đối tác muốn tham gia tái cơ cấu Sacombank phải trả lời nhiều câu hỏi của cơ quan quản lý, mà một trong những câu hỏi đó là anh có tiền thật không?
Theo tờ trình, NovaGroup và ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị NovaGroup, đề xuất được mua 20% cổ phần của Sacombank. Hiện Sacombank có vốn điều lệ 18.036 tỉ đồng, 20% cổ phần tương đương 360,7 triệu cổ phiếu. Thị giá Sacombank ngày 24-3-2017 là 11.400 đồng, tức NovaGroup phải bỏ ra 4.112 tỉ đồng. Đấy chỉ là một trong các giả thiết vì giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu dẫn đến thay đổi vai trò cổ đông cũng như cơ cấu cổ đông ngân hàng, nên giá mua bán không thể chỉ nhất nhất căn cứ vào giá trên sàn, mà còn phải cân nhắc các yếu tố khác.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2016 đã kiểm toán của NovaLand (NVL-Hose), đến ngày 31-12-2016 công ty có 3.337 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (các khoản tương đương tiền là tiền gửi ngắn hạn dưới ba tháng) cộng thêm 964 tỉ đồng đầu tư tài chính (tiền gửi tại ngân hàng có kỳ hạn trên ba tháng, xem các trang 32-33), tổng cộng 4.300 tỉ đồng. Tuy nhiên một số khoản tiền gửi này được dùng làm tài sản đảm bảo cho một vài khoản vay và bảo lãnh nhỏ hơn theo như thuyết minh báo cáo tài chính.
Về nợ, NVL có 5.596 tỉ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cộng với 7.907 tỉ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tổng cộng 13.503 tỉ đồng (báo cáo tài chính hợp nhất trang 7), trong khi đến cuối năm 2015 tổng nợ chỉ có 7.994 tỉ đồng. Như vậy tổng nợ tăng thêm 5.509 tỉ đồng, tức tăng 69%. Chi phí lãi vay đã tăng 2,46 lần, từ 351 tỉ lên 863 tỉ đồng.
Cùng thời gian trên, vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu của NVL cũng tăng mạnh từ 3.683 tỉ đồng lên 5.962 tỉ đồng và 6.095 tỉ đồng lên 10.047 tỉ đồng (cũng trang 7).
NovaGroup cho thấy họ cũng đã chuẩn bị nhân sự cho Sacombank (tất nhiên nhân sự phải được NHNN xem xét, phê duyệt). Theo đề án, ban cố vấn cho Sacombank bao gồm các ông Jose Isidro N. Camacho, hiện là Phó chủ tịch Crédit Suisse châu Á, nguyên Bộ trưởng Tài chính Phillippines; ông David F. Proctor, người đã từng đảm nhiệm cương vị chủ tịch, tổng giám đốc của sáu ngân hàng quốc tế; ông Tri N. Pham, nguyên giám đốc điều hành Deutsche Bank Vietnam. Ban tổng giám đốc dự kiến có ông Thomas Tobin hiện đang là Giám đốc Visa Đông Nam Á, từng là Tổng giám đốc HSBC Vietnam 2007-2011 và 18 năm làm việc cho HSBC Hồng Kông, Singapore. Phụ trách tái cấu trúc ngân hàng được dự kiến là ông Derek Lee hiện là Phó tổng giám đốc KPMG Hàn Quốc.
Câu chuyện cổ đông chi phối
VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), sau khi được NHNN chỉ định, hiện tại là cổ đông lớn nhất, sở hữu trên 51% cổ phần, nắm quyền chi phối Sacombank. Nhóm nhà đầu tư Evercore - Đặng Văn Thành (xem bài Những ứng cử viên tái cơ cấu Sacombank TBKTSG số 12 ngày 23-3-2017) khi đề xuất “bơm” vào Sacombank số tiền khủng 20.600 tỉ đồng, trong văn bản gửi NHNN nói rõ: “Nhà đầu tư mới sẽ trở thành cổ đông chi phối”.
Còn NovaGroup đề xuất sau khi được mua 20% cổ phần, VAMC ủy quyền số cổ phần còn lại của NHNN cho hội đồng quản trị mới. Khi một Sacombank mới với bộ máy mới đã tương đối định hình, các đối tác quốc tế có thể mua tiếp số cổ phần còn lại của VAMC.
Ở đây theo nhận định của giới quan sát, trong bất kỳ điều kiện nào cũng phải có đại diện của NHNN trong hội đồng quản trị Sacombank. Các nhóm nhà đầu tư mới đều mong muốn nắm quyền kiểm soát
Sacombank. Đánh giá bản chất các khoản đầu tư; nguồn gốc tiền; mục đích đầu tư trong ngắn và trung, dài hạn của họ; khả năng tái cơ cấu... tất cả giờ đây đặt lên vai NHNN. Không loại trừ khả năng họ là những nhà đầu tư tài chính dài hạn, họ có thể chuyển nhượng lại khoản đầu tư khi chúng đã sinh lời. Vấn đề là chúng ta tận dụng ra sao nguồn lực tài chính, con người, trình độ quản trị điều hành ngân hàng của họ hoặc của những người họ thuê để đưa Sacombank trở về vùng phủ sóng ngân hàng lành mạnh. Tất cả đều có giá và cái giá mà các ứng cử viên đề nghị là một cơ chế về vốn vay, về thuế, về hỗ trợ các chính sách xử lý tài sản thế chấp...
Còn nhớ Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, khi đề cập đến tái cơ cấu ngân hàng, đã nói với người viết bài này ông sẽ làm một cách công khai, minh bạch và công bằng. Đó cũng là điều mà dư luận đang mong chờ ở cả hệ thống ngân hàng trong tiến trình tái cơ cấu, cải cách mà Sacombank là một điển hình.
http://www.thesaigontimes.vn/158452/San-choi-thu-vi-Sacombank.html
|