Điều gì đang chi phối thị trường dầu?
Các hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ (WTI) có thể sắp rớt ngưỡng 50 USD/thùng khi chỉ còn cách vài tuần trước khi bước vào cuộc họp chính thức giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC, CNBC cho hay.
Nguyên nhân của giá dầu lao dốc mạnh trong ngày thứ Tư một phần là do phản ứng của nhà đầu tư với việc hết hạn của hợp đồng giao tháng 5, và một phần khác là do phản ứng tiêu cực với sự gia tăng bất ngờ của nguồn cung xăng tại Mỹ. Được biết, hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 sẽ hết hạn tại thời điểm khép phiên ngày thứ Năm, và hợp đồng này đã mất 3.8% còn 50.44 USD/thùng trong ngày thứ Tư. Bên cạnh đó, hợp đồng WTI giao tháng 6 cũng giảm ở mức độ tương tự.
* Dầu lao dốc gần 4%, giảm mạnh nhất trong 6 tuần
Trong ngày thứ Tư, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung xăng bất ngờ nhảy vọt 1.5 triệu thùng và sản lượng dầu tại Mỹ cũng vọt lên sát mức 9.3 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8/2015.
Tháng 12/2016, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các nhà sản xuất khác đã ký kết một thỏa thuận cắt giảm sản lượng để loại bỏ 1.8 triệu thùng dầu ra khỏi thị trường thế giới. Nhờ đó, giá dầu đã tăng lên mức 53-54 USD/thùng. Tuy nhiên, dạo gần đây, giá dầu đã suy yếu mỗi khi mối lo lắng về nguồn cung xuất hiện trở lại. Vậy thị trường dầu đang bị điều gì chi phối?
“Hiện tâm trí của thị trường đang bị giằng co quyết liệt giữa sự lạc quan về các đợt cắt giảm sản lượng và sự bi quan về đà tăng của sản lượng dầu tại Mỹ. Đây vẫn là yếu tố chi phối thị trường”, Michael Wittner, Trưởng bộ phận nghiên cứu dầu toàn cầu tại Societe Generale, cho hay. Ngoài ra, ông còn lưu ý sản lượng Mỹ đang ngày càng gia tăng.
Nếu các hợp đồng dầu WTI tiếp tục giảm sút thì điều này có thể đe dọa đến giá cổ phiếu, trong đó Dow Jones đã mất hơn 225 trong 2 phiên vừa qua.
Art Cashin, Giám đốc điều hành tại UBS, cho hay đà bán tháo trên thị trường dầu vẫn chưa tác động quá mạnh đến chứng khoán, nhưng có thể sẽ tác động mạnh trong tương lai. “Nếu giá dầu rớt ngưỡng 50 USD/thùng, tôi nghĩ đây sẽ là yếu tố tác động chính đến thị trường”, ông cho biết. Ngưỡng 50 USD/thùng từ lâu được xem là mốc tâm lý quan trọng đối với thị trường.
Gene McGillian, Nhà quản lý bộ phận nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, cho biết: “Có nhiều lời bàn tán cho rằng thỏa thuận của OPEC sẽ được kéo dài, nhưng chúng ta vẫn còn 1 tháng trước khi các cuộc đàm phán của OPEC bắt đầu. Tôi nghĩ nếu không có các dấu hiệu cho thấy thỏa thuận cắt giảm sản lượng thực sự tác động đến nguồn cung toàn cầu thì thị trường sẽ khó mà đẩy giá lên mức 58-60 USD/thùng”.
Về phần hợp đồng giao tháng 5, một số người trước đó mua dưới mức 50 USD/thùng, nay đã quyết định chốt lời trước lúc hợp đồng này hết hạn, ông cho biết.
Helima Croft, Trưởng bộ phận hàng hóa toàn cầu tại RBC, cho biết Nga có thể rất hứng thú với việc kéo dài thỏa thuận vì quốc gia này cần giá dầu cao hơn để hỗ trợ nền kinh tế./.
|