Biết đâu bất ngờ Ả-rập Xê-út khơi ngòi cuộc chiến giá dầu với Nga?
Các thị trường dầu quốc tế có thể đang hướng tới một cuộc chiến mới khi 2 quốc gia đứng đầu nhóm nhà sản xuất trong và ngoài OPEC là Nga và Ả-rập Xê-út đang tranh đua thị phần dầu, Business Insider cho hay.
Chính thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC - với sự ủng hộ hoàn toàn của Ả-rập Xê-út (OPEC) và Nga (không thuộc OPEC) - đã mang lại sự ổn định đến thị trường dầu trong hơn 4 tháng vừa qua. Nhờ đó, cuộc khủng hoảng giá dầu thô đã được ngăn chặn (dường như là vậy), cũng đủ để kỳ vọng giá dầu sẽ gia tăng trong vài tháng tới. Miễn là Ả-rập Xê-út, Nga và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác (UAE, Kuwait) ủng hộ việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thì các vấn đề về tài chính sẽ sớm được giải quyết.
Bên cạnh đó, các tác động của cuộc cách mạng dầu đá phiến thứ 2 (Shale 2.0) phần lớn đã được giảm bớt nhờ mức độ tuân thủ cao của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC. Mặt khác, các vấn đề về địa chính trị và an ninh đã ngăn chặn Libya, Iraq, Venezuela và Nigeria gia tăng sản lượng. Việc ổn định thị trường dầu không chỉ là về các yếu tố cơ bản mà còn là về địa chính trị và lợi ích của quốc gia. Trong đó, địa chính trị và lợi ích quốc gia cũng có thể là mối đe dọa chính tới việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng khi các quốc gia sản xuất hàng đầu OPEC là Ả-rập Xê-út không còn tỏ ra hài lòng với các kết quả từ các đợt cắt giảm sản lượng nữa. Bên cạnh đó, các thành viên khác của OPEC, như Iran và Iraq, đang chuẩn bị gia tăng sản lượng, qua đó càng làm giảm ảnh hưởng tích cực của thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Trong khi đó, kình địch của Ả-rập Xê-út là Nga cũng không chịu ngồi yên. Cụ thể, các công ty dầu của Nga đã và đang tích cực tranh giành thị phần ở các thị trường chính của Ả-rập Xê-út, như Trung Quốc, Ấn Độ và thậm chí là Nhật Bản. Trái ngược lại với dự kiến, Iraq và Iran đã và đang cắt giảm thị phần ở châu Âu.
Bị đe dọa bởi chính thỏa thuận cắt giảm sản lượng do mình đề ra, Ả-rập Xê-út đang bị tác động từ mọi phía. Đến nỗi, một số nhà phân tích thậm chí còn đưa ra một kịch bản “ngày tận thế”. Trong kịch bản này, Ả-rập Xê-út sẽ mất đi sức ảnh hưởng của mình trên các thị trường dầu lớn nhất. Ngành dầu đá phiến của Mỹ ra sức gia tăng thị phần. Còn Nga, Iran và Iraq thì lại đẩy mạnh thị phần ở châu Á, đồng thời chiếm lấy thị phần của Ả-rập Xê-út ở châu Âu.
Trước tình hình như thế, các quan chức Ả-rập Xê-út như Bộ trưởng Năng lượng Khalid Al Falih và Amin Nasser, Giám đốc điều hành của Aramco, vẫn giữ yên lặng. Các nhà lãnh đạo của OPEC cũng không đưa ra bất kỳ lập trường cứng rắn nào cả. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi đáng kể nếu các chỉ báo gần đây đều trở thành hiện thực.
Cụ thể, mới đây, Ả-rập Xê-út đã bất ngờ tuyên bố rằng quốc gia này sẽ ra sức giành lại thị phần ở châu Âu – từng là một trong những thị trường chính của quốc gia. Nhằm gia tăng tính hấp dẫn của nguồn dầu từ Ả-rập Xê-út, vương quốc dầu mỏ đã lên kế hoạch thay đổi giá dầu ở thị trường châu Âu từ tháng 7/2017. Cụ thể, theo Reuters đưa tin hôm thứ Ba, Ả-rập Xê-út đang cố gắng thu hút người mua từ thị trường Châu Âu bằng cách thay đổi cách thức định giá dầu của mình để cho việc bảo hiểm rủi ro (hedging) được dễ dàng hơn. Cụ thể, từ ngày 01/07/2017, Vương quốc dầu mỏ sẽ bắt đầu định giá bán dầu tới châu Âu dựa theo giá chốt trên sàn ICE cho chuẩn Brent, thay vì Brent Weighted Average (BWAVE) mà nước này đang sử dụng cho đến nay.
Xem xét một cách toàn diện hơn, động thái của Ả-rập Xê-út có thể cho thấy một phương pháp tiếp cận mới tới thị trường trong vài tháng hoặc vài năm tiếp theo. Sau khi tập trung hoàn toàn vào thị trường châu Á và các cơ hội đầu tư – được thể hiện bằng chuyến viếng thăm châu Á kéo dài 1 tháng của Đức vua Salman bin Abdulaziz và việc chi tiêu mạnh hàng tỷ USD của Aramco – thì dường như họ đã chuyển hướng sang thị trường dầu ở châu Âu.
Từ lâu, Nga đã có một vị thế rất thoải mái ở thị trường châu Âu với tư cách là nhà cung ứng lớn nhất (gần 32% trong năm 2016). Sự vượt trội của Nga trong lĩnh vực năng lượng ở châu Âu là không thể chối cãi. Tuy nhiên, vị thế của Nga sẽ bị đe dọa nếu Aramco cùng với Iraq và Iran thực sự muốn gia nhập vào thị trường châu Âu. Trong một thị trường dầu ổn định hơn, điều này sẽ không tác động trực tiếp lên các kịch bản giá dầu, nhưng với mức độ bất ổn cao như hiện nay, sự chạm trán giữa Nga và Ả-rập Xê-út ở châu Âu không chỉ làm chao đảo thị trường mà còn có thể châm ngòi cho một cuộc chiến giá mới.
Cho đến năm 2015, nguồn cung dầu từ Nga vẫn chi phối thị trường châu Âu, khi hầu hết các nhà sản xuất từ OPEC đều không hứng thú với nhu cầu ở khu vực này. Thế nhưng điều này đã thay đổi khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất mới gia nhập vào thị trường châu Á và nhu cầu dầu ở Mỹ ngày càng suy yếu. Do đó cũng chẳng lạ gì khi Vương quốc dầu mỏ muốn hướng tới thị trường châu Âu và chuẩn bị chạm trán với Nga. Động thái của Aramco chỉ ra rằng tình hình đã thay đổi, và châu Âu có thể trở thành một “chiến trường” mới dành cho Nga và Ả-rập Xê-út.
Cho tới nay, Vương quốc dầu mỏ đã giành được khá nhiều thị phần và hiện đang xếp vị trí thứ 4 về việc cung ứng dầu cho các quốc gia OECD ở châu Âu trong năm 2016, sau Nga, Na Uy và thậm chí là Iraq.
Cuộc chiến dầu giữa Nga và Ả-rập Xê-út hiện đã được sắp đặt và được thực hiện một phần, khi công ty dầu của Nga là Rosneft đã buộc tội Aramco vì đã bán phá giá dầu ở châu Âu trong năm 2015. Sở dĩ, cho đến nay, Nga và Ả-rập Xê-út không xung đột với nhau là vì để ổn định thị trường dầu trong năm 2015-2016, cũng như để chuẩn bị cho đợt IPO của Aramco. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự bất hòa đã có dấu hiệu trỗi dậy. Cụ thể, Rosneft cho biết cuộc chiến giá ở châu Âu có thể buộc các bên không kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng nữa.
Tình trạng mâu thuẫn đang dần nhen nhóm trên thị trường, nhưng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Các động thái đầu tiên để tái gia nhập vào châu Âu của Saudi Aramco rõ ràng đã cho thấy rằng họ không sẵn lòng gánh vác trách nhiệm cho những nhà sản xuất khác nữa. Châu Âu, một thị trường dầu tương đối ổn định và tăng trưởng đáng kinh ngạc, hiện là nơi có thể diễn ra một cuộc chiến về giá dầu.
Ngoài ra, các nhà phân tích còn đưa ra một kịch bản khác. Theo đó, cả Nga và Ả-rập Xê-út đều không muốn tiến tới một cuộc chiến giá cả thật sự nhưng họ có thể gia tăng thị phần mình theo một cách khác. Cụ thể, 2 quốc gia này có thể chuyển hướng sang các đối thủ mới ở thị trường châu Âu là Iraq và Iran. Trước đây, Iraq và Iran đã lén lút giành lấy thị phần từ cả Nga và Ả-rập Xê-út. Với sự kết hợp sức mạnh giữa Moscow và Riyadh, một cuộc chiến giá cả với bộ đôi Iran và Iraq có lẽ sẽ khả thi hơn và bền vững hơn. Và kịch bản thứ 2 cũng có lợi thế là không đe dọa đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC./.
|