Khám phá bí mật động trời về vụ đặt cược dầu lớn nhất ở Phố Wall (phần 2)
Tại sao Mexico đánh liều thực hiện các vụ đặt cược dầu lớn nhất Phố Wall?
Ở phần trước, chúng ta đã có cái nhìn rõ hơn về diễn biến của vụ đặt cược dầu lớn nhất trên Phố Wall. Vậy tại sao Mexico lại đánh liều thực hiện thương vụ có giá trị cao đến thế? Đây có phải là thương vụ đặt cược dầu đầu tiên của Mexico? Những thương vụ này mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế của Mexico? Ở phần này, Bloomberg sẽ giúp chúng ta trả lời các câu hỏi trên, đồng thời cho thấy lịch sử đặt cược của Mexico từ trước cho tới nay.
* Khám phá bí mật động trời về vụ đặt cược dầu lớn nhất ở Phố Wall (phần 1)
* Khám phá bí mật động trời về vụ đặt cược dầu lớn nhất ở Phố Wall (phần 3)
Vụ đặt cược giá dầu của Mexico có một ý nghĩa kinh tế thực sự. Mãi cho đến thời gian gần đây, quốc gia phụ thuộc vào dầu là Mexico (chiếm đến 1/3 nguồn thu nhập của quốc gia) đã rơi vào tình thế nguy hiểm khi giá dầu biến động mạnh. Theo các quan chức Chính phủ hiện thời và trong quá khứ, mục tiêu chính của vụ đặt cược này không chỉ là đóng góp vào kho bạc của quốc gia mà còn để bảo vệ ngân sách liên bang khỏi sự biến động của giá dầu.
Hơn nữa, đây là một hành động vì mục tiêu tài chính của quốc gia. Nhờ có động thái trên mà Mexico đã giảm bớt chi phí đi vay, Fabián Valencia, chuyên gia kinh tế cấp cao tại IMF và cũng là người dõi theo Mexico, cho hay. “Vụ đầu cơ trên đã giúp Mexico trả lãi suất ít hơn 30 điểm cơ bản trên khoản nợ quốc gia”, ông cho biết.
Hoạt động đặt cược thông qua việc mua quyền chọn bán cũng giống như mua khoản bảo hiểm, Guillermo Ortiz, từng là Thống đốc Banxico trong giai đoạn 1998-2009, cho hay. “Bạn mua hợp đồng này với hy vọng là bạn sẽ không phải dùng đến nó”.
Về phần của mình, Mexico đã cho thấy một ma thuật lạ thường mang phong cách Phố Wall trong giao dịch dầu. Quốc gia này thường tạo tiền dựa trên các vụ đặt cược – thỉnh thoảng cũng mang lại rất nhiều tiền như trong giai đoạn 2008-2009. Từ năm 2001 đến 2017, Mexico đã tạo ra lợi nhuận 2.4 tỷ USD. Những vụ đặt cược đã mang lại 14.1 tỷ USD lợi nhuận và 11.7 tỷ USD phí cho các ngân hàng và nhà môi giới (Các ngân hàng đầu tư có thêm một động lực: Họ có thể kiếm tiền bằng cách thực hiện các giao dịch ăn theo nhưng tách biệt với vụ đặt cược).
Cho đến nay, bằng một cách nào đó, Mexico đã né tránh được một số rủi ro tiềm ẩn trong các giao dịch ở mức độ này. “Nếu bạn làm sai thì đó sẽ là một vấn đề chính trị nghiêm trọng”, George Richardson, quan chức cấp cao tại Ngân hàng Thế giới (WB), đề cập về các thương vụ đặt cược khủng. Khoản chi phí cao ngất ngưỡng trả cho các ngân hàng có thể trở thành lãng phí và thậm chí có thể ngăn cản các quốc gia sản xuất dầu khác tham gia vào các giao dịch phòng ngừa, ông nói. “Liệu có đáng để trả khoản phí thay vì xây dựng một bệnh viện mới?”.
Các kết quả gần đây đã khiến Chính phủ Mexico trông cực kỳ khả quan. Quốc gia này đã kiếm được 6.4 tỷ USD trong năm 2015 và 2.7 tỷ USD trong năm 2016.
Năm ngoái, Mexico đã chi hơn 1 tỷ USD để mua quyền chọn bán với mức giá sàn là 38 USD/thùng. Nếu giá cứ ở quanh mức 50 USD/thùng như hiện nay thì những người đàn ông từ Hacienda sẽ không có lời, nhưng nếu giá rớt xuống dưới mức 38 USD/thùng thì họ sẽ bắt đầu tạo ra lợi nhuận. Chúng ta không biết kết quả sẽ ra sao cho đến tháng 12/2017.
Năm 1990, Mexico lần đầu tiên thực hiện giao dịch phòng ngừa giá dầu. Sau khi Saddam Hussein xâm chiếm Kuwait và đẩy khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ rơi vào khủng hoảng. Không lâu sau đó, Liên Hiệp Quốc (UN) đã đưa ra lệnh cấm với dầu từ Iraq và Kuwait, qua đó loại bỏ 10% nguồn cung dầu ra khỏi thị trường.
Kho bạc Mexico đã hưởng lợi từ đà tăng giá nhanh chóng của giá dầu, nhưng Chính phủ của Carlos Salinas de Gortari cũng hiểu rõ sự bùng nổ này sẽ không kéo dài, khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu dịu lại và Tổng thống Mỹ George H.W. Bush chuẩn bị cho chiến tranh.
Theo Aldo Flores Quiroga, Phó Bộ trưởng dầu mỏ hiện nay của Mexico, ý nghĩ về việc sử dụng các công cụ tài chính dạng này xuất phát từ thập niên 80, khi Mexico đang loay hoay tìm cách ổn định tình hình tài chính. Cụ thể, Chính phủ Mexico đã không thể dự báo trước về cuộc khủng hoảng giá dầu trong năm 1985-1986, khi dầu từ Ả-rập Xê-út tràn ngập trên thị trường và giá bắt đầu sụt giảm. Vào năm 1990, triển vọng Washington có thể ngăn chặn đà sụt giảm của giá dầu bằng cách sử dụng nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ đã nở rộng.
Để đảm bảo Mexico không còn bị tác động bởi những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát, Chính quyền Salinas đã quyết định đặt cược rằng giá dầu sẽ sụt giảm cùng với Goldman Sachs. Stephen Semlitz, trưởng bộ phận giao dịch năng lượng tại J. Aron & Co, và Robert Rubin, đồng Chủ tịch của Goldman Sachs và sau đó trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đã đưa ra một công cụ có thể giúp Mexico khóa chặt giá dầu ở mức 17 USD/thùng trong vài tháng đầu tiên của năm 1991.
Giao dịch đã tỏ ra hiệu quả khi dầu Maya (một loại dầu tiêu chuẩn của Mexico) rơi xuống mức 9.75 USD/thùng trong năm đó. Mặc dù chiến lược phòng ngừa trong lúc chiến tranh vùng vịnh xảy ra đã thành công, nhưng Mexico đã không thực hiện lại điều này trong nhiều năm vì giá dầu lúc đó khá ổn định.
Tuy nhiên, Mexico rơi vào thế mất phòng ngự vào cuối thập niên 90, khi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á làm “đóng băng” nhu cầu dầu và các quốc gia OPEC tăng sản lượng sản xuất nhằm giành thị phần. Kết quả là giá dầu lại trượt dốc. Trong tháng 12/1998, Mexico bán dầu cho Mỹ ở mức vô cùng thấp 5.68 USD/thùng. Vốn không phải là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Mexico không thể tiên đoán trước về cuộc khủng hoảng nên họ cũng chẳng phòng ngừa.
Chính sự việc trên đã gieo rắc nỗi ám ảnh lên cả một thế hệ các quan chức Chính phủ - những người đã quyết định không bao giờ để họ bị tác động một lần nào nữa. Và điều này đã khởi đầu hoạt động phòng ngừa hiện đại ở Mexico – chính thức có hiệu lực vào đầu những năm 2000 sau khi các nhà lập pháp thông qua một điều luật cho phép Mexico linh hoạt về ngân sách để đáp ứng các giao dịch phòng ngừa.
Mexico đã chi ra 217.3 triệu USD trong năm 2001 cho các quyền chọn bán và chi 1 tỷ USD trong năm 2002. Năm 2003 và 2004, khi giá dầu không ngừng tăng, quốc gia này đã quyết định không thực hiện các giao dịch phòng ngừa nữa. (Chính phủ Mexico từ chối đưa ra nhận định về việc này).
Theo nguồn thông tin thân cận, chiến lược trên diễn ra trở lại từ năm 2005. Mexico đã giao dịch phòng ngừa mỗi năm mà không có sự gián đoạn nào cả. Agustín Carstens, người sau này đứng đầu Banxico, là Bộ trưởng Tài chính vào năm 2009 khi khoản thanh toán cho việc phòng ngừa lên tới 5.1 tỷ USD.
Một số quan chức Chính phủ Mexico cũng thường đề cập tới vụ đặt cược giá dầu hàng năm như là “vụ phòng ngừa Agustínian”./.
Còn tiếp...
|