Rút ngắn thời gian thông quan hàng nhập khẩu còn 90 giờ
Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện mội trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
Tiếp tục cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại
Mục tiêu của Tổng cục Hải quan là tiếp tục cải cách, hiện đại hóa, nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, kiểm soát tuân thủ, bảo đảm nguồn thu, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới. Giảm thiếu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN), kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, KTCN và với cơ quan Hải quan.
Qua đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Một số mục tiêu cụ thể phấn đấu đến hết năm 2017:
- Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu;
- Cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới theo đánh giá của Ngân hàng thế giới từ thứ hạng 93 phấn đấu đứng thứ hạng dưới 82;
- 100% dịch vụ công của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3;
- 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.
Đến hết năm 2020, phấn đấu thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới là dưới 60 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 80 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Nhiệm vụ, giải pháp và sản phẩm đầu ra
Nội dung kế hoạch hành động bao gồm 11 nhóm nhiệm vụ, 29 giải pháp và 39 sản phẩm đầu ra trong các lĩnh vực: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa quốc gia ASEAN và các nhiệm vụ khác.
Về hoàn thiện hệ thống pháp luật, ngành Hải quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy định chi tiết Luật Hải quan 2014; nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
Tiếp tục kiến nghị các Bộ, ngành sửa đổi văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực hải quan (các hoạt động liên quan đến quản lý chuyên ngành, KTCN) để tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục KTCN tại các cửa khẩu nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu phải KTCN nhiều.
Đồng thời nỗ lực hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, kết nối Cơ chế một cửa ASEAN.
Các nhiệm vụ khác bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử về hàng hóa tại cảng biển; mở rộng việc triển khai thực hiện thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử; mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Hàng năm giảm tỷ lệ kiểm tra luồng vàng, đỏ; xây dựng cơ chế kiểm soát về xuất xứ, chế độ quản lý đối với các loại hình hàng hóa, phương tiện vận tải phù hợp cam kết theo đúng lộ trình.
Mỗi nhiệm vụ kế hoạch đều xác định rõ các giải pháp thực hiện, sản phẩm đầu ra, đơn vị chủ trì hoặc đầu mối, đơn vị phối hợp, tiến độ thực hiện để đảm bảo thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch hành động. Cần phải cụ thể hóa nhiệm vụ thành các giải pháp, đề án, công việc, kết quả đầu ra và tiến độ hoàn thành để đưa vào chương trình công tác của đơn vị. /.
|