Điểm tên 10 doanh nghiệp lỗ lũy kế lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam
Tính đến thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC năm 2016 với cái nhìn chung tương đối khả quan khi đa số đơn vị đều báo lãi. Tuy nhiên, theo dữ liệu thống kê của Vietstock, cuối năm 2016 danh sách doanh nghiệp còn lỗ lũy kế đã kéo dài đến con số 58 đơn vị với tổng con số thua lỗ xấp xỉ 12,000 tỷ đồng.
Trong đó, Top 10 doanh nghiệp niêm yết có lỗ lũy kế lớn nhất thị trường chứng khoán hầu hết đều là những tên tuổi đã quen thuộc, ghi nhận tổng lỗ 9,973 tỷ đồng, chiếm trọn 83% tổng lỗ lũy kế của 58 doanh nghiệp.
Top 10 doanh nghiệp lỗ lũy kế lớn nhất tính đến cuối năm 2016
Đvt: Tỷ đồng
|
PVX – OGC: Dồn lỗ hàng ngàn tỷ, “bao” phân nửa thị trường!
Hai doanh nghiệp dẫn đầu về lỗ lũy kế và “bao lỗ” phân nửa thị trường không có bất kỳ thay đổi nào so với năm trước cả về tên tuổi lẫn thứ hạng. Theo đó, PVX và OGC lần lượt ghi nhận lỗ lũy kế 2,915 tỷ và 2,482 tỷ đồng.
Là đơn vị có mức thua lỗ tính đến cuối năm 2016 lớn nhất thị trường, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) ghi nhận lỗ lũy kế đến 2,915 tỷ đồng.
Câu chuyện thua lỗ của PVX mở màn từ những năm 2011 khi bất ngờ chuyển từ lãi 196 tỷ đồng thành lỗ hơn 19 tỷ đồng sau kiểm toán. Năm tiếp theo, doanh thu thuần giảm mạnh trong khi chi phí quá lớn khiến PVX báo lỗ khủng, âm 1,520 tỷ đồng (tính riêng tại công ty mẹ lỗ 1,222 tỷ đồng). Không dừng lại, năm 2013 Công ty lại tiếp tục khiến nhà đầu tư tá hỏa với con số thua lỗ được độn gấp 3 lần, tương ứng lỗ hợp nhất là 3,075 tỷ đồng. Theo giải trình lúc bấy giờ, PVX đã mất cân đối về tài chính, sa lầy vào bất động sản, đặc biệt là có tình trạng đầu tư vốn vào nhiều dự án không đúng mục đích, không theo kế hoạch được phê duyệt...
* Thanh tra việc đầu tư thực hiện dự án tại PVX
* Khởi tố thêm 5 bị can liên quan đến PVC
Kết quả kinh doanh của PVX và OGC 2012 - 2016
a) PVX
Đvt: Tỷ đồng
|
b) OGC
Đvt: Tỷ đồng
|
|
Mãi cho đến quý 3/2014, PVX mới bắt đầu có lãi trở lại, hơn 150 tỷ đồng, và nối tiếp 8 quý sau đó đều ghi nhận lợi nhuận dương. Mặc dù “cơn bão” đã đi qua nhưng vẫn để lại bao nỗi đau khắc khoải cho PVX khi mà con số lỗ lũy kế tính đến thời điểm 31/12/2016 còn ở mức cận kề 3,000 tỷ đồng.
Song song với đó, CTCP Tập đoàn Đại Dương (HOSE: OGC) cũng vừa báo cáo BCTC năm 2016 với con số lỗ ròng hơn 727 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế từ 1,780 tỷ đầu năm lên 2,482 tỷ đồng.
Tại OGC, kết quả kinh doanh bắt đầu bết bát khi cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm bị tạm giam vào năm 2014. Hệ lụy là, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, OGC đã phải báo lỗ hơn 2,211 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía lãnh đạo thì OGC trước đó vẫn hoạt động kinh doanh tốt, tuy nhiên sau biến cố Tập đoàn gặp nhiều khó khăn bởi các mối quan hệ với đối tác, khách hàng và cả niềm tin của cổ đông sụt giảm.
Để trang trải cho tháng ngày chật vật, OGC đã phải bán một số dự án, qua đó ghi nhận lãi ròng 612 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên, 2016 tiếp tục lỗ nặng trở lại, doanh thu thuần đạt 1,184 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng 27% so với năm trước, tuy nhiên kết quả cuối cùng là lỗ hơn 727 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 2,482 tỷ đồng.
Mặt khác, nhắc đến OGC không thể bỏ qua Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH) – từng là công ty con của OGC với tỷ lệ sở hữu 55.5% vốn (31/12/2015), cũng kết thúc năm 2016 với khoản lỗ ròng hơn 154 tỷ đồng, dẫn đến lỗ lũy kế lên gần 982 tỷ đồng.
TTF, VNA và FDC: Gương mặt mới trong Top 10 lỗ lũy kế
Được biết, Top 10 doanh nghiệp có lỗ lũy kế lớn nhất toàn thị trường năm nay có ghi nhận thêm ba gương mặt mới là TTF, VNA và FDC.
Giao dịch cp TTF từ ngày đầu năm 2016 đến nay
Trên sàn, giá cổ phiếu TTF kể từ khi phát hiện có sai lệch nghiêm trọng về hàng tồn kho đã suy giảm một cách đáng kể, từ mức đỉnh 43,600 đồng/cp (18/07/2016) lùi về còn 6,500 đồng/cp (27/02/2017), tương ứng giảm hơn 85%.
|
Trong đó, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đã gây sốc giới đầu tư về những phát hiện sai lệch nghiêm trọng trong hàng tồn kho vào năm 2016 này. Từ hình ảnh doanh nghiệp đang trên đà tăng trưởng và hồi phục sau khó khăn, tạo động lực thúc đẩy giá cổ phiếu bay cao, sự vụ trên khiến TTF bất ngờ ghi nhận lỗ hơn ngàn tỷ trong quý 2/2016 và tiếp tục âm về lợi nhuận âm vào hai quý cuối năm. Hệ quả để lại là mức lỗ lũy kế đã tương đương 1,767 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp 1,446 tỷ đồng, đối diện với án hủy niêm yết cổ phiếu.
Với Vận tải Biển Vinaship (HOSE: VNA), tuy chỉ mới xuất hiện trong danh sách Top 10 nhưng đồng thời là cái tên quen thuộc khi nhắc đến kinh doanh thua lỗ hằng năm. Hầu như năm nào Công ty cũng lỗ trong thời gian đây. Do đó, tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của VNA giảm 10% so với đầu năm, chỉ còn 948 tỷ đồng; trong đó, nợ chiếm đến 92% với 871 tỷ đồng. VNA lỗ lũy kế hơn 205 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 200 tỷ đồng nên cũng thuộc diện có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu. Cùng ngành với VNA, Vận tải biển Việt Nam (HOSE: VOS) cũng là đơn vị thua lỗ triền miên. Năm 2016, VOS báo cáo mức thua lỗ hơn 359 tỷ đồng, đóng góp gần một nửa vào mức lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2016 (âm hơn 800 tỷ đồng). Trước đó, hàng loạt tên tuổi trong ngành vận tải đường thủy như VST, NOS, VSP, SSG… đều phải khăn gói rời sàn do thua lỗ liên tiếp.
Hoạt động kinh doanh VNA giai đoạn 2012 – 2016
Đvt: Tỷ đồng
|
* VNA: Tiếp tục thua lỗ gần 99 tỷ đồng năm 2016
* Lỗ vượt vốn, VNA có nguy cơ phải rời sàn
Kinh doanh bê bết cũng đã diễn ra tại Fideco (HOSE: FDC) trong 3 năm trở lại đây, với con số lãi ròng giảm từ hàng trăm tỷ đồng (năm 2013) xuống vỏn vẹn vài chục tỷ. Đến năm 2016, doanh thu tuy ghi nhận cao nhưng lại bị các khoản mục chi phí "ngốn" sạch, dẫn đến lần đầu tiên trong 10 năm FDC phải báo lỗ gần 12 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía FDC, Công ty đã thanh lý các hợp đồng cho thuê văn phòng tại tòa nhà 28 đường Phùng Khắc Khoan (quận 1, TPHCM) trong năm 2016 để chuẩn bị xây dựng mới, điều này đã làm giảm đáng kể nguồn thu của Công ty. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư góp vốn vào một số thương vụ mua lại (Công ty TNHH Đầu tư Phúc Thịnh Đức, CTCP Thông Đức, CTCP Bách Kinh và CTCP Thiết kế và Xây dựng Đất Phúc) nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh; theo đó phía lãnh đạo có khẳng định khoản lỗ của năm 2016 là kết quả tạm thời, từ năm 2017 trở đi sẽ được cải thiện và có lãi.
Được biết, trong năm 2016 vốn chủ sỡ hữu FDC biến động giảm gần 200 tỷ đồng do tăng sở hữu công ty con là công ty Đất Phúc và Bách Kinh. Cụ thể, FDC đã phát hành hơn 11 triệu cổ phiếu hoán đổi; trong đó hơn 7.4 triệu cổ phiếu mới để hoán đổi cổ phiếu CTCP Fideco cho các cổ đông của Bách Kinh theo tỷ lệ 1:0.92, và 3.7 triệu cổ phiếu mới để hoán đổi cổ phiếu CTCP Fideco cho các cổ đông của Đất Phúc theo tỷ lệ 1:1.22.
* BĐS hồi phục, năm 2016 POM lãi lớn và xóa được lỗ lũy kế
Ngược lại, Thép Pomina (POM) đã giảm mạnh được lỗ lũy kế và thoát khỏi Top 10 này. Cụ thể, kết thúc năm 2016 mặc dù doanh thu POM giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ, nhưng nhờ chi phí tài chính được cắt giảm đáng kể, kết quả là lợi nhuận sau thuế đạt hơn 301 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng hơn 10 lần. Như vậy, với mức lãi lớn trong năm 2016 đã giúp POM không chỉ xóa lỗ lũy kế mà còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 89 tỷ đồng, tạo tiền đề giúp Công ty thoát khỏi diện cảnh báo./.
|