4 bài học về tiền từ những sai lầm của vị đầu bếp triệu phú
Anthony Bourdain hiện có tổng tài sản trị giá hàng triệu USD và là một trong những đầu bếp giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, ông đã mắc phải hàng loạt sai lầm tài chính trên con đường tiến tới thành công. Từ việc tiêu xài phung phí cho thuốc phiện cho đến việc mắc nợ hàng loạt, ông đã học hỏi được rất nhiều từ những sai lầm trên để trở thành một người am hiểu về tài chính hơn.
Vị đầu bếp triệu phú Anthony Bourdain
|
Ở đây, MarketWatch đã ghi nhận 4 bài học mà bạn có thể học tập từ kinh nghiệm của ông Anthony Bourdain.
1. Hãy bắt đầu thói quen tiết kiệm khi bạn còn trẻ
Mãi đến khi 44 tuổi, ông Bourdain chẳng có nổi một tài khoản tiết kiệm. Ông gọi việc trì hoãn tiết kiệm là “một thực tế đáng buồn”, đồng thời cho biết: “Tôi luôn nợ tiền. Lúc nào cũng tỏ ra ích kỷ và hoàn toàn vô trách nhiệm”.
Tuy nhiên, không chỉ riêng mình ông như vậy. Thật vậy, gần 70% người Mỹ có ít hơn 1,000 USD trong tài khoản tiết kiệm và 28% không có tiền tiết kiệm. Erin Lowry, tác giả của cuốn sách “Broke Millennial: Stop Scraping By and Get Your Financial Life Together”, cho biết thậm chí một người có ngân sách eo hẹp cũng có thể tiết kiệm được một chút tiền. “Quan trọng là phải bắt đầu thói quen tiết kiệm càng sớm càng tốt”, bà cho biết. “Ngay cả khi lượng tiền bạn tiết kiệm rất ít ỏi, thì nó cũng giúp bạn xây dựng thói quen tiết kiệm để đến khi bạn làm ra nhiều tiền hơn thì bạn cũng không cần phải thay đổi phong cách sống của mình”.
Không quan trọng bạn đang ở đâu trong nấc thang sự nghiệp, hãy bắt đầu bỏ ra ít nhất 5 USD để tạo thói quen tiết kiệm lành mạnh.
2. Đừng bao giờ nợ tiền
Sau hàng loạt sai lầm về nợ nần, ông Bourdain bắt đầu hiểu ra việc nợ tiền có thể tác động tiêu cực đến tình hình tài chính cá nhân cũng như tinh thần của bạn. Vị đầu bếp triệu phú nói về sự căng thẳng của việc mắc nợ liên tục khi ông rơi vào tình trạng lạm dụng thuốc phiện. “Tôi không bao giờ để dành tiền. Tiền đến rồi tiền lại đi. Tôi luôn luôn mắc nợ vì Cocaine (thuốc phiện)”.
Chưa dừng lại ở đó, khoản nợ ngày càng chồng chất khi ông dùng thẻ tín dụng để thanh toán chi phí cho những chuyến đi xa tới Caribbean. David Gutzke, Cố vấn quản lý tài sản của Private Client Reserve of U.S. Bank, cho biết có rất nhiều người tiêu dùng có thể tránh rơi vào những trường hợp tương tự. “Điều quan trọng là hãy dành ra thời gian hàng tuần hoặc 2 lần mỗi tháng để xem xét lại các khoản chi tiêu của mình và hãy đảm bảo là bạn vẫn chi tiêu trong khả năng của mình. Bạn không cần thiết phải xây dựng một ngân sách quá khắt khe, nhưng nếu bạn có khoản tiền lương thường xuyên thì hãy xem xét xem lượng tiền vào và ra thật kỹ lưỡng”, ông cho biết.
Tránh việc mua sắm mà không suy nghĩ trước. “Một hành động chi tiêu phóng túng có thể hủy hoại ngân sách dành cho cả tháng hoặc cả quý hoặc nhiều hơn”, ông Gutzke chia sẻ.
3. Hãy tận dụng khi bạn có cơ hội
Việc ông Bourdain trở thành đầu bếp giàu có là kết quả của hàng loạt quyết định có rủi ro cao nhưng đều được tưởng thưởng xứng đáng. Sau khi hoàn tất năm một đại học, ông đã quyết định rời bỏ trường, đồng thời đăng ký vào trường dạy nấu ăn và trở thành đầu bếp tại thành phố New York. Sau khi viết cuốn sách nổi tiếng “Kitchen Confidential” (tạm dịch "Nhà bếp Bí mật”), một quyển sách cho thấy cái nhìn thực tế khi làm việc trong nhà bếp của một nhà hàng, ông tỏ ra do dự không biết có nên ngừng làm đầu bếp hay không và ông cũng không chắc là mình có thể làm ra bao nhiêu tiền nếu không làm đầu bếp.
Tuy nhiên, ông nhận ra rằng nhà hàng nơi ông làm việc ngày càng có nhiều phóng viên muốn nói chuyện với ông, vì vậy ông đã quyết định bắt đầu chuyến lưu diễn để nói về cuốn sách của mình. Đáng chú ý hơn, khoản tiền có được từ chuyến lưu diễn còn nhiều hơn cả doanh số bán sách.
Đó là sau khi sự nghiệp viết sách và làm chương trình truyền hình của ông bắt đầu khởi sắc và ông đã có thể tiết kiệm tiền thường xuyên hơn.
4. Thanh toán tất cả khoản thuế
Ông Bourdain đã từng vô trách nhiệm về mặt tài chính theo nhiều cách, và thậm chí còn không đóng thuế trong 10 năm, nhưng giờ thì ông không còn né tránh việc đóng thuế nữa. Một người bạn đã từng ám chỉ đến một cách dễ dàng để trốn thuế, đó là tạo một “nơi cư trú giả tạo” ở Caymans, nhưng ông Bourdain đã không làm vậy. Ông cảm thấy tự hào vì đã thanh toán tất cả khoản nợ nần, trong đó có cả khoản thuế của Chính phủ.
Ông cho biết: “Tôi sẽ cảm thấy tồi tệ khi làm như thế. Tôi là một người Mỹ và tôi không muốn giống như người đàn ông đó. Tôi không muốn có những cuộc nói chuyện kiểu đó nữa. Tôi thà làm ra ít tiền hơn, nhưng đó là những đồng tiền sạch. Các đối tác của tôi làm ra tiền, tôi làm ra tiền và Chính phủ cũng có phần của mình. Nếu họ gọi tôi đến để kiểm toán, thì tôi sẽ đến vì tôi không trốn thuế. Tôi đã sống nhiều năm lo sợ về các cuộc gọi từ ngân hàng, chủ nhà và Chính phủ. Thật là tốt khi không còn lo lắng sợ hãi nữa”./.
|