Vì sao lợi nhuận năm 2016 của C47 thấp nhất trong 9 năm qua?
Việc thua lỗ lần đầu tiên trong quý 4/2016 kể từ khi niêm yết đã khiến lãi ròng cả năm 2016 của CTCP Xây Dựng 47 (HOSE: C47) đạt mức thấp nhất trong 9 năm qua. Vậy đâu là nguyên nhân khiến C47 kinh doanh bết bát như vậy?
Mảng xây dựng công trình thủy điện chiếm 90% tổng doanh thu
CTCP Xây dựng 47 tiền thân là Công ty Xây dựng Thủy lợi 7 được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Thủy lợi. Công ty tiến hành cổ phần hóa trong tháng 12/2004 và chính thức niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2011 với mức vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động cốt lõi của C47 là xây dựng các công trình thủy lợi và thủy điện. Ngoài ra, công ty còn kinh doanh trong lĩnh vực du lịch chủ yếu thông qua việc điều hành khách sạn Hải Âu tại Quy Nhơn – Bình Định.
Kể từ khi niêm yết, đến nay C47 mới có 2 lần tăng vốn bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu vào năm 2015 và cuối năm 2016. Vốn điều lệ hiện tại của C47 là hơn 170 tỷ đồng, trong đó hai cổ đông lớn là Chủ tịch Nguyễn Lương Am nắm 14.3% vốn và 1 cá nhân Lê Trường Sơn nắm 8.92% vốn.
Kể từ khi niêm yết đến hết năm 2016, mảng xây dựng công trình thủy điện là hoạt động cốt lõi của C47 khi đóng góp tỷ trọng khoảng 90% vào doanh thu thuần.
Các dự án nổi bật của C47 phải kể đến như hạng mục thi công cửa lấy nước và hầm TBM của dự án Thượng Kon Tum (giá trị trên 1,300 tỷ đồng) do CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) làm chủ đầu tư. Công trình gồm 2 hầm dẫn nước thượng lưu (5 km) và hạ lưu (13 km) do nhà thầu Hoa Đông (Trung Quốc) thi công từ năm 2011 nhưng thất bại. Từ giữa năm 2015, liên doanh C47-Robbins thay nhà thầu Hoa Đông tiếp quản công trình.
Công trình nhà máy thủy điện Trung Sơn (3,000 tỷ đồng) đã được C47 thi công xây dựng từ năm 2012, dự kiến công trình sẽ hoàn tất trong quý 2/2017. Công trình lắp đặt thêm 1 ống dẫn nước cho nhà máy Thủy điện Đa Nhim (713.3 tỷ đồng) hay Công trình thủy lợi Tân Mỹ (1,824 tỷ đồng) được quy hoạch làm hồ thủy điện tích…
Riêng năm 2015, C47 đạt doanh thu thuần 1,523 tỷ đồng , tăng hơn 50% so với năm trước đó, trong đó đến từ các gói thầu cửa lấy nước và phần hầm Km0-Km5 thủy điện Thượng Kon Tum (Kon Tum – 275 tỷ đồng), dự án mở rộng thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng – 713 tỷ đồng), các hạng mục bổ sung cho dự án thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa – 72 tỷ đồng), công trình Nước Trong (Quảng Ngãi – 66 tỷ đồng), Văn Phong (Bình Định – 9 tỷ đồng), Sông Bung 2 (Quảng Nam – 19 tỷ đồng)...
Bên cạnh đó, C47 còn một mảng kinh doanh truyền thống nữa là hoạt động dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành. Năm 2015, khách sạn Hải Âu mang lại doanh thu xấp xỉ 94 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch giao, hiệu suất sử dụng phòng đạt hơn 60%.
Quý 4 bất ngờ lỗ kéo lãi cả năm xuống thấp nhất trong 9 năm qua
Mới đây, C47 công bố BCTC hợp nhất quý 4/2016 với con số không khỏi khiến nhà đầu tư phải bất ngờ khi doanh thu vẫn đảm bảo như cùng kỳ năm trước nhưng kết quả lại lỗ hơn 10 tỷ đồng, ghi nhận quý đầu tiên báo lỗ từ khi niêm yết.
Kết quả cả năm 2016, C47 đạt doanh thu thuần 1,490 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với năm 2015 nhưng lợi nhuận sau thuế còn chưa đến 5 tỷ đồng, giảm 82%. Và phải nhờ con số âm 5 tỷ đồng lợi ích cổ đông thiểu số thì lãi cổ đông công ty mẹ C47 mới đạt 10 tỷ đồng, còn giảm 65% và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Theo C47, trong năm 2016, công ty khởi công 2 công trình thủy điện thượng Kon Tum thuộc chủ đầu tư VSH và công trình thủy điện Đa Nhim thuộc chủ đầu tư CTCP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD). Cả hai công trình này đều sử dụng công nghệ khoan hầm tiên tiến nhất dẫn đến chi phí đầu tư của C47 rất lớn, mà vốn đầu tư chủ yếu từ vay ngân hàng nên chi phí lãi vay tăng theo.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2016, C47 có tổng nợ ngắn hạn gần 1,336 tỷ đồng, cao hơn cả tài sản ngắn hạn, trong đó vay nợ ngắn hạn hơn 750 tỷ đồng (hơn 749 tỷ đồng vay từ BIDV). Cả năm 2016 thì C47 phải trả lãi vay gần 110 tỷ đồng, chiếm 71% trong lãi gộp của Công ty và cũng là mức lãi vay phải trả cao nhất từ năm 2013 đến nay của C47.
Trước đó, năm 2012, C47 cũng chi ra 122 tỷ đồng trả lãi vay, mức cao nhất từ khi C47 niêm yết. Điều này cũng giải thích tại sao mặc dù doanh thu Công ty nhiều năm qua đều xấp xỉ ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đâu đó từ 30 tỷ đồng trở lại.
Không chỉ câu chuyện lãi vay, một lý do nữa khiến C47 kinh doanh sụt giảm trong năm 2016 đó là việc Công ty con là CTCP Thủy điện Văn Phong (C47 sở hữu 59.81%) kinh doanh thua lỗ. Thực chất Thủy điện Văn Phong bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng do chỉ ở mức độ thăm dò nên năm đầu lỗ hơn 3 tỷ đồng. Sang năm 2016, công ty con này tiếp tục lỗ hơn 13 tỷ đồng mà theo giải trình C47 là do hiện tượng El Nino kéo dài, tình hình thủy văn khu vực miền Trung và Tây Nguyên không thuận lợi.
Cộng hưởng hai yếu tố trên đã làm cho C47 chấp nhận kết quả cả năm ở mức thấp nhất từ năm 2008 đến nay.
Kết quả lợi nhuận C47 từ 2008 đến nay (Đvt: Triệu đồng)
|