Thứ Năm, 16/02/2017 09:56

Sau hơn 1 năm rời vòng tay SCIC, Sotrans lột xác đến khó tin

Hơn 1 năm tách khỏi vòng tay của SCIC, CTCP Kho vận miền Nam – Sotrans (HOSE: STG) đã có thay đổi rất lớn như quy mô phình to, giá cổ phiếu khởi sắc, kết quả kinh doanh cải thiện và nổi tiếng hơn.

Hoàn toàn lột xác

Nhiều năm liền nằm trong vòng tay của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), STG trung thành với số vốn vỏn vẹn 83.5 tỷ đồng. Thế nhưng, khi SCIC vừa thoái toàn bộ 47.73% vốn vào tháng 7/2015 thì ngay lập tức trong tháng 8 Công ty tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua phương án phát hành 19.2 triệu cp để tăng vốn điều lệ hơn gấp ba và 500 tỷ trái phiếu. Nguồn vốn huy động được STG dự kiến dùng để đầu tư mạnh hơn lĩnh vực khai thác cảng và tham gia bất động sản.

Nói về dàn lãnh đạo, trong năm 2015 – ngay khi công cuộc lột xác bắt đầu thì đã có 4/6 thành viên từ nhiệm nhường chỗ cho 3 người mới là ông Lê Bá Thọ, ông Trần Văn Thịnh, ông Đỗ Hoàng Phương.

Đến tháng 4/2016 quá trình chuyển giao được tiếp tục với việc ông Trần Quyết Thắng thôi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT nhường chỗ cho người mới toanh là ông Nguyễn Văn Tuấn, bà Đoàn Thị Đông (thành viên HĐQT cũ) từ nhiệm nhường chỗ cho ông Trần Tuấn Anh.

Như vậy, dàn thành viên HĐQT mới của  STG hiện nay đã được thay thế gần như hoàn toàn với Chủ tịch mới là ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch ông Lê Bá Thọ; đồng thời trong dàn HĐQT cũ, ông Thắng là người duy nhất còn lại. Được biết, vào tháng 8/2016, GEX cũng mới bổ nhiệm một vị Tổng giám đốc tên Nguyễn Văn Tuấn sinh năm 1984.

Không dừng ở đó, đến tháng 7/2016, STG tiếp tục phát động phương án tăng vốn khủng  578.8 tỷ đồng lên 854.4 tỷ đồng. Điều đặc biệt là cả hai lần tăng vốn, STG đều rất thành công với tỷ lệ lên đến 100%.

Như vậy, chỉ vọn vẹn sau hơn 1 năm xa rời SCIC, STG đã nâng quy mô vốn điều lệ của mình lên gấp 10 lần. Điều này đã đưa sức khỏe tài chính báo cáo của Công ty trở về mức ổn định. Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản là 47%, giảm mạnh so với mức 73% vào đầu năm.

Sau khi tăng vốn mạnh, Công ty vẫn xác định lĩnh vực hoạt động chính là vận tải hàng hóa đường thủy nội địa; kinh doanh kho, bãi, cảng, nhà xưởng; vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics… Theo đó, STG đã sử dụng nguồn tiền để tăng cường M&A các đơn vị cùng ngành nghề.

Từ cuối năm 2015, STG đã nổi đình nổi đám với việc đứng sau thâu tóm CTCP MHC. Trên số liệu công khai, STG mới sở hữu 23% vốn tại đây nhưng ông Đặng Vũ Thành – Tổng giám đốc STG tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 cho biết nhóm đã nắm giữ 100% vốn MHC. Sang đến năm 2016, khi SCIC thoái vốn tại Tổng CTCP Đường sông miền Nam (SWC) và CTCP Vận tải Đa phương thức Vietranstimex (VTX), STG liền nhảy vào. Tính đến cuối năm 2016, Công ty TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Sotrans (công ty con 100% vốn thuộc STG) đã nâng sở hữu lên 75% vốn SWC, còn STG trực tiếp sở hữu 84% vốn VTX.

Tính đến cuối năm 2016, STG đã đổ tổng cộng 1,186 tỷ đồng vào công ty con và 118.7 tỷ vào công ty liên doanh liên kết trong khi cho đến cuối quý 3 năm trước (thời điểm SCIC thoái vốn và STG bắt đầu có công cuộc lột xác) chỉ khoảng 7 tỷ cho hoạt động này; chiếm đến 67% tổng tài sản.

Song, có một điểm tiêu cực mà STG không thể tránh được đó là ROE từ mức trên dưới 19%/năm giai đoạn 2012 – 2014 bỗng chốc sụt về 14.8% năm 2015 và năm 2016 thì còn 13.2%, ROA cũng từ mức trên 10% về 6.21%. Việc ROE, ROA sụt giảm mạnh thực chất là tác động của việc tăng vốn quá nhanh trong khi lợi nhuận tạo ra chưa tương xứng – điều mà bất cứ doanh nghiệp nào tăng vốn khủng cũng không tránh được.

Đặc biệt, giá cổ phiếu STG không hề giống như nhiều đơn vị tăng vốn thần tốc khác liên tục sụt giảm về mức tương đương cốc trà đá mà vẫn tăng trưởng rất tốt. Xét theo giá điều chỉnh, cổ phiếu STG đã tăng mạnh từ mức giá dưới 6,000 đồng thời điểm SCIC thoái vốn lên mức trên 23,000 ở thời điểm hiện tại, tức tăng trưởng 280%.

Sau nhiều bể dâu, GEX đã là bến đỗ?

Kể từ sau khi SCIC thoái vốn, đã có rất nhiều cổ đông lớn đến rồi đi như cơn gió, chỉ nắm giữ cổ phiếu trong vài ba tháng rồi bán ra để nhường chỗ cho lớp nhà đầu tư lớn khác. Trong đó, có một số trường hợp là để hỗ trợ các đợt tăng vốn hay có thể là lướt sóng.

Cụ thể, ngày 01/07/2015, SCIC thực hiện giao dịch bán 47.7% vốn STG thì chính ba nhà đầu tư gồm bà Trịnh Thị Hương, bà Trịnh Thị Vân mỗi người mua 17.96% và Sông Đà 909 mua vào 11.81%. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn sở hữu (khoảng hơn 1 tháng), cả ba cổ đông này đều đã thực hiện chuyển nhượng cho một lớp nhà đầu tư mới chen chân vào STG. Lớp cổ đông mới chính là CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL Corp), Quỹ đầu tư Khám phá giá trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VVDIF), Công ty Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinbankCapital) và CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC), tính đến cuối năm 2015 nhóm này sở hữu 51.3% vốn STG.

Lớp cổ đông lớn mới cũng không duy trì được lâu khi đến tháng 4/2016 – tức chỉ sau 6 tháng nắm giữ lại bắt đầu rục rịch thoái vốn. Mở đầu là Công ty Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và Quỹ đầu tư Khám phá giá trị Ngân hàng Công thương Việt Nam (VVDIF). Còn PTC không tham gia mua cp STG trong các lần tăng vốn nên cũng bị biến mất khỏi danh sách cổ đông lớn.

Ngoài ra, danh sách cổ đông lớn của STG cũng thoáng chốc xuất hiện những cái tên là tổ chức tài chính khác như Chứng khoán IB (VIX), Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVFMC), tất cả đều chỉ nắm giữ cp trong thời gian vài ba tháng.

Sau tất cả, hiện nay, STG đang có hai cổ đông lớn nhất là Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam – Gelex (GEX) và CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL Corp) sở hữu lần lượt 24.93% và 20.31% vốn STG.

Trong khi ITL Corp chưa có động thái nào thì GEX đã công bố việc chào mua công khai 22.3 triệu cp, ứng 26.1% vốn STG để tăng sở hữu lên 51.03% vốn để chính thức nắm quyền chi phối. Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2016, Ban lãnh đạo GEX cho biết sẽ tham gia vào mảng mới là logistics và STG chính là mục tiêu thâu tóm./.

Các tin tức khác

>   SPI: Đính chính Báo cáo tài chính quý 4/ 2016 (15/02/2017)

>   VAT: Báo cáo quản trị công ty năm 2016 (15/02/2017)

>   HJC: báo cáo quản trị năm 2016 (15/02/2017)

>   DRL: Nghị quyết HĐQT về việc thay đổi thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2017 (15/02/2017)

>   AGF: Kế hoạch niên độ 2016-2017 lãi gấp 12 lần (15/02/2017)

>   HAH: BCTC Hợp nhất Kiểm toán năm 2016 (14/02/2017)

>   HAH: BCTC Kiểm toán năm 2016 (14/02/2017)

>   DCL: BCTC năm 2016 (14/02/2017)

>   DCL: BCTC Hợp nhất năm 2016 (14/02/2017)

>   CLG: BCTC quý 4 năm 2016 (14/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật