Vì sao cổ phiếu VRC nhảy vọt bất chấp kinh doanh ảm đạm?
Giữ ngôi vương về mức tăng trưởng thị giá cổ phiếu năm
2016 trong ngành bất động sản, VRC đã mang lại niềm vui cho không ít nhà
đầu tư. Dù vậy, phía sau lần tăng giá của cổ phiếu VRC còn chứa đựng
những dấu hỏi lớn khi doanh nghiệp này cũng thay đổi loạt lãnh đạo cấp
cao. Liệu VRC có mang hình bóng của một DRH thứ 2?
Cổ phiếu giữ ngôi vương tăng giá trong ngành, bất chấp KQKD ảm đạm
Lên sàn vào thời điểm cuối tháng 7/2010, với mức giá tham chiếu 43,200 đồng/cp (chưa điều chỉnh). Tuy nhiên, diễn biến thị giá của cổ phiếu VRC lại mang nhiều “vị đắng” khi liên tiếp lao dốc. Hơn 1 năm sau ngày niêm yết, thị giá của VRC đã rớt mất 74% giá trị xuống mức 7,900 đồng/cp phiên ngày 15/08/2011.
Những năm sau đó, cùng với tình trạng nền kinh tế thế giới khủng hoảng, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước và thị trường bất động sản đóng băng, hoạt động kinh doanh của VRC cũng gặp cú sốc lớn khi doanh thu và lợi nhuận tụt giảm mạnh kể từ sau năm 2011. Theo đó, giá của cổ phiếu VRC cũng đón nhận lần “đổ thác” tiếp theo, tụt xuống mức 4,100 đồng/cp tính tại phiên ngày 21/05/2013.
Từ sau đó, mặc dù có trải qua một số đợt sóng tăng giảm ngắn, nhưng cổ phiếu VRC vẫn chỉ được giao dịch ở quanh vùng giá 6,000 -7,500 đồng/cp và hầu hết đi ngang.
Tuy nhiên, đến năm 2016 thì cổ phiếu VRC đã thể hiện một bộ mặt hoàn toàn khác khi trở thành cổ phiếu bất động sản niêm yết tăng giá mạnh nhất.
Cụ thể, vào cuối tháng 6/2016, VRC có đợt sóng đầu tiền khi tăng từ mức giá 6,500 đồng/cp lên quanh mức 9,000 đồng/cp. Cuối tháng 10/2016, thị giá của VRC bất ngờ liên tục tăng trần trong 7 phiên và tiếp tục đà tăng giá sau đó, cho đến khi chạm mức 19,900 đồng/cp tại phiên ngày14/12/2016, mức cao nhất kể từ thời điểm cuối năm 2010 đến nay. Khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh ở mức trung bình hơn 100,000 cp mỗi phiên trong giai đoạn nửa cuối năm 2016.
Diễn biến thị giá của VRC từ khi niêm yết đến nay
|
Mặc dù giá cổ phiếu tăng điểm mạnh mẽ như vậy nhưng hoạt động kinh doanh của VRC vẫn khá ảm đạm. Liên tiếp trong 3 quý đầu năm 2016, VRC nhận kết quả thua lỗ, khiến cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát từ 08/04/2016. Và phải đến quý 4/2016, VRC mới “đột biến” lãi hơn 1.9 tỷ đồng nhờ lãi từ mua bán chứng khoán, cứu vớt kết quả của cả năm 2016.
Thực tế, kết quả kinh doanh của VRC trở nên sa sút bắt đầu từ năm 2012 đến nay, bất chấp cả khi thị trường bất động sản đã phát tín hiệu hồi phục trong hơn 3 năm qua.
KQKD của VRC giai đoạn 2009-2016 (Đvt: triệu đồng)
|
Bên cạnh sự sa sút của hoạt động kinh doanh, VRC còn phải gánh khoản nợ vay tài chính gần 126 tỷ đồng, chiếm 54% nợ phải trả tính đến cuối năm 2012. Và cho đến cuối năm 2015, VRC mới hoàn thành tái cơ cấu nợ và giảm nợ vay xuống còn 7.5 tỷ đồng bằng việc chuyển nhượng dự án 172 Hoàng Hoa Thám cho CTCP Thương mại Du lịch Vũng Tàu, với giá chuyển nhượng 120 tỷ (phần lớn số tiền dùng để trả nợ vay, lãi vay, lãi quá hạn và giải chấp toàn bộ các tài sản để thế chấp vay vốn phát triển dự án). Tính đến hết năm 2016, VRC chỉ còn gần 306 triệu đồng nợ vay ngắn hạn.
Được biết, VRC hiện tại có 6 án bất động sản bao gồm: dự án Chung cư Lô Đ Tân Thành, dự án Chợ tươi sông TTTM Tân Thành, khu đất lỗ C, lô E2 Tân Thành dự án nhà liền kề, dự án 54 Võ Thị Sáu, dự án Quận 7 Hồ Chí Minh.
Trong số các dự án trên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2016, Công ty cho biết thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tốt trở lại nên dự án 54 Võ Thị Sáu và dự án Quận 7 Hồ Chí Minh sẽ được tập trung triển khai và ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong năm 2017.
Cụ thể, theo kế hoạch, dự án 54 Võ Thị Sáu sẽ xây dựng chung cư văn phòng cao tầng. Theo phương án của VRC, dự án có thể mang về doanh thu gần 438 tỷ đồng, thu về lợi nhuận ròng hơn 104.3 tỷ đồng với IRR hơn 22%. Cũng cần đề cập rằng, VRC từng có ý định chuyển nhượng khu đất của dự án tại 54 Võ Thị Sáu, nhằm giải quyết vấn đề vốn hoạt động của Công ty với giá 36.5 tỷ đồng theo hiện trạng hoặc có thể đàm phán lên 54 tỷ đồng (nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất).
Đối với dự án Quân 7 Hồ Chí Minh, đây là dự án khu tổ hợp gồm nhiều khu nhà cao tầng nằm trong khuôn viên có diện tích 9.8 ha. Dự kiến ngân sách để thực hiện dự án trong năm 2016 ở mức 50 tỷ đồng. Tương tự như dự án 54 Võ Thị Sáu, VRC cũng từng có ý định chuyển nhượng dự án tại Quận 7, Hồ Chí Minh với giá 200 tỷ đồng do những khó khăn trong việc đền bù.
Tăng giá vì “thay máu” ban lãnh đạo?
Bên cạnh thông tin về báo cáo tài chính được công bố, một trong những thông tin đáng chú ý khác vào thời gian cổ phiếu VRC tăng giá là việc Công ty sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT và BKS của nhiệm kỳ 2015-2019 và bầu thay thế toàn bộ thành viên mới.
Đầu tháng 12/2016, VRC thông báo miễn nhiệm thành viên HĐQT Tô Quang Dũng và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hải và bầu bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như vào ghế Chủ tịch HĐQT thay cho ông Dũng.
Ngày 24/12, ĐHĐCĐ bất thường của VRC diễn ra, thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ thành viên BKS và thêm 1 thành viên HĐQT là ông Ngô Trí Dũng; đồng thời bầu mới 2 thành viên HĐQT và 3 thành viên vào BKS của Công ty.
Biến động nhân sự tại VRC
|
Theo đó, chỉ duy nhất cá nhân Nguyễn Văn Chính – người đại diện phần vốn của SCIC (nắm gần 8.2% vốn tại VRC) vẫn giữ chức thành viên HĐQT. Tuy nhiên, mới đây, SCIC đã tiếp tục đăng ký bán toàn bộ 8.2% vốn từ ngày 08/02 đến 07/03/2017. Như vậy, nếu SCIC thoái vốn thành công thì chiếc ghế HĐQT tiền nhiệm cuối cùng của ông Nguyễn Văn Chính, có thể cũng sẽ thay đổi trong tương lai.
Một điều cần chú ý khác là hiện các thành viên bầu mới trong HĐQT và BKS của VRC không nắm giữ cổ phiếu của Công ty.
Cùng với sự thay đổi trong HĐQT cơ cấu cổ đông của VRC cũng có chuyển biến, với sự biến mất của 1 cổ đông lớn. Ngày 02/12, 1 trong 2 cổ đông lớn của VRC là cá nhân Nguyễn Thị Tuyết đã thoái hết 6.85% vốn, tương đương 980,740 cp.
Với việc "thay máu" toàn bộ các nhân sự cấp cao của Công ty, liệu rằng tương lai của VRC có trở nên tươi sáng hơn và thoát khỏi bức trang ảm đạm hiện tại?
|