Trung Quốc có thể hưởng lợi khi căng thẳng giữa Mỹ và Mexico xảy ra
Trung Quốc có thể hưởng lợi rất nhiều khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến công khai với Chính phủ Mexico, CNBC cho hay.
* Donald Trump chuẩn bị tái thương lượng về NAFTA với Canada và Mexico
Hiện Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đang theo dõi sát sao khi Donald Trump đưa ra lời đe dọa về việc tái thương lượng Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và buộc Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto phải trả chi phí xây dựng bức tường biên giới. Nền kinh tế Mexico vốn đang đối mặt với sự suy giảm, nay còn trở nên tồi tệ hơn dưới cả 2 kịch bản. Dù sao đi nữa, các chiến lược gia đều nhất trí rằng Mexico có thể tìm cách để giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ, đối tác giao thương lớn nhất của quốc gia này, và rất có khả năng là Trung Quốc sẽ lấp đầy chỗ trống mà Mỹ để lại.
“Cũng giống như nhiều quốc gia khác đang phải lo lắng về sự bất ổn của chính quyền Donald Trump, Mexico sẽ xem xét việc gia tăng mối quan hệ với Trung Quốc”, Shawlin Chaw, chuyên gia phân tích cấp cao tại Control Risks, cho hay.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Mexico nằm trong số các nước có số lượng các thỏa thuận thương mại song phương nhiều nhất trên thế giới và Trung Quốc được xem là đối tác giao thương lớn thứ ba của Mexico trong năm 2015, với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới 4.9 tỷ USD. Ngoài ra, cả hai quốc gia này đã cam kết tăng cường mối quan hệ tại cuộc họp tháng 12/2016, với rất nhiều thỏa thuận kinh doanh đã được thực hiện. Trên thực tế, các công ty Anhui Jianghuai Automobile và Giant Motors, mà tỷ phú người Mexico Carlos Slim sở hữu một phần trong đó, đã công bố trong ngày thứ Tư rằng họ sẽ bơm 212.46 triệu USD vào hoạt động sản xuất xe SUV ở Hidalgo (Mexico).
Với việc đầu tư từ châu Phi cho tới Nam Mỹ, Bắc Kinh đã và đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng một cách thận trọng tại các khu vực không thuộc “sân sau” của mình vì Trung Quốc đang cố gắng gia tăng vị thế siêu cường quốc toàn cầu. Một số đồng minh của Mỹ đã bày tỏ mối lo ngại về chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Donald Trump và Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này. Trước đó, trong tháng 1/2017, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong hoạt động thương mại quốc tế.
“Trung Quốc chắc chắn sẽ lấp đầy chỗ trống của Mỹ ở Mexico”, Jonathan Bogais, Phó Giáo sư tại Đại học Sydney, cho biết. Các phương án lựa chọn khác của ông Peña Nieto bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, nhưng có lẽ Bắc Kinh là phương án rõ ràng nhất, ông Bogais nói thêm.
Ngoài sự thu hút về mặt kinh tế, Trung Quốc và Mexico còn là mục tiêu của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ. Điều này được phản ánh bằng cam kết xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico và việc Donald Trump gọi Bắc Kinh là quốc gia thao túng tiền tệ.
Dù vậy, việc gia tăng mối quan hệ kinh tế sẽ không dễ dàng, các chuyên gia cho hay. Cả hai quốc gia này đều phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động sản xuất, vì vậy các thỏa thuận thương mại mới cần phải được thương lượng một cách cẩn thận để tránh việc trùng lắp.
Josef Jelinek, Chuyên gia phân tích Trung Quốc cấp cao tại Frontier Strategy Group, cho biết: “Rất có khả năng là Mexico sẽ không thể hòa nhập vào hệ thống cung ứng ở châu Á. Với mức độ bảo hộ thương mại và chủ nghĩa kinh tế dân tộc của Trung Quốc, Mexico có thể được xem là một đối thủ cạnh tranh hơn là một đối tác của Trung Quốc”.
Chong Ja Ian, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho hay Bắc Kinh đang ra sức hạn chế các khoản đầu tư ra bên ngoài nhằm kiểm soát nguồn vốn tháo chạy ra khỏi quốc gia trước áp lực từ các doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ đòn bẫy cao và các chính quyền địa phương, qua đó gây cản trở các mối quan hệ kinh tế./.
|