Quyết định của Trump và Fed ảnh hưởng thế nào đến chứng khoán và hàng hóa
Các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Tổng thống Donald Trump đều đã khiến cho thị trường chứng khoán và hàng hóa thế giới có một phen chao đảo. Bài viết sau sẽ giúp phân tích xu hướng của các thị trường này để giúp nhà đầu tư nắm rõ tình hình.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất vào đầu tháng 02/2017 sau cuộc họp chính sách 2 ngày. Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ở tốc độ vừa phải và giữ lãi suất cho vay qua đêm mục tiêu ở mức 0.5-0.75%.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp về việc cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân từ 7 nước Hồi giáo, nhằm chống khủng bố thâm nhập nước Mỹ vào ngày 27/01/2017 tại Lầu Năm Góc. Đây được xem là quyết định tuyệt mật trong nhóm kín của Trump, chỉ tung ra giờ chót khiến các cơ quan di trú không kịp trở tay gây ra hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Sau đây hãy cùng điểm qua các tín hiệu từ các chỉ số chứng khoán và hàng hóa đáng chú ý nhất:
Thị trường Mỹ – Chỉ số DJIA xuất hiện nguy cơ điều chỉnh ngắn hạn
Ngắn hạn:
- Chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA) tăng lên cao nhất trong lịch sử và đang đi ngang trong vùng 19,800 – 20,000 điểm, trùng với ngưỡng Fibonacci 161.8%. Nếu quá trình giằng co xoay quanh ngưỡng này kéo dài thì rủi ro sẽ gia tăng.
- Khối lượng tăng cao đột biến và duy trì từ tháng 12/2016 đến nay cho thấy xu hướng trong ngắn hạn của chỉ số khá bền vững.
- Tuy nhiên, chỉ báo VIX – Volatility Index thước đo phản ánh mức độ ổn định tâm lý của nhà đầu tư đã giảm xuống mức rất thấp cho thấy thị trường đang lạc quan “quá mức”. Điều này báo hiệu khả năng thị trường đảo chiều giảm là khá cao.
Dài hạn:
DJIA vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn khi tạo các đỉnh, đáy sau cao hơn qua các năm và duy trì trên các MA dài hạn.
Thị trường Châu Âu – Xu hướng tăng dài hạn tiếp tục được duy trì
Ngắn hạn:
- Chỉ số FTSE 100 throwback trở lại sau khi vượt đỉnh lịch sử.
- Vùng hỗ trợ hiện tại là 6,900 – 7,100 điểm, vùng đỉnh cũ đã bị phá vỡ.
Dài hạn:
- Xu hướng tăng dài hạn của chỉ số được củng cố chắc chắn khi vùng đỉnh lịch sử được chinh phục và nhóm MA dài hạn đang đi lên.
Vàng – Chu kỳ giảm giá dài hạn đã chấm dứt?
Ngắn hạn:
- Vàng bật tăng trở lại ở ngưỡng hỗ trợ là cạnh trên của mẫu hình Falling Wedge đã bị phá vỡ trước đó.
- Mẫu hình nến Three White Soldiers xuất hiện cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn sẽ tiếp tục.
- Các chỉ báo động lượng cho tín hiệu tích cực khi MACD tăng, sắp cắt lên trên đường tín hiệu, Stochastic Oscillator thoát ra khỏi vùng quá bán.
- Ngưỡng kháng cự hiện tại là khoảng 1230 – 1250, nơi hội tụ EMA 20, SMA 150 và đáy cũ tháng 10/2016.
Dài hạn:
- Sau giai đoạn giảm giá kéo dài từ 2011 khi Vàng liên tục tạo các đỉnh, đáy sau thấp hơn qua các năm. Nhưng đến năm 2016, điều trên không còn xảy ra khi các đỉnh, đáy mới được thiết lập đều cao hơn so với năm trước.
- Nếu trong năm 2017, Vàng vẫn giữ vững được xu hướng hồi phục như hiện tại thì chu kỳ tăng giá dài hạn sẽ quay trở lại.
Dầu – Xu hướng hồi phục vẫn chưa bị đảo ngược
Ngắn hạn:
- Giá dầu duy trì đà hồi phục có được từ năm 2016. Hiện tại, mẫu hình Ascending Triangle được xác nhận với mục tiêu lên đến 58-61 USD/thùng.
- Ngưỡng kháng cự gần nhất của giá dầu cũng là 58 – 61 USD/thùng, nơi hội tụ đỉnh cũ tháng 05/2015 và SMA 150.
- Ngưỡng hỗ trợ là ngưỡng 49-50 USD/thùng.
Dài hạn:
- Giá dầu theo nhận định của người viết thì đang trong xu hướng giảm dài hạn khi nguồn cung vượt cầu và xuất hiện sản phẩm thay thế đó là dầu đá phiến của Mỹ.
- Về phương diện kỹ thuật, việc giá duy trì bên dưới nhóm MA dài hạn (SMA 150, SMA 200…) cho thấy xu hướng tăng trưởng dài hạn khó quay trở lại.
|