HUT, NLG và BFC có gì đáng chú ý trong năm 2017?
Với những hứa hẹn tăng trưởng kinh doanh năm 2017, HUT, NLG và BFC được đưa vào tầm ngắm dài hạn của giới phân tích.
HUT: Triển vọng năm 2017 tiếp tục tích cực với mảng thu phí BOT
CTCP Tasco (HNX: HUT) đã đạt được kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng trong năm 2016 khi dịch chuyển mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp xây lắp sang đầu tư hạ tầng giao thông BOT và phát triển các dự bất động sản qua hình thức BT.
Triển vọng năm 2017 tiếp tục tích cực với mảng thu phí BOT sẽ đạt mức tăng trưởng khá khi có thêm 3 dự án đang được xây dựng vượt tiến độ và có thể sẽ đi vào hoạt động thu phí từ nửa cuối năm 2017, từ năm 2018 khi cả 7 dự án đi vào vận hành sẽ có triển vọng tăng quy mô thu phí gấp đôi so với năm 2016.
Cùng với đó, mảng kinh doanh bất động sản có thể duy trì với doanh thu còn lại từ dự án Foresa Villa Xuân Phương, doanh thu mới từ dự án Tòa nhà South Buiding, Xuân Phương Residence và bắt đầu triển khai dự án lớn hơn là Khu đô thị Mỹ Đình.
Đối với năm 2017, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng HUT sẽ tiếp tục tăng trưởng với 3,000 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7.7% so với năm 2016 và 450 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương tăng 11.4% so với năm trước .
Với EPS forward 2017 là 2,522 đồng, tương ứng P/E forward khá thấp là 4.8 lần, mặc dù HUT có rủi ro pha loãng từ trái phiếu chuyển đổi với khoảng 7.5% năm 2017 và 7% năm 2018. VCBS duy trì đánh giá khả quan với cơ hội đầu tư cổ phiếu HUT.
Xem thêm tại đây
NLG: Lạc quan với triển vọng lợi nhuận 2017 nhờ giá trị bán hàng chưa ghi nhận khá lớn
CTCP Đầu Tư Nam Long (HOSE: NLG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4 năm 2016 khả quan nhờ tiếp tục bàn giao tại các dự án nhà ở như Ehome 3 và 4. CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) hiện đưa ra khuyến nghị khả quan dành cho NLG.
Cụ thể, trong năm 2016 doanh thu của công ty đã tăng 101% lên 2,500 tỷ đồng so với năm 2015 chủ yếu nhờ bàn giao các dự án Ehome và Flora Sakura (86% tổng doanh thu thuần) và phần còn lại từ ghi nhận doanh thu đất nền, đất thương mại, và cung cấp dịch vụ (14% tổng doanh thu thuần).
Biên lợi nhuận gộp 2016 đi ngang so với mức 2015 nhờ biên lợi nhuận gộp quý 4 phục hồi lên 43% với đóng góp từ các dự án có biên lợi nhuận cao chiếm tỷ trọng lớn. Theo ban lãnh đạo, biên lợi nhuận quý 3 giảm mạnh do ghi nhận dự án Flora Sakura có biên lợi nhuận thấp hơn.
Theo đó, lợi nhuận năm 2016 tăng 67% lên 345.2 tỷ đồng nhờ doanh thu cao hơn so với kỳ vọng. Kết quả này vượt dự báo trước đây của VCSC cho năm 2016 vì công ty đã đẩy mạnh tiến độ bàn giao tại hai dự án này (Ehome 3 và 4) trong quý 4.
Giá trị hợp đồng 2016 tăng 67% so với 2015 lên mức cao nhất từ trước đến nay với 2,500 căn trị giá 2,800 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ các thương hiệu căn hộ của công ty được thị trường đón nhận tích cực như Ehome và Flora. Ban lãnh đạo ước tính 70% giá trị hợp đồng vẫn chưa được ghi nhận. Do giá trị bán hàng chưa ghi nhận năm 2016 khá lớn, VCSC lạc quan với triển vọng lợi nhuận của NLG năm 2017.
Xem thêm tại đây
BFC: EPS kỳ vọng năm 2017 là 5,600 đồng
Lũy kế cả năm 2016, CTCP Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) đạt kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu đạt 5,944 tỷ đồng doanh thu giảm 1.5%. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán giảm giúp lợi nhuận trước thuế tăng 19% lên 420.3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 25% lên 350 tỷ đồng.
EPS năm 2016 đạt 5,090 đồng/cp. Kết quả tích cực này chủ yếu do đóng góp lợi nhuận từ công ty con là CTCP Bình Điền Ninh Bình. Nhà máy phân bón Bình Điền-Ninh Bình đã bắt đầu đi vào hoạt từ tháng 11/2015, do đó trong năm 2016 công ty này đã đóng góp vào lợi nhuận của tập đoàn. Bên cạnh đó, việc giá nguyên liệu đầu vào giảm trong năm 2016 cũng góp phần làm tăng lợi nhuận công ty.
Năm 2017, với việc nhà máy phân bón Bình Điền Ninh Bình đi vào hoạt động ổn định và nhu cầu phân bón trong nước cũng như khu vực tăng lên, CTCP Chứng khoán MB (MBS) dự phóng sản lượng tiêu thụ NPK năm 2017 sẽ đạt 680,000 tấn, tăng 9% so với ước tính thực hiện năm 2016. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ tăng trưởng lần lượt 9.7% và 26.41% so với năm 2016, đạt tương ứng 6,800 tỷ đồng và 350 tỷ đồng, EPS forward đạt 5,600 đồng (với giả định trong năm BFC tăng vốn thêm 10%).
Hiện tại, cổ phiếu BFC đang giao dịch ở mức P/E là 6.69 lần, thấp hơn nhiều so với P/E thị trường (16x lần). Mức P/E forward năm 2017 ở mức 7.5 lần, giá hợp lý đối với cổ phiếu BFC là 42,000 đồng/cp. MBS khuyến nghị mua cổ phiếu BFC tại vùng giá hiện tại.
Xem thêm tại đây
.....................................................................
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư./.
|