Cửa hẹp giảm lãi suất
Các chuyên gia kinh tế đánh giá nhiệm vụ giảm lãi suất trong năm 2017 là vô cùng khó khăn.
Để thực hiện hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, từ đó giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp.
Nhiều dự báo bất lợi
Tiêu biểu nhất cho xu hướng tăng lãi suất thể hiện trong dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS). VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5%-1%/năm trong năm 2017 do 3 nguyên nhân chính: tín dụng vẫn duy trì ở mức cao là 17%-18% để hỗ trợ cho tăng trưởng; lạm phát tiếp tục chịu áp lực gia tăng và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VNĐ so với USD và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có thêm 3 lần điều chỉnh lãi suất trong năm 2017 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VNĐ. Do đó, mặc dù NHNN vẫn hướng tới mục tiêu lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 nhưng mục tiêu này có thể gặp nhiều thách thức.
Lạm phát có thể tăng gây áp lực lên lãi suất - Ảnh: Tấn Thạnh
|
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - ĐHQG Hà Nội cũng có cùng quan điểm này. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhận định nhiều khả năng lãi suất có thể tăng nhẹ trong năm nay bởi có khuynh hướng lạm phát sẽ tăng. “Năm 2017, lạm phát sẽ khó giữ được mức 4% mà có thể vượt 5% và gây những tác động tâm lý bất lợi đến thị trường. Khi lạm phát vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất - kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế nói chung” - ông Nguyễn Đức Thành cảnh báo.
Đặc biệt, khả năng tăng lãi suất còn chịu tác động mạnh mẽ từ yếu tố bên ngoài, cụ thể là việc FED tăng lãi suất cơ bản, đồng thời gợi mở khả năng sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017 sẽ khiến đồng USD lên giá. Trong khi đó, VNĐ hiện vẫn được neo giữ với USD sẽ có xu hướng tăng giá thực so với các đồng tiền còn lại, có thể gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu và làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong năm tới. Ngoài ra, Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị VNĐ và giữ tiền trong hệ thống ngân hàng khi đồng USD tăng giá. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, từ đó dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường bất động sản, làm thị trường này nguội đi, lan sang hệ thống ngân hàng. VEPR nhấn mạnh điều này chưa xảy ra rõ ràng nhưng Chính phủ và NHNN cũng cần lưu ý.
Ổn định là xu hướng thực tế
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao (6,7%) trong khi kiềm chế lạm phát ở mức thấp (4%) của năm 2017 được chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định là “chiếc vòng kim cô” đối với NHNN. Muốn giảm lãi suất, NHNN đẩy thanh khoản, bơm lượng tiền lớn vào lưu thông sẽ đẩy lãi suất xuống, làm giá vốn rẻ đi nhưng tác động ngược của chính sách này là sẽ khiến cho lạm phát tăng lên. Do đó, giữ ổn định lãi suất như năm 2016 là xu hướng thực tế, khó có cửa để giảm lãi suất.
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nhận định yếu tố có thể giúp NHNN giảm được lãi suất trong năm nay chỉ có thể là... may mắn. “Báo cáo thương mại toàn cầu năm 2016 và dự kiến 2017 của WTO mới công bố cho thấy cầu yếu và giá vẫn ở mức thấp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngoại trừ một số mặt hàng dầu thô, than đá thì xu hướng giảm giá cũng rõ nét. Về cơ bản, chúng ta hoàn toàn có thể giữ được lạm phát 4% như mục tiêu. Với cách điều hành của NHNN hiện nay thì lãi suất sẽ không đối diện với yếu tố bất định nào trong năm nay. Nếu lãi suất có tăng do áp lực nào đó thì sẽ chỉ tăng rất nhẹ và nếu may mắn thì cũng có thể chỉ giảm nhẹ” - ông Ánh quả quyết.
Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí
Thông điệp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm nay cũng bỏ ngỏ khả năng giảm lãi suất khi chỉ nói chung chung rằng sẽ điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ, có điều kiện thì phấn đấu giảm lãi suất trung và dài hạn.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi hạ lãi suất chỉ có cửa hẹp thì cần phải nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp ở các kênh khác còn nhiều dư địa, như chính sách tài khóa, cải cách thủ tục hành chính.
|
http://nld.com.vn/kinh-te/cua-hep-giam-lai-suat-20170203221603723.htm
|