Thứ Ba, 21/02/2017 21:56

1.400 tỉ đồng nợ BHXH có nguy cơ mất trắng

Trong số khoảng 9.900 tỉ đồng mà doanh nghiệp nợ Cơ quan Bảo hiểm xã hội, có đến 1.400 tỉ đồng nợ có khả năng mất trắng. Như vậy, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi của mình trong khi họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội trước đó.

Người lao động đã hoàn thành trách nhiệm đóng BHXH nhưng vẫn không được hưởng quyền lợi - Ảnh minh họa: Thùy Dung

Theo báo cáo kiểm toán, các hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), tổng số tiền nợ đóng các quỹ BHXH đến hết năm 2015 là hơn 9.900 tỉ đồng. Trong tổng số nợ trên, nợ từ trên 12 tháng là hơn 4.000 tỉ đồng, bao gồm hơn 1.400 tỉ đồng thuộc các đơn vị đã phá sản, giải thể và gần như không thể thu hồi được.

Phải đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động

Tại buổi họp báo tháng diễn ra chiều 21-2, đại diện Cơ quan BHXH Việt Nam cho hay, hiện có một số hình thức nợ như sau: người lao động bị doanh nghiệp nợ đóng toàn bộ, và hoàn toàn không được thụ hưởng chính sách BHXH; một số doanh nghiệp làm ăn được nhưng cố tình chây ì không đóng BHXH cho người lao động; và một bộ phận doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có khả năng đóng.

“Như vậy, có khoảng 1.400 tỉ đồng mất khả năng đòi. Chúng tôi vẫn theo dõi con số này trên sổ sách khoảng hơn chục năm nay mà không thể nào xử lý được”, đại diện BHXH Việt Nam nói và cho biết thêm, Cơ quan BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện, khi có quy định pháp luật mới xử lý được khoản nợ trên.

Theo quy định Luật BHXH 2014 có hiệu lực đầu năm 2016, Cơ quan BHXH mới xử lý được một phần của doanh nghiệp đang làm thủ tục hồ sơ giải thể, phá sản hoặc đã giải thể, phá sản nhưng không có nguồn tài chính để thanh toán BHXH. Với đối tượng này, Cơ quan BHXH được phép chốt sổ đến thời điểm mà doanh nghiệp nợ để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Còn các đối tượng khác rất khó xử lý.

Hiện nay, có rất nhiều người lao động đã chuyển qua 3, 4 doanh nghiệp nhưng vẫn không cầm được sổ BHXH. “Do đó, chúng tôi đề xuất doanh nghiệp đóng được đến đâu thì để cho người lao động được cầm sổ đến đó để sang đơn vị mới đóng tiếp. Khi doanh nghiệp cũ nợ BHXH đóng được phần nợ còn lại cho người lao động thì chúng tôi lại ghi bổ sung vào sổ”, vị này nói.

Về vấn đề này, ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho hay, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTBXH, và trong Luật BHXH 2014 cũng có nội dung quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH phải đề xuất giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp quyền lợi của người lao động bị xâm phạm.

Theo ông Nam, quan điểm chung của Bộ là làm sao đảm bảo tối đa quyền lợi cho người lao động vì người lao động đã bị chủ sử dụng lao động trích tiền đóng BHXH, họ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình nhưng chủ sử dụng lại không đóng. Do đó, trách nhiệm ở đây thuộc về chủ sử dụng lao động và ở góc độ nào đó là vai trò quản lý nhà nước về kiểm tra, xử lý, giám sát doanh nghiệp chưa được sát sao, kịp thời, dẫn tới quyền lợi của người lao động bị vi phạm.

“Hiện chúng tôi đang rà soát lại các đối tượng, mức độ vi phạm và trao đổi, tìm các phương án để báo cáo với Chính phủ trong thời gian tới”, ông Nam nói.

Khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH gặp nhiều khó khăn

Cũng tại buổi họp báo trên, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) cho hay, Cơ quan BHXH Việt Nam đã cung cấp 1.150 vụ hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng BHXH rất rõ ràng và có cả số liệu nợ, thời gian nợ cho TLĐLĐ để khởi kiện.

Tổ chức Công đoàn đã khởi kiện được 76 doanh nghiệp và dự kiến trong tháng 2 này sẽ khởi kiện tiếp 74 doanh nghiệp nữa. Hiện cũng đã có nhiều doanh nghiệp chủ động trả nợ với tổng số tiền khắc phục khoảng 21 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Quảng, việc khởi kiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do trình tự thủ tục phải theo quy trình tranh chấp lao động. Theo đó, khởi kiện ở đây phải là Công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho Công đoàn cấp trên. “Thực tế, Công đoàn cơ sở phải khởi kiện ngay người sử dụng lao động của mình thì họ rất ngại. Do đó họ không dám khởi kiện và cũng không dám ủy quyền khởi kiện”, ông Quảng nói.

Trong số 74 đơn khởi kiện đã có 12 đơn bị trả về với lý do không có thủ tục ủy quyền. Hơn nữa, trình tự thủ tục rất phức tạp, phải qua các bước giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tức phải qua hòa giải, hoặc phải lên Chủ tịch UBND cấp huyện, nếu không giải quyết được mới tiến hành thủ tục khởi kiện.

http://www.thesaigontimes.vn/157156/1400-ti-dong-no-BHXH-co-nguy-co-mat-trang.html

Các tin tức khác

>   Sẽ đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (11/01/2017)

>   Kiến nghị giãn lộ trình đóng BHXH trên tổng thu nhập (06/01/2017)

>   Giấc mơ giảm mức đóng bảo hiểm xã hội (27/12/2016)

>   Thị trường bảo hiểm: Tăng trưởng mạnh (26/12/2016)

>   Sẽ khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm trên 6 tháng (20/12/2016)

>   Thực hiện chính sách BHXH: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI (17/12/2016)

>   Nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi là cần thiết (16/12/2016)

>   Chưa tăng mức đóng bảo hiểm y tế vào năm 2017 (08/12/2016)

>   Hơn 82 tỷ đồng kinh phí cấp trùng thẻ BHYT (05/12/2016)

>   Doanh nghiệp nợ BHXH: Quá khó khi năng suất lao động thấp và tỷ lệ đóng cao (04/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật