Xu hướng thị trường trong năm 2017: Cơ hội và rủi ro
Chuyển động phức tạp của các chỉ số thị trường trong những tháng cuối năm 2016 đang báo hiệu cho một thời kỳ được dự kiến là sẽ có nhiều biến động bất ngờ trong năm 2017.
Một số tín hiệu tích cực
Nhóm MA dài hạn vẫn đang trụ vững. Các đường SMA 100, SMA 200, SMA 300... hiện vẫn liên tục đi lên dù VN-Index giằng co mạnh và điều chỉnh trong những tháng cuối năm 2016.
Nhóm này cũng hỗ trợ rất tốt cho VN-Index trong các đợt sụt giảm ngắn hạn trong năm qua nên độ tin cậy ngày càng cao.
Ngoài ra chỉ số cũng đã phá vỡ vùng đỉnh cũ các năm trước (tương đương vùng 630 – 640 điểm) và tạo ra các đỉnh và đáy sau cao hơn (higher high, higher low) nên xu hướng tăng dài hạn vẫn tiếp tục được duy trì.
Cơ hội trong quý 1/2017. Dù có rung lắc trong ngắn hạn nhưng nhìn chung đây là cơ hội chứ không phải là rủi ro đảo ngược xu hướng.
Theo tính chu kỳ của thị trường thì những tháng cuối năm VN-Index thường giảm mạnh hoặc đi ngang và sau đó tăng mạnh vào quý 1 năm sau. Hiện tượng này đã diễn ra 5 năm liên tiếp và chỉ sai 4/15 lần (vào năm 2002, 2003, 2008, 2011) xuyên suốt lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điều này có thể lý giải do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, sau khi làn sóng bán ra để tránh thuế và làm đẹp báo cáo tài chính cuối năm kết thúc, thị trường có chiều hướng tăng mạnh trong tháng 1 do hoạt động mua lại (cover) cổ phiếu.
Thứ hai, khi càng nhiều người biết đến January Effect thì hiệu ứng này càng diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.
Cuối cùng, VN-Index vẫn đang duy trì trên các đường MA dài hạn (SMA 200, SMA 300,...) và vượt đỉnh cũ khó có thể xảy ra tình trạng phá vỡ trong thời gian tới.
Những rủi ro tiềm ẩn
Áp lực bán ròng của khối ngoại. Việc khối ngoại lướt sóng mạnh mẽ và có thiên hướng bán ròng cũng khiến không ít nhà đầu tư lo ngại trong năm 2016.
Việc này có thể bắt nguồn từ việc FED nâng lãi suất và sự tăng trưởng của US Dollar Index. Nếu xét theo tương quan thì những đợt bứt phá của US Dollar Index (đường màu đen) đều trùng với các giai đoạn sụt giảm kéo dài của thị trường chứng khoán Việt Nam (giai đoạn tháng 05/2012-tháng 07/2012, giai đoạn tháng 09/2014-tháng 12/2014...).
Khối lượng giao dịch đi xuống. Khối lượng giao dịch trung bình (theo weekly chart) đã bắt đầu đi xuống kể từ tháng 08/2016. Nếu điều này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì dự kiến giai đoạn đầu năm 2017 sẽ khá khó khăn và ít cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.
Vì vậy, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao động thái của khối ngoại và thanh khoản của thị trường trong những tuần tới. Nếu khối ngoại mua ròng trở lại thì January Effect có thể lặp lại trong năm nay./.
|