Tỷ lệ nợ công sát trần, báo động với Việt Nam đang là màu gì?
Tỏ ra lo lắng với tỷ lệ nợ công cũng như nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam đang tăng cao từng năm nhưng các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nợ công nếu có vượt trần chưa chắc đã “chết” và với Việt Nam, báo động hiện chưa tới màu đỏ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
|
“Không có bằng chứng nói nợ công quá 65% GDP là chết”
Chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường đã chỉ ra thực tế nợ công Việt Nam từ mức hơn 61% GDP năm ngoái đã tăng sát ngưỡng 65% GDP trong năm 2016.
Tuy nhiên, theo ông, việc GDP không đạt được như mục tiêu ban đầu của Quốc hội đã khiến “mẫu số” trong phép tính nợ công nhỏ đi và điều này dẫn tới tỷ lệ nợ công tăng lên.
Nói về cách tính nợ công, ông cho rằng, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) hay Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ đưa ra khuyến nghị mà không có tiêu chuẩn cho các nước.
“Nước thì tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, nước thì không tính. Định nghĩa doanh nghiệp Nhà nước của mỗi nước cũng khác nhau, tùy luật từng nước,” vị chuyên gia lên tiếng.
Bởi vậy, theo ông Cường, nếu nói cách tính nợ công của Việt Nam là thiếu hay đủ, đúng theo chuẩn quốc tế hay không thì cũng “không rõ.”
Ông khẳng định, trần nợ công không quan trọng vì có nước nợ 200% GDP như Nhật Bản cũng “không vấn đề gì” trong khi Hy Lạp chỉ nợ 85% GDP là “chết.” Vấn đề theo ông là phụ thuộc vào bản thân từng nước.
Lý giải cụ thể hơn, tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính dẫn lại ví dụ về Nhật Bản với việc vay nợ chủ yếu là trong nước với lãi suất rất thấp, thậm chí theo ông, có khoản vay trái phiếu Chính phủ về 0%.
Trở lại với Việt Nam, ông Độ cho rằng có những khác biệt nhất định khi lãi suất vay nợ của Việt Nam tương đối cao, hiện cỡ khoảng 6-7%. Điều này theo ông gây áp lực lên nợ công đặc biệt trong điều kiện tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 6% và lạm phát hơn 1%. Ngoài ra, trong cơ cấu nợ của Việt Nam có không ít là nợ nước ngoài. Bởi vậy, nếu “tỷ giá tăng bao nhiêu thì nợ sẽ tăng bấy nhiêu.”
Trong khi ấy, ông Độ cũng chỉ ra thực tế khác là tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (bao gồm cả đảo nợ và cho vay lại) trên tổng thu ngân sách Nhà nước đang có xu hướng tăng nhanh. Tỷ lệ này theo ông đã vượt quá mức 25% và là vấn đề đáng lo ngại.
Tổng kết lại những điểm theo ông là đáng ngại nhưng ông cũng thẳng thắn cho rằng quan trọng là Chính phủ đã nhận thức được điều này và đang gấp rút tìm ra giải pháp để hạn chế nợ. Một trong những giải pháp được đặt ra mục tiêu giữ bội chi ngân sách dưới 3,5% GDP....
http://www.vietnamplus.vn/ty-le-no-cong-sat-tran-bao-dong-voi-viet-nam-dang-la-mau-gi/427281.vnp
|