Thị trường tài chính 2017: Nhiều áp lực
Huy động vốn từ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ gặp khó, nợ công sẽ gần chạm trần, mặt bằng lãi suất và ổn định tỷ giá được giữ vững như năm trước sẽ không hề đơn giản…, là những phác họa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam (NFSC) đưa ra khi dự báo về bức tranh tài chính - tiền tệ năm 2017.
Lãi suất USD tăng gây áp lực lên tỷ giá
|
Khu vực tài chính năm 2016 được đánh giá có nhiều kết quả tích cực khi hệ thống tài chính bảo đảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Năm qua, thị trường tiền tệ - ngân hàng đã cung ứng khoảng 1 triệu 230 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế, tăng khoảng 11,39% so với năm 2015. Trong đó, vốn của thị trường ngân hàng chiếm 68%, còn lại là dòng tiền đến từ cổ phiếu và trái phiếu xấp xỉ 32%. Thị trường ngoại hối năm 2016 cũng có sự ổn định nhờ cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, từ cả cán cân thương mại và cán cân tài chính.
Bước sang năm 2017, mặc dù có những thuận lợi về xu thế tăng trưởng dài hạn tiếp tục được duy trì, nhiều yếu tố tích cực được dự báo sẽ là động lực cho sản xuất, xuất khẩu, nhất là xuất khẩu dầu thô để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, NFSC cũng đưa ra không ít thách thức cho thị trường tài chính của năm nay. Theo đó, năm 2017, dự báo thu NSNN sẽ đối mặt với những khó khăn như: Tiếp tục giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình sẽ ảnh hưởng đến thu nội địa; thực hiện cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế sẽ ảnh hưởng tới thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu. NFSC dự kiến nợ công/GDP năm 2017 ở mức 64,8%, gần chạm trần 65% theo quy định. Trong đó, nợ Chính phủ/GDP ước khoảng 53,3%; nợ Chính phủ bảo lãnh/GDP là 14,4%; nợ chính quyền địa phương/GDP là 1,1%. Ngoài ra, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ/thu ngân sách đạt 25,5%; nợ nước ngoài của quốc gia/GDP đạt 47,4%. Theo NFSC, để bảo đảm an toàn nợ công cần kiên định và nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu ngân sách năm 2017. Đồng thời, hạn chế và quản lý chặt chẽ các khoản vay nợ mới phát sinh, đặc biệt là nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương; chú ý đến rủi ro tỷ giá...
http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-tai-chinh-2017-nhieu-ap-luc.html
|