Thận trọng với những “cú sốc” tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2017
Tại buổi tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4 và cả năm 2016 diễn ra ngày 16/01, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đề cập đến một số cú sốc có thể xảy ra tác động đến Việt Nam trong năm 2017.
Tọa đàm Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4/2016
|
Đầu tiên, VFPR cho rằng là việc FED tăng lãi suất năm 2016 sẽ mở ra khả năng có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến không chỉ nền kinh tế Mỹ mà sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu. Sự thay đổi rõ rệt nhất là đồng USD tăng giá và gián tiếp ảnh hưởng đến VNĐ (khi mà VNĐ vẫn đang được neo theo USD).
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam của VEPR cũng đề cập đến việc Việt Nam có thể sẽ phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị tiền đồng và giữ tiền trong hệ thống Ngân hàng, khi đồng tiền USD tăng giá. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng, dẫn tới phản ứng dây chuyền của thị trường bất động sản, tạo ra những rủi ro cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, kiểm soát chi nhân sách vẫn là một thách thức dường như rất khó vượt qua, đặc biệt đối với các khoản mục chi thường xuyên. Điều này dẫn tới tình trạng thu ngân sách chỉ đủ cho các khoản chi này, do đó Chính phủ buộc phải vay vốn để bù đắp thâm hụt, tiếp tục đầu tư phát triển và cuối cùng dẫn đến mức nợ công ngày càng tăng cao.
Một tiêu điểm khác cần chú ý là các nước xuất khẩu dầu đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng khai thác kể từ tháng 1/2017, có thể đẩy giá dầu tăng trở lại, việc này sẽ tạo sức ép lên lạm phát, vốn đã bị đẩy lên trong thời gian gầy đây.
Cuối cùng, việc Donald Trump phản đối ký kết TPP, có thể khiến làn sóng FDI vào Việt Nam giảm và sẽ gây ra một số hệ lụy nhất định và đòi hỏi sự cải cách tốt hơn điều kiện kinh doanh và năng lực sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh.
Tăng trưởng GDP 6.7% năm 2017 là ngưỡng cao
Năm 2016, kinh tế trong nước được phục hồi nhờ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cùng với sự ổn định của ngành nông nghiệp trong quý 4/2016. Kinh tế tăng trưởng 6.68% trong quý 4 và 6.21% trong cả năm 2016.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp suy giảm khiến tình hình tăng trưởng năm 2016 không đạt được như kỳ vọng. Dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, nhưng TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6.7% cho năm 2017 mà Chính Phủ đặt ra là một ngưỡng cao.
VEPR vẫn duy trì quan điểm cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. VEPR dự báo năm 2017, GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6.4%, dự kiến tăng trưởng trong 4 quý năm 2017 lần lượt 5.8%, 6.2%, 6.6% và 6.7%. Đồng thời, VEPR cũng nhận định rằng nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tăng quay trở lại và mục tiêu 4% cho năm 2017 là không dễ dàng.
Đồng tình với đánh giá của VEPR, ông Dương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam cho biết năm 2017 Việt Nam vừa có động lực và vừa có lực cản trong nền kinh tế.
Theo đó, một trong những động lực đầu tiên là những tín hiệu cải thiện về môi trường kinh doanh đã tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển và sẽ còn ảnh hưởng nhiều hơn trong năm 2017. Động lực thứ 2 là tình trạng tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển rất nhanh, đây là lực lượng tiêu dùng quan trọng giúp kích thích tăng trưởng. Động lực thứ 3 là các ngành công nghiệp chế tạo có giá trị gia tăng cao đạt được tốc độ tăng trưởng tốt, động lực thứ 4 là việc kinh tế tư nhân phát triển và cuối cùng là việc Việt Nam đã tham gia khá nhiều những hiệp định mậu dịch cũng sẽ một phần tạo động lực cho tăng trưởng trong năm 2017.
Tuy nhiên, ông Tuyển cũng nêu ra các lực cản của tăng trưởng kinh tế, trong đó trước nhất là nợ xấu và thâm hụt ngân sách rất lớn. 2 yếu tố này khiến không gian chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam bị thu hẹp lại, khả năng sử dụng chính sách của Chính phủ bị bó hẹp. Bên cạnh đó, đầu tư công hạn chế do thiếu tiền và áp lực từ việc hạ giá VNĐ cũng là những lực cản níu giữ sức tăng trưởng của nền kinh tế./.
|