Thứ Hai, 30/01/2017 13:00

Hành trình chèo lái ngân hàng – đến và đi

Được ví như người chèo lái những con thuyền lớn với quy mô vốn hàng ngàn hay chục ngàn tỷ đồng, không phải lãnh đạo nhà băng nào cũng vững tay chèo và đủ kiên trì vượt sóng lớn để đưa con thuyền ấy đi đến đích.

Làn sóng M&A lĩnh vực ngân hàng trỗi dậy trong giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cấu trúc kể từ năm 2011 luôn đi cùng với sự thay đổi mạnh mẽ nhân sự ở các vị trí chủ chốt. Năm 2016 vừa qua tiếp tục chứng kiến hàng loạt đợt bổ nhiệm nhân sự cấp cao tại các nhà băng, song hành với đó là sự ra đi của những “người cũ”. Có những cuộc ra đi lặng lẽ, chỉ đơn giản là để tiếp bước hành trình chèo lái hay thích nghi với chặng đường mới; nhưng cũng có những cuộc ra đi đầy ồn ào, tranh giành và đấu đá.

Tức nước vỡ bờ

Không còn là sóng ngầm, cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các nhóm cổ đông lớn nhằm chiếm quyền điều hành ở Eximbank (HOSE: EIB) bùng nổ, kéo dài gay gắt suốt một năm nay và chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Điều này không chỉ làm giảm uy tín của ngân hàng trong mắt cổ đông, nhà đầu tư mà còn trực tiếp đẩy Eximbank lún sâu vào khủng hoảng. Lợi nhuận chưa phân phối năm 2015 không còn duy trì được ở mức dương và bị lỗ nặng, thậm chí Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã đưa cổ phiếu EIB vào diện cảnh báo từ ngày 08/04/2016 do hai năm liên tiếp có lợi nhuận lũy kế âm. Lãi ròng 9 tháng đầu năm 2016 giảm mạnh 70% xuống chỉ còn gần 160 tỷ đồng, nợ xấu tại thời điểm cuối quý 3 lại tăng mạnh lên 3.4% so với cuối năm 2015 chỉ là 1.9%.

Được biết, nhân sự cấp cao Eximbank bị xáo trộn từ cuối năm 2015 khi thanh tra Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tiến hành thanh tra toàn diện Eximbank vào đầu năm 2015. Đến nay, các vị trí chủ chốt là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát đều được thay mới.

Hiện HĐQT của Eximbank có 9 thành viên, trong đó ông Cao Xuân Ninh đã xin từ nhiệm từ tháng 3/2016 nhưng chưa được ĐHĐCĐ thông qua. Tháng 4/2016, Eximbank bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết làm Tổng Giám đốc thay cho ông Trần Tấn Lộc - Quyền Tổng Giám đốc từ tháng 10/2015 sau khi ông Phạm Hữu Phú hết nhiệm kỳ. Sang trung tuần tháng 5, ông Đặng Phước Dừa cũng xin thôi làm cố vấn HĐQT.

Nối tiếp nhóm cổ đông gồm 19 cá nhân và tổ chức nắm giữ 11.71% vốn EIB, ông Dừa đồng thời gửi đơn cho Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan yêu cầu ĐHĐCĐ tới phải đưa vào chương trình nội dung bãi miễn tất cả thành viên HĐQT đương nhiệm và cho phép những người có số cổ phần đạt 10% được giới thiệu người vào HĐQT, cũng như đưa ra đại hội cổ đông gần nhất để bầu.

Tuy nhiên, sau hai lần tổ chức ĐHĐCĐ 2016 bất thành, lần ĐHĐCĐ bất thường được “mong chờ” vào ngày 02/08 vừa qua cũng không thể diễn ra do NHNN chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử và ứng cử của các nhóm cổ đông và báo cáo trước khi cơ quan này phê duyệt nhân sự bầu bổ sung HĐQT. Trước đó, Eximbank nhận được 8 hồ sơ đề cử, ứng cử nhân sự của 8 ứng viên dự kiến bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ngân hàng này mới đây cũng vừa thông báo sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 vào ngày 21/04/2017 nhằm thông qua một số nội dung đã dự kiến trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2016 và bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VI (2015-2020).

Những xáo trộn tại ghế nóng

Sự thay đổi lãnh đạo đứng đầu ngân hàng thời gian qua không kém rầm rộ là ở BIDV. Sau 35 năm đồng hành cùng ngân hàng, Chủ tịch HĐQT là ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu theo chế độ kể từ đầu tháng 9/2016. Ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT được giao thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT BIDV cũng từ thời điểm này.

Trước đó, BIDV đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thiên Hoàng - Giám đốc Ban tổ chức cán bộ BIDV, giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc từ ngày 01/06.

Như vậy, hiện BIDV có tất cả 10 Phó Tổng Giám đốc bao gồm: Đoàn Ánh Sáng, Lê Trung Thành, Trần Xuân Hoàng, Lê Kim Hòa, Trần Lục Lang, Quách Hùng Hiệp, Phạm Quang Tùng, Trần Phương, Lê Ngọc Lâm và Nguyễn Thiên Hoàng.

Nửa cuối năm 2016 cũng là khoảng thời gian chứng kiến hàng loạt đợt bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới tại các nhà băng; điển hình như VietABank, PVcomBank, VietBank, Techcombank, VietCapitalBank,…

VietABank từng được xem là một trong những ngân hàng khó tránh khỏi vòng xoáy mua bán - sáp nhập, do năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường tài chính chưa cao. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của HĐQT, Ban điều hành, VietABank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đề án tự tái cấu trúc kể từ năm 2012 đến nay.

VietABank chính thức bổ nhiệm ông Lê Xuân Vũ - nguyên Phó Tổng Giám đốc HDBank và Quyền Tổng Giám đốc, làm Tổng Giám đốc ngân hàng này từ ngày 28/11/2016. Trước đó vào ngày 06/05, VietABank đã quyết định miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc đối với bà Phương Thanh Nhung sau 3 năm ngồi ghế nóng, đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành ngân hàng. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, VietABank cũng đã miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018 đối với ông Nguyễn Xuân Luật do ông Luật có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.

VietABank có cơ cấu nhân sự lãnh đạo cấp cao khá biến động trong năm 2015 trước đó. Theo BCTC kiểm toán năm 2015, Ngân hàng đã miễn nhiệm 6 Phó Tổng Giám đốc, miễn nhiệm Trưởng ban Kiểm soát Nguyễn Thị Thu Vân và bầu thay thế bà Nguyễn Kim Phượng, miễn nhiệm Thành viên HĐQT với ông Nguyễn Quang Vinh.

Trước đó một tuần, ngày 21/11/2016, được sự chấp thuận của NHNN, HĐQT PVcomBank cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Nam giữ chức vụ Tổng Giám đốc sau khi ĐHĐCĐ thường niên 2016 thông qua việc miễn nhiệm Tổng Giám đốc đối với ông Nguyễn Hoàng Linh và để ông Linh đảm nhiệm chức danh Thành viên HĐQT vào ngày 30/06.

Tổng hợp xoay chuyển lãnh đạo giữa các nhà băng trong năm 2016

Còn tại Techcombank, sau khi CEO ngoại của nhà băng này là ông Murat Yuldashev xin từ nhiệm từ ngày 01/03 vì lý do cá nhân, Ngân hàng đã bổ nhiệm ông Nguyễn Lê Quốc Anh giữ chức vụ Tổng Giám đốc từ ngày 23/09. Được biết, ông Nguyễn Lê Quốc Anh gia nhập Techcombank từ tháng 5/2015 với vị trí Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển. Đầu năm 2016, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành ngân hàng này trước khi chính thức nhận chức Tổng Giám đốc.

VietCapitalBank cũng bất ngờ thay Tổng Giám đốc hồi tháng 6/2016, ông Ngô Quang Trung - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đã đảm nhiệm chức danh này tại Ngân hàng. Trước đó, ông Đỗ Duy Hưng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã được HĐQT đồng ý cho thôi nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Trung là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc VietCapitalBank từ tháng 04/2015. Trong cương vị này, ông được phân công phụ trách điều hành các hoạt động nghiệp vụ thuộc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Định chế.

Đối với NamABank, sau năm 2014 và 2015 thay đổi cả Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT vì lý do cá nhân thì năm 2016 tiếp tục có sự xáo trộn. Ông Nguyễn Quốc Toàn từ nhiệm vị trí Chủ tịch vào tháng 7 năm trước thì tháng 4 năm nay lại được bầu trở lại HĐQT và tiếp nhận vị trí này từ ông Phan Đình Tân, bà Triệu Kim Cân đồng thời trở thành Trưởng ban kiểm soát. Ông Trần Ngô Phúc Vũ – nguyên Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT của NamABank vừa từ nhiệm trong năm 2015 cũng quay trở lại HĐQT mới lần này. Sự thay đổi này gắn liền với câu chuyện thâu tóm Eximbank rầm rộ thời gian qua.

Bên cạnh việc thay máu CEO, chiếc ghế Phó tổng cũng có sự biến động liên tục. Chẳng hạn như VietBank chỉ trong vài ngày đã bổ nhiệm liên tiếp 2 Phó Tổng Giám đốc: bà Nguyễn Ngọc Quế Chi được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 17/10 và ông Nguyễn Trọng Phúc được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Tp.HCM kể từ ngày 18/10.

Trước đó, ông Nguyễn Đăng Thanh - Phó Tổng Giám đốc của Sacombank, Techcombank trước khi về VietBank và hiện là Phó Tổng Giám đốc thường trực VietBank được bổ nhiệm giữ chức Quyền Tổng Giám đốc kể từ ngày 01/10. Ông Nguyễn Thanh Nhung - Tổng Giám đốc thôi giữ chức vụ này để chờ HĐQT giao nhiệm vụ mới. Phía ngân hàng cho biết việc bổ nhiệm nhân sự điều hành này nằm trong lộ trình đẩy mạnh phát triển VietBank giai đoạn 2016 - 2020.

Như vậy đến nay, Ban điều hành của Vietbank bao gồm Quyền Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Đăng Thanh và 5 Phó Tổng Giám đốc là ông Dương Nhất Nguyên, ông Đặng Đình Thắng, ông Nguyễn Trung Thành, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi và ông Nguyễn Trọng Phúc.

Một số gương mặt Phó Tổng Giám đốc mới của các ngân hàng trong năm 2016

ABBank cũng mới có thêm Phó Tổng Giám đốc, ông Hà Huy Cường giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) từ ngày 21/11. Ngày 21/01, Hội đồng quản trị ABBank đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Khối Nguồn vốn và Đầu tư trở thành Phó Tổng Giám đốc, ông Cù Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc trở thành Tổng Giám đốc sau đó vài ngày thay cho ông Phạm Duy Hiếu từ nhiệm vì lý do cá nhân. Được biết, ông Tuấn từng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo tại Techcombank, Tổng Công ty Đầu tư Vốn Nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Fujitsu Việt Nam, Công ty Viễn thông Motorola Việt Nam.

Theo đó, ABBank hiện có ông Cù Anh Tuấn - Tổng Giám đốc và 6 Phó Tổng Giám đốc bao gồm: ông Bùi Trung Kiên, ông Nguyễn Mạnh Quân, bà Phạm Thị Hiền, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, bà Nguyễn Thị Hương và ông Hà Huy Cường.

Ngày 01/08, VietinBank đã công bố và trao Quyết định bổ nhiệm bà Lê Như Hoa - Trưởng Phòng Quản lý Kế toán Tài chính giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc VietinBank, qua đó thống nhất bổ nhiệm bà Nguyễn Lệ Hằng - Phó Phòng Quản lý Kế toán Tài chính VietinBank giữ chức vụ Trưởng Phòng Quản lý Kế toán Tài chính VietinBank thay thế bà Lê Như Hoa.

NCB cũng vừa bổ nhiệm ông Đặng Minh HảiKienlongbank bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng An giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc.

Với Kienlongbank, việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng An vào Ban điều hành nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý Ngân hàng. Ban lãnh đạo cho biết trong đề án tái cơ cấu, Kienlongbank là tổ chức tín dụng được NHNN chấp thuận cho phép mở rộng mạng lưới, thêm 14 điểm giao dịch trong năm 2016.

Trong khi đó, SHB vừa miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB đối với ông Đặng Trung Dũng kể từ ngày 01/09 để thực hiện các thủ tục giải quyết thôi việc theo quy đinh của SHB và pháp luật./.

Các tin tức khác

>   Ngân hàng và những con số của năm (26/01/2017)

>   Đón sóng ngân hàng đổ bộ UPCoM (07/02/2017)

>   Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ (24/01/2017)

>   NCB: Lãi thuần 2016 tăng 91% lên 210 tỷ đồng, nợ xấu dưới 2.07% (24/01/2017)

>   Giá vàng bứt phá lên 36.82 triệu đồng/lượng (24/01/2017)

>   Y án Phạm Công Danh 30 năm tù  (24/01/2017)

>   Không ảnh hưởng quyền lợi khách hàng (24/01/2017)

>   OCB báo lãi trước thuế 2016 hơn 480 tỷ đồng, nợ xấu giảm xuống 1.51% (23/01/2017)

>   Dịch vụ thanh toán điện tử: Đầu tư chờ ngày hưởng “trái ngọt” (23/01/2017)

>   Giá vàng tăng 140,000 đồng lên 36,740 đồng (23/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật