Góc nhìn: Xóa định kiến cho UPCoM
Chỉ trong tuần lễ đầu tiên của năm 2017, thị trường UPCoM Việt Nam dồn dập đón chào các “ông lớn” lên niêm yết, khiến quy mô tăng vọt. Không chỉ vậy, nhiều cổ phiếu thuộc hàng blue-chip, không kém gì niêm yết.
Tính chất của các thị trường khác nhau rõ ràng yêu cầu “chất lượng” của các nhà đầu tư khác nhau. “Chất lượng” ở đây bao hàm cả khả năng thẩm định thông tin, khả năng tự chịu trách nhiệm.
|
Từ “đại gia” bia đến “đại gia” hàng không
Sàn UPCoM lâu nay vẫn ít được nhà đầu tư chú ý chủ yếu vì khả năng tìm kiếm thông tin khó khăn. Đối với hai sàn niêm yết là HNX và HSX, luôn đầy rẫy các báo cáo phân tích doanh nghiệp được các công ty chứng khoán công bố, cũng như thông tin dày dặn về các doanh nghiệp được công khai.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trên UPCoM, ngay cả các công ty chứng khoán cũng coi như một “khoảng mờ” đối với khách hàng. Sau những lùm xùm liên quan tới trường hợp MTM, sự cảnh giác càng lên cao.
UPCoM cũng chịu một định kiến khó bỏ khác, khi số đông nhà đầu tư cho rằng sàn này chỉ dành cho các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện lên niêm yết. Khái niệm “điều kiện” ở đây thường bị gắn liền với “chất lượng”. Trước đây, đa số doanh nghiệp trên sàn này ít tiếng tăm, quy mô nhỏ.
Chỉ gần đây, khi những ông lớn thực sự - thậm chí còn hoành tráng hơn nhiều những doanh nghiệp đang niêm yết ở hai “sàn lớn” - đưa cổ phiếu vào giao dịch, định kiến này mới phần nào khác đi.
Thật ra các sàn giao dịch được thiết kế với các định hướng khác nhau và điều đó không bao hàm ý nghĩa liên quan đến chất lượng. Trong khối lượng khổng lồ các công ty đại chúng đang hoạt động thì chỉ một phần rất nhỏ đưa cổ phiếu vào giao dịch. Một doanh nghiệp tốt và đàng hoàng thì giao dịch cổ phiếu ở sàn nào cũng vẫn là một công ty có chất lượng.
Rõ ràng một công ty lớn có truyền thống như BHN (Habeco) khác xa với các doanh nghiệp “bé xíu” chẳng ai biết tới thậm chí đang được niêm yết ở HSX hay HNX.
Các sàn niêm yết hiện có 282 cổ phiếu thị giá thấp hơn 10.000 đồng, với 131 cổ phiếu giá thấp hơn 5.000 đồng. Trong khi đó BHN đang có giá hơn 127.000 đồng và hai sàn niêm yết cũng chỉ có 14 cổ phiếu giá trên 100.000 đồng. Đóng “mác” niêm yết cũng chẳng thay đổi được thực tế này!
Nếu tính về quy mô doanh nghiệp, UPCoM cũng có nhiều công ty hoàn toàn có thể niêm yết cổ phiếu trên hai sàn. Đó là những công ty lớn thật sự được cổ phần hóa, hay những công ty đã được kiểm chứng trong tuổi đời hoạt động lâu dài, chứ không phải là những công ty tư nhân mới nổi, mập mờ về thông tin, cô đọng về sở hữu để rồi có thể thổi giá tăng vốn hóa.
Ví dụ, trong cả nền kinh tế hiện nay, còn thương hiệu nào được biết đến nhiều hơn Vietnam Airlines?
“Đại gia” hàng không này đăng ký giao dịch với mã cổ phiếu HVN và vốn hóa tính đến cuối tuần rồi đạt khoảng 54.011 tỷ đồng, nếu niêm yết sẽ xếp thứ 8 về vốn hóa ở sàn HSX. BHN - “đại gia” bia Habeco - có thể xếp trong top 15.
Trước đó, ACV - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - có vốn hóa tới 104.504 tỷ đồng, đàng hoàng đứng trong top 5.
Tính chung, UPCoM hiện có 6 cổ phiếu vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng, hoàn toàn xứng đáng nằm trong nhóm đầu của rổ VN30.
Định hướng cho người chuyên nghiệp
Một bản tư vấn gần đây của các chuyên gia Nhật đối với thị trường UPCoM Việt Nam có thể gây bất ngờ lớn: sàn này không nên dành cho những nhà đầu tư “tay mơ”.
Ý kiến tư vấn này cho rằng UPCoM nên được định hướng dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Sàn niêm yết mới là nơi hội tụ đủ các nhóm nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư cá nhân. Sàn start-up (nếu có) thậm chí chỉ nên dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Tính chất của các thị trường khác nhau rõ ràng yêu cầu “chất lượng” của các nhà đầu tư khác nhau. “Chất lượng” ở đây bao hàm cả khả năng thẩm định thông tin, khả năng tự chịu trách nhiệm.
Sàn UPCoM được thiết kế để giảm thiểu quy mô của thị trường chợ đen và hướng tới mảng doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết dựa theo các mô hình đăng ký thông tin giao dịch phổ biến trên thế giới như “pink sheet” hay “bulletin board”. Với định hướng đó, UPCoM có cơ chế giao dịch đơn giản dựa trên hình thức công bố báo cáo tài chính và công bố thông tin hợp lý. Mức độ rủi ro chắc chắn cao hơn sàn niêm yết và trong đầu tư tài chính, và thang bậc rủi ro càng cao, thì càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao.
Với đa số nhà đầu tư hiện nay, rủi ro cao được cho là đi đôi với lợi nhuận cao, nhưng họ lại thường chỉ nghĩ tới vế lợi nhuận trước, mà ít khi nghĩ tới vế rủi ro có thể phải gánh chịu.
Thị trường UPCoM sẽ mở rộng quy mô theo thời gian khi bao quát tới cộng đồng doanh nghiệp đại chúng khổng lồ. Giá trị vốn hóa của sàn này tính tới 6/1/2017 đã là 414.645 tỷ đồng, trong khi mới 6 tháng trước chỉ là 106.376, tương đương tăng gần 4 lần.
Tốc độ gia tăng quy mô có thể sẽ còn mạnh hơn nữa trong thời gian tới với các quy định yêu cầu cổ phần hóa gắn với niêm yết, cũng như ngày càng nhiều các công ty đại chúng nhìn thấy lợi ích khi có giá tham chiếu cổ phiếu của mình một cách minh bạch hơn.
Rõ ràng trong mảng doanh nghiệp đại chúng chưa/không niêm yết này, thông tin là hạn chế lớn nhất. Tuy nhiên, đó cũng chính là cơ hội đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi tìm thấy những doanh nghiệp đầy tiềm năng mà ít được biết đến.
Thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đã có hàng tá trường hợp thành công lớn nhờ góp vốn vào các doanh nghiệp từ đầu, sau đó đưa lên sàn niêm yết. Đó là những khoản đầu tư đúng nghĩa với chu kỳ nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ.
Nói một cách hình tượng, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư ở mảng doanh nghiệp chưa niêm yết nói chung hay sàn UPCoM nói riêng, cũng giống như đi khai phá một mỏ vàng bắt đầu từ bước khoan thăm dò. Hãy để việc đó cho người đầu tư chuyên nghiệp, vì chỉ có họ mới chịu đựng được rủi ro khi đổ một đống tiền vào mà chỉ moi lên được những cục đá.
Còn với những ai ưa “mua sắm”, hãy tìm đến các cửa hiệu với các món đồ trang sức đã chế tác sẵn!
http://vneconomy.vn/chung-khoan/goc-nhin-xoa-dinh-kien-cho-upcom-20170107114144943.htm
|