Đại học Harvard - Cỗ máy tạo ra... tỷ phú
Tính đến thời điểm hiện tại đã có tổng cộng 35 người trong số 500 người giàu nhất thế giới xuất thân từ Đại học Harvard. Thật vậy, số tỷ phú tốt nghiệp từ Đại học Harvard nhiều hơn cả số lượng tỷ phú đến từ Saudi Arabia và Tây Ban Nha cộng lại.
Bạn muốn học lịch sử kinh tế học, lập trình với ngôn ngữ Ruby, hay những điều cơ bản của lý thuyết chuỗi? Theo Business Insider, tất cả những thứ ấy đều miễn phí trên internet, và bất cứ ai có thời gian hoặc sức khỏe đều có thể học chúng trực tiếp từ các chuyên gia.
Thời đại thông tin đang mang đến cho chúng ta cơ hội chưa từng có để tiếp cận với kiến thức của thế giới - và một số người như James Altucher hay Peter Thiel nghĩ rằng điều này sẽ khiến cho vai trò của các trường cao đẳng và đại học tiếp tục suy yếu.
Tâm lý ấy cũng dễ hiểu vì những doanh nhân thành công gần đây nhất như Evan Spiegel hay Mark Zuckerberg đã chứng minh rằng họ có thể kiếm được hàng tỷ USD mà không cần học hết 4 năm đại học. Và có lẽ thế hệ tiếp theo sẽ thậm chí còn ít chịu đến trường hơn.
Tuy nhiên, có một cảnh báo đối với kiểu suy nghĩ này, và nó trùng hợp với hình bên dưới. Dù ai đó có thể cho rằng giá trị học thuật thật sự của những trường đại học này có thể bị xói mòn do việc tiếp cận với thế giới kỹ thuật số ngày càng dễ dàng hơn, nhưng rõ ràng, giá trị của các trường đại học này như là nơi để “giao du” với những con người hứa hẹn sẽ thành công trong tương lai vẫn còn nguyên vẹn.
Cỗ máy sản sinh ra tỷ phú
Hãy nói chuyện với bất kỳ người thành công nào trong giới kinh doanh, họ sẽ bảo bạn rằng phát triển được một mạng lưới mạnh là đã thành công phân nửa. Và trong lĩnh vực giáo dục, Đại học Harvard là một ví dụ hoàn hảo của “hiệu ứng mạng lưới”.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có tổng cộng 35 người trong số 500 người giàu nhất thế giới là xuất thân từ Harvard. Thật vậy, số tỷ phú tốt nghiệp từ Đại học Harvard nhiều hơn cả số lượng tỷ phú đến từ Saudi Arabia và Tây Ban Nha cộng lại.
Tổng tài sản ròng của 35 tỷ phú xuất thân từ Harvard là 309 tỷ USD, gần tương đương với GDP của Hồng Kông hay Ireland. Với những cựu sinh viên như Charlie Munger, Meg Whitman, John Paulson, Steve Ballmer, Paul Singer, Ken Griffin, Ray Dalio, và Michael Bloomberg trong danh sách này thì đó quả là một nơi đáng chen chân vào. Các sinh viên và giáo sư tại Harvard ngày nay được hưởng lợi không ít từ “mạng lưới” uy tín này mỗi ngày.
Các trường đại học ưu tú vẫn đang đóng vai trò như những “cỗ máy lọc”, chỉ nhận vào các sinh viên thông minh, có mối quan hệ xã hội tốt hoặc cả hai. Những trường đại học hàng đầu như Stanford hay Harvard có tỷ lệ chấp nhận sinh viên vào học là chưa tới 6%, và sự độc quyền này giúp cho sinh viên có được một “mạng lưới” tuyệt vời ngay từ đầu.
Liệu 100 năm nữa những trường đại học này vẫn giữ được yếu tố độc quyền đó? Vẫn phải chờ xem, nhưng ở thời điểm hiện tại, các cơ sở này vẫn là những chiếc máy sản sinh ra tỷ phú không thể bàn cãi được./.
|