Thứ Tư, 11/01/2017 20:49

Chứng khoán Myanmar: First Private Bank sẽ lên sàn trong tháng 1/2017

First Private Bank (FPB) sẽ trở thành doanh nghiệp niêm yết thứ 4 trên Sàn GDCK Yangon (YSX) trong tháng này sau khi nhà cho vay này công bố các thông tin về tài chính, kế hoạch phát triển cũng như những rủi ro phía trước, The Myanmar Times đưa tin.

Theo lịch trình dự kiến, YSX sẽ chào đón ngân hàng niêm yết thứ 2 vào ngày 20/01 tới. Cũng giống như hầu hết các công ty khác chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán, FPB phải chấp nhận một nấc công bố thông tin mới là phải công khai kết quả tài chính của mình trong những năm qua, trình bày những rủi ro phải đối mặt và công bố kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Theo đó, một trong số những quan ngại của FPB là liên quan đến việc đưa cổ phiếu lên sàn. Quản lý cấp cao của ngân hàng này lo ngại một khi đơn vị này niêm yết trên YSX thì 2.47 triệu cổ phiếu phát hành (tính đến tháng 8/2016) có nguy cơ bị đầu cơ hoặc được mua từ nguồn tiền bất hợp pháp.

FPB cho biết, trong những năm trước, ngân hàng này có thể kiểm tra hoàn cảnh của người mua cổ phiếu, yêu cầu họ cung cấp chứng từ đóng thuế và có đảm bảo tiền được dùng để mua cổ phiếu là tiền “sạch”. FPB cũng cho biết, mệnh giá cổ phiếu FPB bán ra là 10,000 kyat nhưng Ban giám đốc FPB đã nâng giá mua từ 25,000 kyat lên 30,000 kyat trong tháng 05/2016.

Một khi chính thức lên sàn, FPB sẽ mất đi quyền kiểm chứng những cổ đông triển vọng và giá cổ phiếu của ngân hàng này sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, cạnh tranh chính là vấn đề quan trọng đối với các ngân hàng tại Myanmar và FPB cũng đã vài lần nhấn mạnh đến vấn đề này trong tài liệu công bố trước niêm yết của mình. Trong khi các ngân hàng trên thế giới có thu nhập từ lãi vay và thấu chi và cả các nguồn không tính lãi như lệ phí giao dịch, phí dịch vụ.

Thế nhưng, FPB cho biết thu nhập không phải từ lãi lại chưa được chú ý tại Myanmar do tình trạng cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng tư nhân và sự tăng trưởng nhanh số lượng các ngân hàng tư nhân và chi nhánh ngân hàng. Vì thế, doanh thu của các ngân hàng như FPB chủ yếu dựa vào thu nhập từ lãi vay và thấu chi. Tuy nhiên, theo FPB, cạnh tranh cũng đang cắt dần nguồn lợi nhuận từ các khoản vay, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ hơn.

FPB cho biết, các ngân hàng lớn với mạng lưới chi nhánh rộng lớn đang đơn phương cắt giảm lãi suất chuyển tiền, nâng lãi suất tiền gửi và hạ lãi suất cho vay”. Được biết, Ngân hàng Trung ương đã quy định mức sàn lãi suất tiền gửi là 8% nhưng gần đây các ngân hàng đã đưa ra các mức lãi suất cao hơn nhằm thu hút tiền gửi, trong đó, lãi suất đối với một số khoản tiền gửi có kỳ hạn là khoảng 10%.

Không chỉ riêng FPB lo ngại về lãi suất tiền gửi cao hơn trong một hệ thống với lãi vay chạm đến 13%. Chuyên gia phân tích U Soe Thein cho rằng dù đây là tin tốt cho những người gửi tiền nhưng cũng có nghĩa rằng các ngân hàng không thể hạ lãi suất cho vay thấp hơn và điều này lại gây khó khăn cho các công ty Myanmar muốn huy động vốn.

Ông U Soe Thein nói: “Đây là một vấn đề quan trọng tại Myanmar. Tất cả các ngân hàng đang phụ thuộc vào tiền gửi. Nhưng nếu các ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi thì lại gây khó khăn đến việc hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Đây chính là vòng luẩn quẩn khó khăn”.

FPB đang gia tăng các khoản mục tài sản, và còn có tham vọng xây dựng mạng lưới chi nhánh. Nhằm nỗ lực thu hút nhiều khách hàng gửi tiền, FPB cho biết ngân hàng này đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới chi nhánh của mình thêm 20% và đây được xem là yết tố quan trọng để gia tăng tiền gửi. Kể từ khi thành lập vào năm 1992, đến nay FPB đang sở hữu 32 chi nhánh và dự kiến mở thêm 7 chính nhánh trong quý 1/2017.

FPB cho biết: “Chúng tôi đang dự kiến mở thêm các chi nhánh tại các thị trấn và làng nhỏ để cung cấp các dịch vụ tài chính cho các nhóm đối tượng có thu nhập thấp”.

Tổng tài sản của FPB đã tăng từ 160 tỷ kyat trong năm tài chính 2013 - 2014 lên 1,207 tỷ kyat tính đến cuối năm tài chính 2015 - 2016 và tổng dư nợ tăng từ 123.8 tỷ kyat lên 155.4 tỷ kyat. Tổng tiền gửi tính đến cuối năm tài chính 2015 -2016 là 151 tỷ kyat, tăng từ mức 136 tỷ kyat tại thời điểm cuối năm tài chính trước.

Doanh thu năm cũng tăng từ 18.3 tỷ kyat lên 22.6 tỷ kyat trong giai đoạn từ năm tài chính 2013 - 2014 đến năm tài chính 2015 - 2016 nhưng tổng lợi nhuận lại gần như không đổi. FPB báo cáo lợi nhuận ròng năm tài chính 2013 - 2014 là 6 tỷ kyat,  năm tài chính 2014 – 2015 là 6.5 tỷ kyat và năm tài chính 2015 - 2016 là 6 tỷ kyat.

So với Myanmar Citizens Bank (MCB), ngân hàng niêm yết đầu tiên trên YSX, tổng lợi nhuận ròng của MCB đã tăng gấp đôi trong 3 năm tài chính qua, tăng từ 2.51 tỷ kyat trong năm tài chính 2013 - 2014 lên 5.3 tỷ kyat trong năm tài chính 2015 - 2016./.

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Myanmar: YSX sau một năm hoạt động (20/12/2016)

>   Chứng khoán Campuchia: Sàn Growth Board đang thu hút các SME (19/12/2016)

>   Chứng khoán Lào: SKL chuẩn bị kế hoạch lên sàn (16/12/2016)

>   Chứng khoán Lào: U.D.A Farm có thể lên sàn vào năm 2017 (14/12/2016)

>   Chứng khoán Lào: PCD chuẩn bị IPO (13/12/2016)

>   Chứng khoán Campuchia: Lợi nhuận ròng quý 3/2016 của PPWSA giảm gần 4% (12/12/2016)

>   Chứng khoán Myanmar: Yoma Bank kéo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 của FMI tăng hơn 50% (09/12/2016)

>   Chứng khoán Campuchia: Doanh thu 9 tháng đầu năm của PPSP giảm hơn 50% (08/12/2016)

>   Chứng khoán Campuchia: Century 21 Mekong có thể lên sàn vào năm 2017 (06/12/2016)

>   Chứng khoán Campuchia: PPAP và GTI đều tăng doanh thu (03/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật