Chủ Nhật, 01/01/2017 21:30

Ai thắng lớn nhất ở Phố Wall trong năm 2016?

Phố Wall không có được một năm tốt lành cho tới khi Donald Trump bất ngờ trở thành ông chủ Nhà Trắng. Chiến thắng của ông Trump đã giúp lợi suất trái phiếu khởi sắc, cổ phiếu của các ngân hàng lớn tăng vọt và giúp xua tan nỗi lo sợ trong ngành tài chính vì những quy định bó buộc dành cho ngành này sẽ được dỡ bỏ hoặc nhẹ tay hơn. Điều đáng ngạc nhiên là, bản thân Phố Wall cũng là người thắng lớn trong năm 2016.

Cho dù đạo luật Dodd-Frank có được bãi bỏ hay không thì những ngày phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ của các “sếp” ngân hàng và bị xem như “tội phạm doanh nghiệp” dường như đã chấm dứt.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi ông Trump thắng cử, những khuynh hướng quan trọng cũng đã định nghĩa lại trật tự quyền lực trên Phố Wall, tạo ra những kẻ thắng người thua. Hầu hết những tiến triển này đã diễn ra suốt một thời gian dài trước đây, chẳng hạn như sự trỗi dậy của giao dịch định lượng và đầu tư theo chỉ số, nhưng dường như mới bắt đầu cho thấy sự thống trị của mình trong ngành tài chính ở năm 2016. Và đây là 10 người thắng lớn nhất ở Phố Wall trong năm nay, theo thống kê của Forbes.

1. Robert Mercer

Có lẽ không ai trên Phố Wall có được một năm tuyệt vời hơn Robert Mercer. Ngoài những thắng lợi lớn trong lĩnh vực chính trị, quỹ đầu cơ Renaissance Technologies của ông tiếp tục dẫn đầu cuộc cách mạng giao dịch định lượng vốn “càn quét” Phố Wall trong thời gian qua. Trong khi hầu hết các quỹ đầu cơ tiếp tục vất vả trong năm 2016 thì các quỹ định lượng, mà dẫn đầu là Renaissance Technologies, đã có thêm một năm thành công. Mercer là đồng CEO của Renaissance Technologies, công ty quỹ đầu cơ do James Simons sáng lập và đã rút lui khỏi vị trí CEO cách đây vài năm. Trong năm 2016, Renaissance đã thu được khoảng 7 tỷ USD ở các quỹ đầu tư mới và hiện quản lý khoảng 36 tỷ USD. Các quỹ của công ty này, mà dẫn đầu là Medallion luôn cho lợi nhuận ổn định, đã tiếp tục mang về những lợi nhuận lớn.

2. Steve Mnuchin

Steven Mnuchin là một sản phẩm của Phố Wall. Là người cũ của Goldman Sachs, ông từng dành thời gian làm việc cho các quỹ đầu tư gắn với tên tuổi của những tỷ phú như George Soros và Eddie Lampert. Khi năm 2016 bắt đầu, ông âm thầm điều hành công ty đầu tư của mình Dune Capital Management. Gần đây ông cung cấp tài chính cho điện ảnh và vực dậy OneWest Bank, bán ngân hàng này cho công ty tài chính CIT và tham gia vào hội đồng quản trị. Sau đó, vào tháng 5, Mnuchin tham gia vào đội ngũ của Donald Trump và trở thành Chủ tịch Tài chính Quốc gia cho chiến dịch tranh cử Tổng thống. Tháng 11, sau khi thắng cử, ông Trump đã chọn Mnuchin làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho nhiệm kỳ tới.

3. Lloyd Blankfein

CEO của Goldman Sachs này không ủng hộ Donald Trump, nhưng ngân hàng ông lại được hưởng lợi nhất sau chiến thắng của ông Trump. Cổ phiếu của Goldman Sachs đã tăng 30% kể từ khi ông Trump giành được chiếc ghế ở Nhà Trắng. Các “cựu binh” của Goldman Sachs, như Steve Mnuchin và Stephen Bannon hiện đang nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy của ông Trump. Còn Gary Cohn, Chủ tịch và Giám đốc điều hành (COO) của Goldman sẽ trở thành Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cố vấn cao cấp về kinh tế cho ông Trump.

4. Jamie Dimon

Khi thị trường hoảng sợ hồi tháng 2 năm nay, Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, đã mua vào một lượng cổ phiếu của ngân hàng ông trị giá 26.6 triệu USD với mức giá trung bình là 53.18 USD/cp. Gần đây, giá cổ phiếu của JPMorgan Chase đã đạt hơn 84 USD/cp. Ông cũng đã lịch sự từ chối lời mời trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính từ ông Trump. Giờ đây ngân hàng ông đã sẵn sàng tận hưởng những chính sách có lợi cho mình từ Washington như quản lý nhẹ tay hơn và chính sách lãi suất cao hơn. Trong tháng 12, ông còn được bầu làm Chủ tịch của Business Roundtable (Bàn tròn Doanh nghiệp). Ở tuổi 60, Dimon là CEO được kính trọng nhất ở Phố Wall.

5. Warren Buffett

Ngay cả khi thua, ông cũng... thắng. Warren Buffett là người ủng hộ hết mình cho Hillary Clinton trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ. Nhưng chiến thắng của ông Trump cũng không cản được Buffett hưởng lợi lớn trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của tập đoàn Berkshire Hathaway đã tăng 11% kể từ ngày bầu cử đến nay và giới đầu tư bỗng nhiên trở nên... lạc quan về những loại công ty mà Buffett đầu tư vào, như tài chính, đường sắt và năng lượng. Các kỳ vọng rằng ông Trump sẽ mạnh tay chi tiền cho cơ sở hạ tầng, nhẹ tay hơn với lĩnh vực tài chính và khai thác năng lượng đã khiến cho cổ phiếu của Berkshire càng được nhiều người muốn nắm giữ. Berkshire hiện sở hữu các tài sản lớn trong lĩnh vực năng lượng, đường sắt BNSF và danh mục đầu tư của họ gồm Wells Fargo, Goldman Sachs và American Express.

6. Jack Bogle

Nhà sáng lập của Vanguard và cũng là “cha đẻ” của hình thức đầu tư theo chỉ số đã được chứng kiến quỹ đầu tư theo chỉ số Vanguard 500 mừng sinh nhật lần thứ 40 trong năm 2016. Sự phổ biến của đầu tư thụ động với chi phí thấp đã tiến triển từ lâu nay và Vanguard hiện quản lý đến 3 ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, trong năm 2016, phương pháp đầu tư dài hạn của Bogle càng thành công hơn khi giới đầu tư rót tiền vào các chiến lược thụ động trong khi các giám đốc quỹ đầu cơ và quỹ tương hỗ chủ động được trả lương cao ngất tiếp tục chuỗi ngày tệ hại. Ở tuổi 87, Bogle đã được tận hưởng thành công khi tài sản tiếp tục chảy khỏi tay các giám đốc quỹ chủ động. Trong khi các quỹ tương hỗ và đầu cơ đang vật lộn để tồn tại và trên đà giảm sút thì tính đến tháng 10 năm nay, chỉ riêng Vanguard đã thu hút được 250 tỷ USD, phá kỷ lục thường niên mà công ty này từng lập được trong năm 2015.

7. Brad Katsuyama

Trong một cuốn sách bán chạy nhất, CEO và đồng sáng lập của tập đoàn IEX được xem là vị cứu tinh của Phố Wall khi có công đầu trong việc tìm ra được giải pháp chống lại tình trạng bóc lột giới đầu tư từ các công ty giao dịch tần suất cao. Nhưng để cho các kế hoạch của Brad Kastuyama phát huy được tác dụng, ông thực sự cần phải có một sàn giao dịch riêng. Nỗ lực của ông bị các nhân vật quyền lực ở Phố Wall như tỷ phú Ken Griffin phản đối. Tuy nhiên, trong tháng 6, IEX đã nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) và bắt đầu hoạt động như là một sàn giao dịch chứng khoán chính thức kể từ tháng 8 năm nay.

8. Robert Smith

Là nhà sáng lập và CEO của Vista Equity, Robert Smith đã dành năm 2016 để huy động vốn cho một trong những quỹ cổ phần riêng chuyên về công nghệ lớn nhất từ trước đến nay. Quỹ cổ phần riêng mới nhất của Smith hiện đã sẵn sàng để huy động ít nhất 10 tỷ USD. Thành tích tuyệt vời của Smith trong các vụ đầu tư liên quan đến phần mềm đã biến ông thành một trong những tên tuổi “hot” nhất trong lĩnh vực quỹ cổ phần riêng, giúp ông có thể huy động được vốn như bất kỳ tỷ phú đầy quyền lực nào. Với một quỹ khác tập trung vào các vụ đầu tư công nghệ nhỏ hơn cũng đang hút được tiền của giới đầu tư, Smith đã huy động được ít nhất 12.5 tỷ USD trong năm 2016. Tháng 6 năm nay, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Carnegie Hall.

9. Adena Friedman

Trong năm 2016, Adena Friedman đã củng cố vị trí “một trong những phụ nữ quyền lực nhất ở Phố Wall” của mình. Được bầu làm CEO tiếp theo của Nasdaq, bà sẽ đảm nhiệm chức vụ này vào đầu năm 2017. Friedman là “ngôi sao” tại Nasdaq suốt 23 năm qua, dù có rời sàn chứng khoán trong một thời gian ngắn để trở thành Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Carlyle trước khi quay lại giữ chức Chủ tịch của Nasdaq. Friedman sẽ trở thành CEO mới đầu tiên của Nasdaq trong 14 năm, thay cho Robert Greifeld.

10. Steve Cohen

Ngay đầu năm 2016, tỷ phú Steve Cohen đã vướng phải một vụ án với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), khi tổ chức này cáo buộc Cohen không giám sát một cựu giám đốc danh mục đầu tư, để ông này phạm tội giao dịch nội gián. Cohen bị buộc phải đóng cửa quỹ đầu cơ của mình và chuyển nó thành một văn phòng gia đình. Tuy nhiên, SEC đã “mở một cánh cửa” cho Cohen khi cho phép ông quản lý tiền bên ngoài trong năm 2018. Nói cách khác, một trong những giám đốc quỹ đầu cơ vĩ đại nhất từ trước đến nay sẽ có thể sớm được trở lại cuộc chơi, dù phải nộp phạt 1.8 tỷ USD cho các tội trên./.

Các tin tức khác

>   Những kênh đầu tư sinh lời tốt nhất và tệ nhất 2016 (01/01/2017)

>   Chứng khoán thế giới 2016: Một năm nhìn lại! (31/12/2016)

>   Dow Jones chứng kiến năm có thành quả tốt nhất kể từ năm 2013 (31/12/2016)

>   TTCK châu Á nào gây bất ngờ với đà tăng mạnh mẽ trong năm 2016? (30/12/2016)

>   Chứng khoán châu Á phiên cuối năm 2016: Hồng Kông và Đài Loan dẫn đầu mức tăng điểm (30/12/2016)

>   Giá trị thị trường của Toshiba đã “bốc hơi” 6.6 tỷ USD trong 3 ngày (30/12/2016)

>   Phố Wall giảm nhẹ trước sức ép từ nhóm cổ phiếu ngân hàng (30/12/2016)

>   Phố Wall sụt giảm mạnh nhất trong 2 tháng (29/12/2016)

>   Nhóm cổ phiếu công nghệ kích Nasdaq Composite lên kỷ lục mới (28/12/2016)

>   Nhà đầu tư nào mua cổ phiếu Nhật Bản nhiều nhất trong năm 2016? (26/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật