Chứng khoán thế giới 2016: Một năm nhìn lại!
Chúc mừng Mỹ! Trong năm 2016, thị trường chứng khoán nước này liên tục leo lên các mức cao kỷ lục mới, hãng tin CNNMoney cho hay.
Trong đó, Dow Jones ghi nhận thành quả vô cùng ấn tượng, với mức nhảy vọt 13.4% và tiến sát mốc 20,000 vào thời điểm cuối năm 2016.
Tuy nhiên, không chỉ có người Mỹ vui mừng về đà tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán.
Sau đây là bức tranh tổng quan về những thị trường chứng khoán toàn cầu có thành quả tốt nhất trong năm 2016:
Nga
Kể từ đầu năm 2016, chỉ số RTS của Nga đã bứt phá 52% khi xét về phương diện đồng USD. Bên cạnh đó, chỉ số Micex của quốc gia này cũng bay cao 27% khi tính bằng đồng Rúp.
Các nhà đầu tư trên toàn cầu đã đổ xô vào Nga sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ do kỳ vọng Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump sẽ xoa dịu mối quan hệ giữa 2 nước.
Ngoài ra, đà nhảy vọt của giá dầu cũng là một động lực đem lại đà tăng trưởng mạnh mẽ cho Nga, một quốc gia vốn phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu dầu.
Naeem Aslam, Chuyên gia Phân tích hàng đầu của Think Markets tại London, nhận định: “Đà hồi phục của giá dầu đã hỗ trợ kinh tế Nga và cứu họ thoát khỏi thảm họa”.
Argentina
Chỉ số Merval của Argentina leo dốc 45% trong năm nay và từng chạm mức cao kỷ lục trong tháng 10 nhờ những cải cách chính trị quan trọng, và đà sụt giảm 18% của đồng nội tệ nước này.
Chiến thắng của Tổng thống Mauricio Macri trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2015 được xem là một bước chuyển mình đối với Argentina. Nhà đầu tư hy vọng ông sẽ vực dậy nền kinh tế vốn rất trì trệ của Argentina sau khi Chính quyền cũ khiến tình hình tài chính của quốc gia rơi vào tình thế khó khăn.
Chính phủ Argentina đã dỡ bỏ việc kiểm soát tiền tệ, đồng thời chấm dứt cuộc chiến 15 năm với các quỹ đầu cơ tại Mỹ và đưa Argentina trở lại thị trường trái phiếu quốc tế lần đầu tiên kể từ năm 2001.
Brazil
Trong tháng 1/2016, chỉ số Bovespa của Brazil chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, sau đó tâm lý nhà đầu tư đột ngột chuyển hướng và thị trường Brazil bắt đầu tăng vọt 39%.
Các hàng hóa xuất khẩu chính của Brazil, như quặng sắt, dầu và đậu nành, đã tăng mạnh trong cả năm vừa qua.
Canada
Cũng như nhiều thị trường chứng khoán trên toàn cầu, chỉ số TSX Composite của Toronto phục hồi từ mức thấp xác lập trong tháng 1 và hưởng lợi từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hiện chỉ số này đã vọt 17.5% trong năm nay.
Trong tháng 11, Matthew Barasch, chiến lược gia thị trường chứng khoán Canada tại RBC Dominion Securities, cho biết: “Các đề xuất chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tác động tích cực đến Canada và cả thị trường chứng khoán của quốc gia này, ít nhất là trong một thời gian”.
Na Uy
Chỉ số All-Share của Oslo đã liên tục leo dốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mặc dù bị tác động nặng nề vào đầu năm 2016 bởi đà sụt giảm của giá dầu. Hiện chỉ số này đã nhảy vọt 18% trong năm nay.
Nền kinh tế cũng như các thị trường của Na Uy đều lệ thuộc quá nhiều vào dầu thô. Vì vậy khi giá dầu tăng gấp đôi so với mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016 thì nhóm cổ phiếu năng lượng đã nhảy vọt.
Đặc biệt, cổ phiếu của công ty giao dịch công khai lớn nhất của Na Uy, Statoil, đã bứt phá 29% trong năm nay. Ngoài ra, cổ phiếu Aker BP nhảy vọt 185%.
Indonesia
Thị trường chứng khoán Indonesia cũng trải qua một năm đầy thăng trầm nhưng cuối cùng cũng khép lại năm 2016 với mức nhảy vọt 15%.
Cổ phiếu của các công ty giao dịch công khai lớn nhất tại Indonesia cũng tăng cao, hầu hết đều tăng 2 con số.
Động lực tăng trưởng của Indonesia đều xuất phát từ chi tiêu tiêu dùng. Nhờ đó, quốc gia này không bị ảnh hưởng khi hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 5.3% trong năm 2017, cao hơn cả mức tăng trưởng trong năm nay.
Anh
Chỉ số FTSE 100 của London đi ngược lại dự báo trước đó và chạm mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là “Brexit”. Hiện chỉ số này đã nhảy vọt 14.4% so với thời điểm đầu năm 2016.
Ông Aslam cho hay chính sự kiện Brexit đã đẩy đồng bảng Anh rớt xuống đáy 31 năm so với đồng USD, qua đó nhấc bổng thị trường chứng khoán của quốc gia này.
Động thái hỗ trợ kinh tế của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cùng với dữ liệu kinh tế lạc quan hơn dự báo đã góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán, ông nói thêm.
Những thị trường sụt giảm mạnh nhất
Trong khi đa số các thị trường chứng khoán toàn cầu hồi sinh mạnh mẽ, thì cũng có một số thị trường khép lại năm 2016 với mức giảm sâu. Trong đó, Italy và Trung Quốc lao dốc mạnh nhất.
Chỉ số FTSE MIB của Italy sụt 10% khi nhà đầu tư lo lắng về lĩnh vực ngân hàng. Cổ phiếu của tất cả các ngân hàng chủ chốt đều giảm mạnh, đáng chú ý nhất ngân hàng lâu đời nhất thế giới, Monte dei Paschi, đã buộc phải nhờ Chính phủ Italy trợ giúp sau khi cổ phiếu ngân hàng này “bốc hơi” 88%.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng khép lại năm qua với mức sụt giảm 2 con số sau làn sóng bán tháo nặng nề vào đầu năm. Còn nhớ, khi đó, các chỉ số chính đều sụt giảm từ 25-30% chỉ trong vòng vài tuần.
Tính chung cả năm 2016, chỉ số Shanghai Composite đã mất 12% và chỉ số Shenzhen Composite lao dốc 15%./.
|