12 ngàn tỷ USD đang chờ các doanh nghiệp toàn cầu đánh thức?
Theo nghiên cứu của một nhóm các nhà lãnh đạo trong ngành tài chính và doanh nghiệp toàn cầu, các công ty có thể kiếm được ít nhất 12 ngàn tỷ USD từ những cơ hội trên thị trường vào năm 2030 và tạo ra hơn 380 triệu việc làm bằng cách tiến hành một vài mục tiêu phát triển chủ chốt.
Được Hội đồng Phát triển Bền vững và Doanh nghiệp (BSDC) công bố hôm thứ Hai vừa qua, nghiên cứu này cho rằng áp lực để trở thành một “thành phần xã hội có trách nhiệm” đối với các doanh nghiệp có thể sẽ tăng lên.
Nhóm nghiên cứu được lập ra ngay tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 (WEF) ở Davos nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đi đầu trong vấn đề giảm nghèo và phát triển bền vững.
Thành viên của nhóm gồm các CEO của những công ty đa quốc gia như Edelman, Pearson, Investec, Merck, Safaricom, Abraaj, Alibaba và Aviva, cùng với giới học thuật, các nhà môi trường học, lãnh đạo công đoàn và mạnh thường quân.
Nghiên cứu trên cho rằng doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc (UN) để chấm dứt nghèo đói và bảo vệ hành tinh này.
“Đạt được các mục tiêu toàn cầu này sẽ mở ra một ‘phần thưởng’ kinh tế trị giá ít nhất 12 ngàn tỷ USD vào năm 2030 cho khu vực tư nhân, và có khả năng là gấp 2-3 lần”, bản nghiên cứu viết, và cho biết thêm rằng điều này có thể đạt được bằng hành động chỉ trong 4 lĩnh vực: Năng lượng, thành phố, nông nghiệp và sức khỏe.
Theo nghiên cứu trên, 12 ngàn tỷ USD này – gồm tiết kiệm và lợi nhuận doanh nghiệp – sẽ bằng với 1/10 sản lượng kinh tế toàn cầu được dự báo, trong khi 90% số công việc mới sẽ nằm ở các nước đang phát triển.
Mark Malloch-Brown, Chủ tịch BSDC, cho biết các cơ hội này bao gồm những biện pháp cắt giảm khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, dù Tổng thống đắc cử Donald Trump thỉnh thoảng cho rằng biến đổi khí hậu do con người tạo ra là một “trò hề”.
Nói với Reuters về sự chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, được nhiều nước đẩy mạnh do lo ngại về vấn đề nhiệt độ tăng lên và nhờ giá năng lượng tái tạo đang giảm, ông ví von: “Trong nhiều trường hợp, con ngựa ấy đã rời khỏi chuồng”.
Tuy nhiên, tiến bộ ấy còn chậm và nghiên cứu trên cho rằng các doanh nghiệp vẫn chưa sẵn lòng đổ tiền vào những vụ đầu tư dài hạn hơn. Thay vào đó, họ thích “ngồi trên đống tiền” hoặc trả lãi cho cổ đông thông qua việc mua lại cổ phiếu và cổ tức hơn.
Được chính thức chấp thuận vào tháng 9/2015, 17 SDG này bao gồm những mục tiêu cho các vấn đề như khí hậu, nước sạch, bình đẳng giới và bất bình đẳng về mặt kinh tế.
Trong những năm gần đây, mục tiêu cuối cùng đã thu hút được nhiều sự chú ý, dẫn tới sự nổi lên của những chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy, đặc biệt là ở phương Tây, vì “tức nước vỡ bờ” trước các vấn đề xã hội như lương bổng ì ạch, nạn nhập cư bất hợp pháp, lương CEO thì cao ngất ngưởng so với nhân viên, và tình trạng trốn thuế doanh nghiệp.
“Chúng tôi dự báo sẽ có áp lực lớn hơn nhiều cho các doanh nghiệp để chứng tỏ rằng họ là một thành phần xã hội có trách nhiệm, tạo ra được những việc làm tốt và trả lương đúng mức trong chuỗi cung cấp, cũng như ở các nhà máy và văn phòng của họ”, bản nghiên cứu viết, đồng thời nói thêm rằng việc đóng thuế một cách minh bạch là chìa khóa dẫn đến việc tạo dựng lại “hợp đồng xã hội”.
Những bước đi khác mà bản nghiên cứu đề xuất gồm có tính thuế carbon cho những doanh nghiệp gây ô nhiễm và giảm lãng phí thực phẩm, một hành động có thể đáng giá đến 405 tỷ USD.
Tuy nhiên, bản nghiên cứu cho thấy, chi phí để đạt được các mục tiêu này vào năm 2030 có thể lên đến 2.4 ngàn tỷ USD đầu tư thêm hàng năm, đặc biệt là cho cơ sở hạ tầng.
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp “tài chính sáng tạo” từ các nguồn lực ở khu vực công lẫn tư để tăng con số này lên, đồng thời phát biểu thêm rằng: “Hệ thống tài chính toàn cầu cần trở nên tốt hơn hơn trong việc triển khai hàng ngàn tỷ USD tiết kiệm này vào những vụ đầu tư bền vững mà thế giới đang cần”./.
|