Xuất khẩu tôm sang EU dự kiến tăng 7.5% năm 2016
Theo Vasep, xuất khẩu (XK) tôm sang thị trường EU trong tháng 11/2016 đạt 50.5 triệu USD; tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế tới tháng 11 năm nay, XK sang thị trường này đạt trên 548 triệu USD; tăng 7.3% so với cùng kỳ năm 2015.
EU vẫn là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ, chiếm tỷ trọng 19% trong tổng XK tôm của Việt Nam đi các thị trường.
EU ưa chuộng các sản phẩm có giá hợp lý như: tôm chân trắng. Chín tháng đầu năm nay, tôm chân trắng chiếm 72% tổng giá trị tôm Việt Nam XK sang EU, tôm sú chiếm 18% và tôm biển chiếm 10%. Trong giai đoạn này, XK tôm chân trắng Việt Nam sang EU đạt 309.4 triệu USD; tôm sú và tôm biển lần lượt là 77.4 triệu USD và 44.2 triệu USD.
Đối với tôm chân trắng, EU nhập khẩu (NK) nhiều tôm chân trắng chế biến hơn tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh với tôm chân trắng chế biến gấp 1.2 lần tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh. Đối với tôm sú, EU NK tôm sú sống/tươi/đông lạnh nhiều hơn gấp 7.7 lần so với tôm sú chế biến.
Nguồn cung nguyên liệu trên thế giới hạn chế cộng với nhu cầu tăng mạnh từ Trung Quốc làm giảm nguồn tôm cung cấp cho EU. Tồn kho tại EU giảm, nhu cầu NK tôm tăng trong khi các nguồn cung tôm chính cho thị trường này sụt giảm do thời tiết bất lợi ảnh hưởng tới sản xuất, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng XK vào thị trường này.
Anh, Hà Lan và Đức là 3 thị trường NK chính tôm Việt Nam trong khối. Tính tới tháng 11 năm nay, XK sang Anh và Hà Lan tăng lần lượt 4.3% và 34.7% trong khi XK sang Đức giảm 3.2%.
XK sang EU tăng một phần nhờ XK sang Hà Lan tăng trưởng tốt và nhu cầu tôm nước ấm ở Anh vẫn tốt. Hà Lan 11 tháng đầu năm nay tăng cường NK tôm từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chế biến tái XK.
Tính tới tháng 11 năm 2016, Anh tiếp tục là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Nhu cầu tôm nước ấm từ thị trường Anh vẫn tốt trong năm nay do tôm nước ấm có giá cạnh tranh hơn tôm nước lạnh. Giá tôm nước lạnh vẫn tăng do dự báo nguồn cung giảm trong thời gian tới. Trong 1 năm tính tới 5/11/2016, trên thị trường Anh, khối lượng tôm nước ấm bán ra tăng 16.5% về khối lượng đạt 17,840 tấn và tăng 11.2% về giá trị đạt 327.2 triệu USD. Trong khi khối lượng tôm nước lạnh bán ra đạt 14,034 tấn; giảm 6.4% so với cùng kỳ năm ngoái và giá trị mặt hàng này không đổi ở mức 228.3 triệu USD.
Sau khi tăng trưởng mạnh trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, XK tôm Việt Nam sang Anh từ đầu quý 3 đến nay có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Đáng chú ý, XK sang thị trường này trong tháng 11/2016 lần đầu tiên giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2016, nhu cầu đối với tôm giá rẻ tại nhiều thị trường đơn lẻ trong khối Châu Âu vẫn tăng. Tiêu thụ tôm chân trắng dự báo tiếp tục tăng trong khi nhu cầu tôm sú sẽ giảm.
Ở EU, nhu cầu thực phẩm dễ chế biến và chế biến nhanh đang có xu hướng tăng do áp lực công việc. Trước đây, EU chủ yếu NK tôm HOSO tuy nhiên thị trường này hiện có xu hướng NK nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn như tôm tẩm ướp gia vị hoặc xiên que. Do khủng hoảng kinh tế, giá trị NK dự kiến giảm tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ tôm vẫn ổn định.
EU là khu vực có tiềm năng về tiêu thụ thủy sản do mùa đông kéo dài, sức mua tốt và ổn định nhờ thu nhập bình quân đứng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thị trường này yêu cầu các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng rất khắt khe và các nhà cung cấp phải có trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng. Đây là đặc điểm mà các nhà XK sang thị trường này nên lưu ý.
Dự kiến, XK tôm Việt Nam sang thị trường này năm nay tăng 7.5% đạt khoảng 589 triệu USD./.
|