Thứ Hai, 26/12/2016 09:25

Bối rối tìm hàng lưu niệm cho du khách

Chuyện về phát triển thị trường hàng lưu niệm, quà tặng trở thành một nhánh sản phẩm thu hút của du lịch TPHCM đã được thảo luận từ nhiều năm qua nhưng có thể nói cho đến nay, đây vẫn là bài toán chưa tìm thấy lời giải.

Một gian hàng bán đồ lưu niệm tại chợ Bến Thành.Ảnh: Đào Loan

Hàng nhiều nhưng không đặc sắc

Chợ Bến Thành khá tấp nập vào một buổi chiều của tháng cuối năm, trong đó, những gian hàng bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ là đầy màu sắc hơn cả. Tại mỗi quầy hàng, những ngọn đèn tỏa ánh sáng trắng, vàng được lắp đặt hợp lý khiến những món hàng trở nên rất bắt mắt. Bà chủ một gian hàng tươi cười chào mời khách bằng tiếng Anh: “Cô muốn mua gì, tôi có nhiều thứ lắm”. Nhưng khi biết khách không phải người nước ngoài và mục đích chuyến thăm hỏi là để tìm hiểu thị trường chứ không phải để mua hàng, nụ cười trên môi chị không còn tươi tắn nữa: “Chẳng có gì mới đâu chị, nhiều năm nay vẫn chỉ bao nhiêu đó món thôi”, chị Bích cho biết.

Gian hàng của chị Bích bán rất nhiều mặt hàng, từ túi thêu, giỏ xách đến ví tiền... Những gian kế đó thì bán những món đồ lưu niệm làm bằng sơn mài, sừng, đá, sứ, giỏ xách bằng da; có cả những lớp hàng treo thành tầng là các mẫu móc khóa làm bằng da với đủ kiểu hình thù tương tự như ở Malaysia, Thái Lan hay Ấn Độ.

Chủ một gian hàng khác cho biết: “Mấy thứ đó (mấy loại móc khóa giống nước ngoài) là hàng mới, chứ những túi thổ cẩm hay tượng 12 con giáp hay mẫu cô gái mặc áo dài thì đã xưa lắm rồi. Dạo này hàng bằng tre ít hơn ngày trước...”.

Câu chuyện hàng lưu niệm ở chợ Bến Thành - điểm mua sắm nổi tiếng đối với du khách đến TPHCM, cho thấy phần nào câu chuyện về thị trường hàng lưu niệm, quà tặng: hàng rất nhiều nhưng mẫu mã cũ, thiếu những sản phẩm đặc trưng.

Theo nhiều tiểu thương, hàng lưu niệm có nguồn gốc từ nhiều nơi, từ các cơ sở nhỏ ở TPHCM và từ những nhà buôn hàng Trung Quốc. Mẫu mã, sản phẩm do các cơ sở tự làm rồi đem chào hàng, nếu bán được thì họ tiếp tục còn không thì họ bỏ. Điểm chung của các mẫu mã là biến tấu từ các mẫu cũ, chỉ thay thế vật liệu, hoặc sao chép từ hàng lưu niệm của nước ngoài, hoặc từ vài mẫu bắt mắt của một số công ty lớn.

Tình hình hàng lưu niệm ở bên ngoài ngôi chợ lớn này cũng tương tự. Bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh, người quản lý cửa hàng lưu niệm Miss Aodai, cho biết: “Chúng tôi chỉ có một số mẫu thiết kế riêng, còn lại vẫn là lấy từ nước ngoài rồi nhờ các cơ sở trong nước làm”. Theo bà Oanh, mẫu mã do các cơ sở thiết kế thường là không phù hợp: những mẫu có giá vừa phải thì được làm rất sơ sài; còn hàng đẹp, đặc sắc thì giá lại quá cao; chưa kể nhiều mẫu quá cồng kềnh hoặc dễ vỡ.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng có chung nhận định là thị trường hàng lưu niệm chưa đáp ứng được nhu cầu lớn của du khách. Hàng bán ở TPHCM không đủ đặc sắc để thôi thúc du khách phải mua, vì nếu không mua thì họ sẽ không thể tìm thấy ở những điểm đến khác.

Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking, cho rằng hàng lưu niệm cần được chăm chút hơn nữa mới tạo sự hấp dẫn. Chẳng hạn gần đây du khách rất thích bộ tượng nhỏ của cô dâu trong trang phục các dân tộc nhưng lại thiếu tượng chú rể tạo sự đồng điệu cho món quà. Về giá cũng vậy, đa số các món hàng có giá cao, không khuyến khích khách mua nhiều để làm quà. “Có vẻ như người ta thích làm những món đồ lớn, đắt tiền. Theo tôi, thay vì làm những chiếc túi cói to có giá 500.000-600.000 đồng/chiếc thì nên làm những chiếc nho nhỏ, xinh xinh giá vài chục ngàn, vừa rẻ vừa dễ mang về”, ông nói.

Khảo sát gần đây nhất của Sở Du lịch TPHCM cũng cho thấy thị trường hàng lưu niệm ở thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các cửa hàng bán nhiều hàng thủ công mỹ nghệ nhưng 90% trong đó là hàng được bày bán trên toàn quốc hoặc là sản phẩm của các nước trong khu vực.

Cần thêm cầu nối

Theo Sở Du lịch TPHCM, để cải thiện vấn đề thiếu mẫu mã hàng lưu niệm, năm ngoái, sở này đã cùng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM tổ chức một cuộc thi chọn mẫu sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho thành phố và kỳ vọng những mẫu này sẽ xuất hiện trên kệ hàng. Tuy nhiên, đến nay thì mong muốn đó chưa thành. Và không chỉ là mẫu mã, rào cản còn nằm ở quy mô thị trường và các kênh phân phối.

Giám đốc tiếp thị của một khách sạn 5 sao cho biết họ khá khó khăn khi tìm quà tặng cho khách tham dự sự kiện. Để đáp ứng yêu cầu chung là hàng phải có đủ độ tinh xảo, khách sạn thường tìm đến những công ty lớn, có thương hiệu để đặt hàng. Tuy nhiên, những công ty này thường từ chối vì các đơn hàng quá nhỏ, chỉ vài trăm chiếc, trong khi để có lợi nhuận cho những mẫu thiết kế riêng, họ phải làm từ 1.000 sản phẩm trở lên.

“Mỗi sự kiện của chúng tôi chỉ có vài ba trăm người nhưng mỗi năm có nhiều sự kiện. Nếu có một nơi vừa có thiết kế đặc biệt, tinh xảo, lại có giá cả vừa phải thì sẽ thu hút không chỉ chúng tôi mà còn nhiều nơi khác nữa”, bà nói.

Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty Lavanto, cho biết đội ngũ thiết kế của công ty ông hoàn toàn có thể tạo nên những mẫu hàng hấp dẫn và đã có những mẫu bán khá tốt. Tuy nhiên, công ty chưa đầu tư mạnh cho mảng này vì hiệu quả kinh doanh không bằng những mảng khác (như trang trí), chưa kể việc phát triển nhánh kinh doanh hàng lưu niệm còn phải xây dựng mạng lưới phân phối đến các khách sạn, cửa hàng, nhà sách... “Với chúng tôi, quy mô thị trường còn nhỏ và kênh phân phối là một vấn đề. Nếu có đơn vị làm cầu nối thì chúng tôi sẽ dễ dàng tham gia vào thị trường hơn”, ông nói.

Trong buổi lễ tổng kết cuộc thi nêu trên, vài doanh nghiệp tỏ ra ấn tượng với cuốn sách Pop-up-Sài Gòn phố giới thiệu các công trình kiến trúc nổi bật của TPHCM bằng hình ảnh vẽ tay và sử dụng kỹ thuật cắt dán giấy tạo hình nổi bên trong những trang sách. Họ thích nhưng chưa có ý định hợp tác sản xuất vì xét thấy không hiệu quả nếu làm hàng loạt. Chi phí lớn dẫn tới giá bán phải trên 500.000 đồng/cuốn thì rất khó bán. Thêm nữa, để làm quà mang về thì món quà này... khá nặng. Đại diện một doanh nghiệp nhận xét: “Mẫu mã chỉ là một trong số những nguyên nhân. Nếu thị trường đủ lớn cho những mẫu phù hợp thì hai bên có thể tìm cách để đưa thiết kế vào sản xuất chứ không để mấy cơ sở nhỏ chuyển thành thiệp cắt dán nổi rồi bán như hiện nay”.

Theo vị này, vấn đề vẫn cứ quanh quẩn ở chỗ: những cơ sở nhỏ năng động thì thiếu mẫu mã; các công ty lớn có đội ngũ thiết kế tốt thì chưa hồ hởi với thị trường. Trong bối cảnh đó, nếu thành phố muốn tạo sức bật cho thị trường quà lưu niệm có sản phẩm phong phú hơn thì ý tưởng về việc cơ quan quản lý cung cấp những mẫu thiết kế đẹp, miễn phí cho những cơ sở sản xuất không có điều kiện thiết kế là một ý tưởng đáng tham khảo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành của Sở Du lịch, việc cơ quan quản lý cung cấp mẫu thiết kế miễn phí là rất khó thực hiện mà chỉ có thể làm cầu nối để nhà thiết kế đến với đơn vị sản xuất. “Sắp tới, chúng tôi sẽ hợp tác với Sở Công Thương tổ chức thi thiết kế mẫu để tìm thêm các mẫu mã đặc trưng cũng như giới thiệu những mẫu này đến nhà sản xuất”, ông nói.

Những tiểu thương ở chợ Bến Thành cũng không có mong muốn khác hơn. “Khách thích những thứ gì đặc trưng của Việt Nam, nếu có thì chúng tôi sẽ còn bán hàng được hơn nữa”, một chị tiểu thương nói. 

http://www.thesaigontimes.vn/155147/Boi-roi-tim-hang-luu-niem-cho-du-khach.html

Các tin tức khác

>   TP.HCM lấy nguồn thu từ xổ số đầu tư giáo dục, chống ngập (26/12/2016)

>   Điểm nghẽn hạ tầng đường bộ tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (26/12/2016)

>   Làm mọi cách vẫn không nhanh hơn buýt thường (26/12/2016)

>   Tăng tuổi nghỉ hưu: Khó 'mượt mà’ như đề xuất (26/12/2016)

>   Chuyện doanh nghiệp không cần Nhà nước can thiệp (25/12/2016)

>   Giải Jackpot trị giá 159 tỷ chia đều cho 2 tấm vé (25/12/2016)

>   Dệt may về đích với khoảng 28,023 tỷ USD (24/12/2016)

>   Giá bia tăng dịp tết (24/12/2016)

>   Nguyên nhân nhập siêu cao: Việt Nam quá yếu về công nghiệp phụ trợ (24/12/2016)

>   Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN thực chất, hiệu quả hơn (23/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật