Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN thực chất, hiệu quả hơn
Việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, tuy nhiên, còn không ít điểm nghẽn, khó khăn trong quá trình triển khai đến từ thị trường, ý thức người đứng đầu doanh nghiệp; đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, quy định trên tinh thần vừa chặt chẽ, vừa thuận lợi hơn.
Đây là nội dung được trao đổi tại cuộc họp báo chuyên đề về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ Tài chính chiều 23/12.
Thoái vốn đạt nhiều kết quả
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Trong đó có 6 Tổng công ty nhà nước, 3 Tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty IDICO, Tổng công ty HUD).
Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 56 đơn vị là 24.379 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.937 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.670 tỷ đồng, bán cho người lao động 388 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.374 tỷ đồng.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng. Trong đó, các Tập đoàn, Tổng công ty tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) đã thoái được 490 tỷ đồng, thu về 450 tỷ đồng.
Các đơn vị thoái vốn có giá trị thu về thấp hơn giá trị đã đầu tư do Tổng công ty Thanh Lễ thoái 100,6 tỷ đồng tại Khu biệt thự vườn Chánh Mỹ, thu về 18,3 tỷ đồng; còn các doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm), các Tập đoàn, Tổng công ty đã thoái 1.578 tỷ đồng, thu về 2.273 tỷ đồng.
Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp với giá trị là 1.577 tỷ đồng, thu về 4.116 tỷ đồng. Số liệu của SCIC không bao gồm khoản bán đấu giá cổ phần của Vinamilk vì mới đấu giá cổ phần ngày 12/12, đơn vị trúng thầu chưa hoàn tất việc chuyển tiền đấu giá.
Ông Đặng Quyết Tiến đánh giá, các đơn vị đã thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu DNNN và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, với các cơ chế chính sách đầy đủ, hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao… Công tác cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển...
http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Day-manh-tai-co-cau-DNNN-thuc-chat-hieu-qua-hon/295099.vgp
|