Không đủ bãi chứa phế thải, nhiều nhà máy điện dừng sản xuất?
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng nhưng việc thực hiện vẫn chưa như kỳ vọng.
Nhà máy nhiệt điện An Khánh. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)
|
Nỗi lo phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa phế thải công nghiệp được cảnh báo.
Hiện kết quả xử lý và tiệu thụ tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy điện than vẫn còn hạn chế.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn chứng, trong số 15,8 triệu tấn tro xỉ thạch cao mà các nhà máy phát thải ra hàng năm mới chỉ xử lý và tiêu thụ được khoảng 4 tấn.
Trong số này, riêng EVN tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn; số còn lại vẫn phải tồn trữ, chôn lấp ở các bãi thải xỉ.
Nếu tính cộng dồn cả lượng tồn trữ cũ thì đến nay khối lượng tại các bãi chứa phải lên đến hơn 20 triệu tấn.
Chỉ tính riêng lượng tro, xỉ tích lũy của các nhà máy nhiệt điện năm 2016 là 23 triệu tấn và đến năm 2018 là 61 triệu tấn.
Con số này ước tính đến năm 2020 sẽ vọt lên tới 109 triệu tấn và lần lượt chạm mốc 248 triệu tấn, 422 triệu tấn vào các năm 2025, 2030.
Điều này tạo ra những thách thức cho Việt Nam bởi phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa, chưa kể nhiều áp lực môi trường khác.
Nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế đang hiện hữu.
Mặc dù vậy, theo tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, để giảm được tỷ lệ nhiệt điện than là không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau năm 2025.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho rằng, nhiệt điện than vẫn có nhiều ưu điểm khi giá thành điện và vốn đầu tư thấp, trong khi khả năng huy động công suất lại lớn.
Cùng với đó, hiện nay phương pháp thải xỉ khô là phương pháp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng so với thải xỉ ướt. Đây cũng là một giải pháp để thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ trên thế giới.
Hiện các nhà máy nhiệt điện đốt than của Tập đoàn cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ tro, xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bêtông để lấn biển…
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thời gian qua, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện đã chủ động xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao thải ra với các hình thức khác nhau. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã chủ động tích cực nghiên cứu, đầu tư công nghệ để có thể sử dụng tro, xỉ thạch cao thay thế nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây không nung, sản xuất xi măng, bêtông, làm vật liệu san lấp trong các công trình xây dựng.
Tuy nhiên, lượng tro, xỉ, thạch cao được xử lý và đưa vào sử dụng còn hạn chế. Theo số liệu điều tra thực tế, tổng lượng tro xỉ, thạch cao chỉ tiêu thụ được khoảng 30% - tương đương 5 triệu tấn so với tổng lượng thải ra hàng năm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do chính sách trước đây không bắt buộc xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Các cơ sở phát thải chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường; tro, xỉ, thạch cao chỉ cần lưu chứa mà không chuẩn bị để xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc dùng cho các công trình xây dựng.
Thậm chí, nhiều nhà máy nhiệt điện vùng ven biển còn sử dụng nước mặn để xả thải và phun vào tro, xỉ để dập bụi, vì vậy tro, xỉ bị nhiễm mặn, không thể sử dụng để làm vật liệu xây dựng hoặc sử dụng trong công trình xây dựng và trở thành chất thải vĩnh viễn. Có nhà máy nhiệt điện xả thải lẫn lộn làm giảm hiệu quả xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao.
Theo EVN, thời quan qua có nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư này đều đặt vấn đề với chủ nhà máy điện hỗ trợ các nguồn lực như mặt bằng xây dựng nhà máy và chi phí xử lý, hỗ trợ về điện, nước, phương tiện vận chuyển…
Đây đều là các nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ nhà máy điện nên không thể giải quyết được.
Mặt khác, hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng cũng vẫn còn thiếu.
Phía Tập đoàn Điện lực cho rằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý và tiêu thụ tro xỉ; đặc biệt là các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu và chưa đồng bộ.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải chưa đi vào thực tế hoặc chưa có chế tài đủ mạnh khiến việc cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao chưa được đẩy mạnh.
Khối lượng tro xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện ngày càng tăng. Tổng lượng tích lũy tro, xỉ, thạch cao trên các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện sẽ tiếp tục phát sinh rất lớn.
Nếu không có biện pháp xử lý và tiêu thụ kịp thời thì áp lực bố trí diện tích đất để chôn lấp cũng như vấn đề liên quan đến môi trường sẽ ngày càng nặng nề - các chuyên gia cảnh báo. Vì vậy việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao là yêu cầu hiện hữu cấp thiết.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón, hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng.
Trên cơ sở thông tin và số liệu thu thập được, Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng” để trình Chính phủ thông qua.
Đề án này nhằm đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện với môi trường cho các ngành công nghiệp điện, hóa chất và phân bón, thép và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và thế giới./.
http://www.vietnamplus.vn/khong-du-bai-chua-phe-thai-nhieu-nha-may-dien-dung-san-xuat/422131.vnp
|