Thứ Tư, 14/12/2016 16:30

WB: Có nhiều cách để xây dựng mô hình quản lý vốn nhà nước

Đề án thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, có nhiều cách để xây dựng mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung, trong đó có thể lập thêm một số tổng công ty kinh doanh vốn (SCIC) hoặc hình thức khác.

Ủy ban đại diện vốn nhà nước sẽ quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty như Vieetnam Airlines (ảnh), Tập đoàn Dầu khí... trong khi đây là cơ quan hành chính mà các doanh nghiệp được họ quản lý lại kinh doanh nhiều ngành nghề phức tạp, quy mô lớn. Ảnh:TL

Tân giám đốc WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, đã có cuộc làm việc bàn tròn với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hôm 13-12 mà trọng tâm là cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), xung quanh việc Chính phủ đang dự kiến thành lập một cơ quan chuyên trách đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo khuyến nghị của WB, Chính phủ nên để các DNNN tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, liên quan đến an ninh, quốc phòng. Việc thành lập cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước phải cân bằng được trách nhiệm giải trình và tính độc lập của cơ quan này trong mối tương quan với các tập đoàn, tổng công ty và các cơ quan quản lý nhà nước.

Phía WB cho rằng, có nhiều cách để xây dựng mô hình, như chuyển mô hình đại diện chủ sở hữu phân tán hiện nay từ các bộ ngành sang mô hình tập trung với một cơ quan chuyên trách hoặc thành lập thêm một số tổng công ty kinh doanh vốn như mô hình SCIC hiện nay; hoặc thành lập một cơ quan đại diện nhưng quản lý các SCIC phụ trách các khu vực kinh tế lớn như Hà Nội, TPHCM…

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết những khuyến nghị của WB đang được Chính phủ thảo luận và đặt ra trong việc hình thành cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng cổ đông đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Ông Huệ nhận định mỗi mô hình đều có thuận lợi và hạn chế riêng và đề nghị WB hỗ trợ tư vấn cho Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng đề đề nghị WB chia sẻ các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN khi Việt Nam đang vướng mắc ở các khâu xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và quy trình công bố thông tin doanh nghiệp cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán.

Đề án thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo vẫn đang tiếp tục hoàn tất theo yêu cầu của Chính phủ với việc chuyển hết phần vốn chủ sở hữu tại 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về cho ủy ban này quản lý thay vì các bộ làm đại diện như mô hình hiện nay. Tuy nhiên, tại nhiều cuộc họp khác nhau, lãnh đạo Bộ Tài chính và SCIC đều không đồng tình với mô hình này.

Phát biểu với báo giới hồi tháng 7-2016, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nêu ra 4 lý do để Chính phủ phải cân nhắc rất kỹ khi thành lập mô hình này.

Thứ nhất là mô hình ủy ban không khác gì cơ quan quản lý nhà nước như nhiều ủy ban hiện nay, mục tiêu tách bạch chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu sẽ khó được thực thi, nhất là khi ủy ban chỉ quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty lại thuộc cơ quan hành chính của Chính phủ.

Thứ hai là việc ủy ban chỉ quản lý vốn, tài sản tại 30 doanh nghiệp lớn tại trung ương, còn các doanh nghiệp tại địa phương vẫn ở tại địa phương, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh vẫn do các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, ngân hàng thương mại có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý thì thực chất không thay đổi được bao nhiêu.

Thứ ba là ủy ban thay mặt cho nhiều bộ, ngành vừa làm công tác quản lý, vừa điều hành sản xuất kinh doanh sẽ rất khó. Như vậy, cơ quan này khó có đủ năng lực để phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của 30 tập đoàn, tổng công ty lớn, kinh doanh các ngành nghề khác nhau.

Và cuối cùng, Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo hướng thu gọn chỉ còn khoảng 200 DNNN. Các doanh nghiệp dự kiến đưa về ủy ban quản lý cũng thuộc diện cổ phần hóa. Như vậy về lâu dài, số doanh nghiệp do ủy ban quản càng ngày càng ít. Mặt khác, việc thành lập ủy ban có thể làm chậm tiến độ cổ phần hóa bởi quá trình tách, chuyển giao doanh nghiệp từ bộ chủ quản về ủy ban sẽ mất nhiều thời gian và có thể doanh nghiệp có tâm lý không muốn cổ phần hóa lấy lý do này để dừng lại.

Tuy SCIC muốn đưa các doanh nghiệp này về cho SCIC quản lý nhưng thực chất mô hình SCIC cũng được đánh giá là có nhiều bất cập và không thực sự hiệu quả như mong đợi.

http://www.thesaigontimes.vn/154940/WB-Co-nhieu-cach-de-xay-dung-mo-hinh-quan-ly-von-nha-nuoc.html

Các tin tức khác

>   'Chẩn đoán' điểm nghẽn tăng trưởng (14/12/2016)

>   Chính phủ quyết sách kịp thời trước bước ngoặt lớn (12/12/2016)

>   Bốn ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác APEC (09/12/2016)

>   “Việt Nam nỗ lực để trở thành điểm đến số 1 của nhà đầu tư” (09/12/2016)

>   World Bank: Nợ công Việt Nam tăng nhanh sát ngưỡng 65% (07/12/2016)

>   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm một yếu huyệt về kinh tế (06/12/2016)

>   Tăng cường quan hệ thương mại Việt Nam - ASEAN (05/12/2016)

>   “Việt Nam đã làm được điều rất khó” (05/12/2016)

>   Thị trường lao động quý III/2016: Hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp (03/12/2016)

>   Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2016 (02/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật