World Bank: Nợ công Việt Nam tăng nhanh sát ngưỡng 65%
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Điểm lại Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, các chuyên gia WB cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực, nhưng vẫn cần tập trung hơn vào chất lượng tăng trưởng. GDP năm 2016 được dự báo tăng 6%, thấp hơn so với ước tính năm ngoái (6,7%) và dự báo 2017 (6,3%).
Tại buổi công bố, chuyên gia của World Bank cho biết bội chi ngân sách của Việt Nam vẫn ở mức cao. Bội chi ngân sách bình quân ở mức 5,5% GDP trong 5 năm qua và dự kiến vẫn ở mức khoảng 6% GDP trong năm nay. Mặc dù rủi ro khó khăn nợ cấp tính vẫn khá thấp nhưng nợ công thời gian qua tăng nhanh đến gần sát ngưỡng 65% GDP được Quốc hội cho phép.
Đại diện của World Bank cho biết “Để xử lý những quan ngại về bền vững tài khóa trong trung hạn, Kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2016 đặt mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống còn 3,5% GDP năm 2020. Điều quan trọng hiện nay là phải có các biện pháp chính sách cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu trên nhằm điều chỉnh có chất lượng thông qua cân đối giữa các biện pháp thu và chi kết hợp đồng thời chú trọng nâng cao hiệu suất chi tiêu, thay vì cắt giảm đồng loạt chi tiêu và đầu tư được phép chủ động”.
Tăng trưởng của Việt Nam đạt được trong điều kiện lạm phát thấp và tài khoản vãng lai thặng dư cao. Mặc dù giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng, lạm phát lõi vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung dự kiến không vượt chỉ tiêu chính thức là 5%.
“Ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là môi trường thuận lợi để các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tái cơ cấu, đây là điều kiện thiết yếu để tiến tới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất," theo ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. “Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, vừa được Quốc hội thông qua, sẽ xử lý được một số bất cập phát sinh trong quá trình tăng trưởng kinh tế.”
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo chiều sâu nhằm hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay đang phải đối mặt những hạn chế cơ cấu ngày càng lớn. Tăng trưởng kinh tế đã trở nên quá phụ thuộc vào tích lũy các yếu tố sản xuất (vốn, tài nguyên và lượng lao động kỹ năng thấp), cũng như các biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô (các chính sách nới lỏng tài khóa và tín dụng) trong khi đóng góp của tăng trưởng năng suất (tổng năng suất các yếu tố - TFP) đang giảm xuống...
http://laodong.com.vn/kinh-te/world-bank-no-cong-viet-nam-tang-nhanh-sat-nguong-65-617604.bld
|