Thứ Năm, 22/12/2016 15:34

Tỷ giá trong vòng cương tỏa linh hoạt?

Sau khi chạm mốc 118,5 yen/đô la Mỹ - mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay - đồng yen Nhật dường như bắt đầu lấy lại giá trị của nó. Đầu tuần này nó rời mốc 118 yen đổi một đô la Mỹ và tiến dần về hướng 117 yen/đô la.

Nhiều ngoại tệ mạnh được hưởng lợi nhờ đô la Mỹ tăng giá. Ảnh: Internet

Những nỗ lực kéo dài cả năm qua của Ngân hàng Trung ương Nhật nhằm giảm giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tiêu dùng trong nước hầu như không mang lại kết quả như mong muốn, nhưng với sự đắc cử của ông Donald Trump, kéo theo sự lên giá của đồng đô la so với gần như tất cả các ngoại tệ mạnh, đồng yen đang được hưởng lợi. Vấn đề giờ đây là sự hưởng lợi đó sẽ kéo dài trong bao lâu nữa?

Tuần trước các ngoại tệ mạnh đã phản ứng khá yên bình với sự điều chỉnh nâng lãi suất thêm 0,25% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), có thể một phần kỳ vọng đã được phản ánh vào tỷ giá trước đó. Tại Việt Nam, tiền đồng hầu như không có diễn biến đặc biệt nào. Cầu ngoại tệ không đột biến trong khi nguồn cung vẫn tương đối ổn định.

Giá niêm yết mua bán đô la Mỹ của các ngân hàng vẫn ở mức cao so với đầu năm chủ yếu bởi hai lý do. Thứ nhất, tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng bám sát tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá trung tâm xét về tổng thể có lên có xuống song nhìn chung đang tiếp tục vận động theo hướng đô la Mỹ lên giá so với tiền đồng một cách có kiểm soát và chủ động.

Thứ hai theo lời một quan chức Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, trong tháng qua trạng thái ngoại hối của các ngân hàng đã chuyển nhanh từ dương sang âm, đồng thời tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ở nước ngoài tụt giảm. Hai hiện tượng này chứng tỏ các ngân hàng đã bán ra ngoại tệ chốt lời khi đồng đô la Mỹ tăng gần 1,9% kể từ đầu tháng 11-2016 đến nay. Ngoài ra do nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp cuối năm nhích lên, việc rút ngoại tệ về để cho vay trong nước rõ ràng là hợp lý.

Hiện tại lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức rất cao, qua đêm đã lên đến 4,86%/năm vào một số ngày của tuần trước. Với lãi suất này, chi phí nắm giữ đô la Mỹ đang trở nên đắt đỏ.

Ở đây cũng cần đề cập đến một chi tiết khác mà trong ngắn hạn có thể chưa ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá, nhưng về trung hạn sẽ thể hiện tầm tác động của nó. Đó là kiều hối. Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM, kiều hối về thành phố năm nay có khả năng giảm 500 triệu đô la Mỹ so với năm ngoái. Mức giảm khoảng 4-5% chưa phải là lớn. Điểm lưu ý đây là lần đầu tiên kiều hối giảm trong nhiều năm qua.

Cơ quan quản lý nắm rất rõ kiều hối là một trong những nguồn bù đắp chủ yếu cho cán cân thanh toán. Cho đến trước năm 2016, kiều hối tăng nhanh và đều đặn do sự chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ và do tỷ giá ổn định. Trong kiều hối có một phần tiền người dân trong nước vay của người thân ở nước ngoài để kinh doanh, đầu tư. Cũng không thiếu trường hợp người thân ở nước ngoài gửi ngoại tệ về nước, đổi ra tiền đồng, gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. Nay những thuận lợi này đang dần thu hẹp lại. Lãi suất tiền gửi ở nước ngoài dù ở đâu chăng nữa cũng đang cao hơn mức tiết kiệm ngoại tệ 0% ở Việt Nam.

Tỷ giá sẽ đi theo hướng nào trong tương lai gần, 1-2 tháng tới chẳng hạn? Đồng Việt Nam không thể nằm ngoài biến động của đồng đô la Mỹ. Fed đã bóng gió về khả năng có thể nâng lãi suất 3 lần trong năm 2017. Nếu điều này xảy ra và xảy ra sớm, đồng đô la sẽ trở nên rất mạnh. Trong quá khứ Fed cũng đã từng thể hiện ý định nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2016, tuy nhiên cuối cùng Fed chỉ tăng một lần cho năm nay.

Tờ The Financial Times ngày 19-12-2016 đăng tải kết quả khảo sát với 31 nhà kinh tế học trên phố Wall, theo đó họ dự kiến Fed có thể chỉ tăng lãi suất hai lần trong năm tới và lần tăng đầu sẽ không sớm hơn trước tháng 6. Lý do là các nhà hoạch định chính sách sẽ thận trọng với chính sách thắt chặt tiền tệ cho đến khi họ nhìn thấy sự hứa hẹn đến mức nào gói kinh tế của ông Trump.

Ở trong nước trước và sau Tết Âm lịch thường là thời điểm thị trường tiền tệ lặng sóng. Nhu cầu vay mượn của cả tổ chức kinh tế lẫn cá nhân đều dịu xuống. Còn hiện tại lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức rất cao, qua đêm đã lên đến 4,86%/năm vào một số ngày của tuần trước. Lãi suất kỳ hạn ba tháng có ngày đã được giao dịch ở mức 5,7%/năm. Với lãi suất này, chi phí nắm giữ đô la Mỹ đang trở nên đắt đỏ, nên không ngân hàng nào dại gì đầu cơ ngoại tệ lúc này. Tỷ giá biến động ra sao giờ đây phụ thuộc nhiều vào chính sách điều hành của cơ quan quản lý.

http://www.thesaigontimes.vn/155161/Ty-gia-trong-vong-cuong-toa-linh-hoat.html

Các tin tức khác

>   Gần 4.500 tỷ vốn điều lệ cho hai ngân hàng lấy ở đâu? (22/12/2016)

>   Giá vàng giảm 250,000 đồng/lượng (22/12/2016)

>   Sacombank đạt chứng nhận ISO 9001:2015 về hệ thống quản lý chất lượng (22/12/2016)

>   Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, NHNN bơm ròng ra thị trường OMO (22/12/2016)

>   Ngân hàng và cuộc chuyển đổi hiện hữu 15 tỷ USD (22/12/2016)

>   Ngân hàng ADB sẽ hỗ trợ xây dựng đường vành đai 3 tại TP.HCM (21/12/2016)

>   SCIC khó thoái vốn khỏi MSB (22/12/2016)

>   Tác động gì từ lộ trình Fed tăng lãi suất? (22/12/2016)

>   Giá vàng tăng nhẹ, tỷ giá tiếp tục leo thang (21/12/2016)

>   SHB: Trả cổ tức 2015 bằng cổ phiếu tỷ lệ 7.5% (21/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật