Tác động gì từ lộ trình Fed tăng lãi suất?
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tăng lãi suất từ 0.5% lên 0.75% vào ngày 15/12/2016 vừa qua, đánh dấu lần tăng duy nhất trong năm 2016 và lần tăng thứ hai kể từ năm 2008 đến nay. Đồng USD đã tiếp tục đà tăng giá mạnh mẽ so với các đồng tiền chủ chốt khác. Tỷ giá USD/VNĐ cũng được điều chỉnh đi lên nhằm giảm áp lực lên thị trường ngoại hối.
Nguồn cung vốn ngoại tệ bị ảnh hưởng
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất cơ bản đồng USD tại Mỹ đang trong xu hướng tăng lên, trong khi trần lãi suất tiền gửi USD đã giảm về 0% kể từ tháng 12 năm ngoái, dẫn đến lãi suất đồng USD tại thị trường Mỹ đang cao hơn tại Việt Nam. Điều này có thể tác động lên nguồn cung vốn ngoại tệ trong nước về ngắn hạn lẫn dài hạn.
Cụ thể với chênh lệch lãi suất như trên, dòng vốn đầu tư rót vào Việt Nam nhằm kiếm lợi từ sự chênh lệch lãi suất giữa 2 thị trường (carry trade) trước đây sẽ giảm sút là dĩ nhiên. Chẳng những thế, dòng vốn này có thể đảo ngược quay trở lại thị trường Mỹ vốn đang có lãi suất cao hơn. Trong cuộc họp vừa qua Fed cũng đưa ra tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2017. Đây là thông tin khiến thị trường bất ngờ khi trước đó mọi dự báo cho rằng Fed khả năng chỉ tăng thêm 2 lần trong năm sau.
Ngoài ra, nguồn vốn kiều hối đổ về cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng, do hiện tại mặt bằng lãi suất tiền gửi tại Việt Nam đã không còn quá hấp dẫn như trước đây. Theo dự báo cho thấy lượng kiều hối trên cả nước trong năm nay ước khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức dự ước 11 – 12 tỷ USD của đầu năm nay. Hiện Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất.
Tỷ giá chịu ảnh hưởng đầu tiên từ những sự kiện trên là điều có thể thấy được. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu biến động mạnh, các quốc gia liên tục phá giá đồng tiền so với USD thì việc điều hành tỷ giá trong nước không phải là điều dễ dàng. Nếu tỷ giá USD/VNĐ điều chỉnh quá chậm và ít thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên nếu phá giá nhanh VNĐ sẽ gây áp lực lên lạm phát và làm tăng nợ quốc gia.
Việt Nam đã khá thành công trong việc ổn định vĩ mô trong 3 năm qua, với lạm phát được kiểm soát dưới mức 5%, đặc biệt như năm 2015 lạm phát chỉ ở mức thấp 0.63%, trong khi lạm phát năm 2016 dự kiến có thể chạm mức 5% trở lại. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm USD/VNĐ từ đầu năm đến nay dù trong xu hướng đi lên, tuy nhiên mức độ mất giá của VNĐ so với đầu năm chỉ khoảng hơn 1%.
Áp lực lên mặt bằng lãi suất
Nguồn vốn huy động của các ngân hàng và mặt bằng lãi suất cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Với nguồn vốn ngoại tệ có thể bị chảy ngược về Mỹ như đã nói ở trên, lượng tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong khi đó với tình hình tỷ giá luôn chịu nhiều áp lực trước triển vọng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất đồng USD trong năm sau, thì nguồn tiền gửi VNĐ tại các ngân hàng cũng có thể chuyển dịch sang kênh đầu tư ngoại tệ và do đó cũng gây áp lực lên lãi suất tiền gửi VNĐ.
Với chênh lệch lãi suất USD giữa thị trường Việt Nam và thị trường Mỹ, dòng vốn đầu tư rót vào Việt Nam nhằm kiếm lợi từ sự chênh lệch lãi suất giữa 2 thị trường (carry trade) trước đây sẽ giảm sút là dĩ nhiên. Chẳng những thế, dòng vốn này có thể đảo ngược quay trở lại thị trường Mỹ vốn đang có lãi suất cao hơn.
|
Diễn biến những ngày gần đây cho thấy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã tăng cao trở lại, sau một thời gian dài duy trì dưới 1% đối với lãi suất qua đêm. Hiện tại lãi suất qua đêm đã vượt 4.5% và có thể tiến đến mốc 5% trong thời gian tới. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi VND cũng đã có dấu hiệu tăng cục bộ tại một số ngân hàng.
Ngoài ra, với tình hình lãi suất USD và đồng USD trên thị trường quốc tế đi lên, việc phát hành trái phiếu vay USD của Việt Nam trong thời gian tới cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Chính phủ Việt Nam trong năm 2016 đã có kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế nhằm cơ cấu lại kỳ hạn nợ tuy nhiên sau đó đã phải hoãn lại. Trước đó Việt Nam cũng đã có 4 đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế vào các năm 2005, 2007, 2010 và 2014 với lãi suất chỉ xoay quanh 7% hoặc thấp hơn.
Việc phát hành trái phiếu VNĐ trong nước cũng có thể gặp nhiều khó khăn khi mặt bằng lãi suất VNĐ chịu áp lực đi lên. Do các ngân hàng tăng chi phí huy động từ dân cư nên yêu cầu lãi suất đấu thầu trên thị trường trái phiếu Chính phủ cũng phải tăng lên tương ứng để đảm bảo mức sinh lời phù hợp. Năm 2016 đã chứng kiến các phiên đấu thầu trái phiếu sôi động với kết quả trúng thầu rất cao, dù lãi suất đấu thầu càng về cuối năm càng giảm dần.
Tuy nhiên, nếu như mặt bằng lãi suất chịu áp lực dâng lên thì các phiên phát hành trái phiếu chính phủ nội địa trong năm 2017 khó có thể thành công được như vậy. Hiện tại mặt bằng lãi suất trên thị trường sơ cấp trái phiếu Chính phủ ở kỳ hạn 5 năm khoảng 5.3%, 10 năm ở 6.1%, 15 năm ở 7.2% và 30 năm gần 8%, không cách biệt quá lớn so với lãi suất tiền gửi trong thời điểm hiện nay./.
|