Tổng thống Obama để lại “di sản” gì cho Donald Trump?
Món quà mà Tổng thống Obama sẽ dành để chào đón Tổng thống đắc cử Donald Trump chính là một nền kinh tế tương đối khả quan, CNNMoney cho biết.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2007. Giá nhà đã quay trở lại các mức cao nhất mọi thời đại. Và tăng trưởng đang trên đà cải thiện. Từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ở mức 3.2%. Ngay cả tầng lớp trung lưu cuối cùng cũng được tăng lương.
“Tổng thống Trump thực sự đang được thừa hưởng một nền kinh tế khá vững chắc”, Kevin Hassett, Chuyên gia kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, phát biểu với CNBC hôm thứ Sáu vừa qua.
Còn Paul Ashworth, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics thì cho rằng “nền kinh tế Obama” xứng đáng được hạng B hoặc B+.
Thử xếp hạng “nền kinh tế Obama”
Đúng là chưa thể được hạng A, nhưng nền kinh tế Mỹ dĩ nhiên là tốt hơn nhiều so với thời điểm ông Obama bước chân vào Phòng Bầu dục hồi năm 2009. Khi đó, nước Mỹ đang chìm sâu trong khủng hoảng tài chính và suy thoái. Ngay tháng ông Obama nhậm chức, gần 800,000 người Mỹ bị mất việc.
Chính ông Obama cũng nghĩ rằng mình đã không được ghi nhận “công trạng” đúng mức cho đà hồi phục ngoạn mục đó. “Ai cho rằng kinh tế Mỹ hiện đang đi xuống là đang cố tình gieo rắc tin xấu”, ông nói hồi đầu năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh từ 10% xuống 4.6%. Nước Mỹ đã có hơn 11 triệu việc làm mới kể từ khi ông Obama nhậm chức.
Donald Trump: Vẫn còn những điều bị bỏ ngỏ trong quá trình phục hồi
Ông Trump liên tục gọi tỷ lệ thất nghiệp là “trò đùa” và “lừa đảo”. Không rõ ông có thay đổi thông điệp đó khi nhậm chức hay không.
Đến thời điểm này, ông Trump vẫn cho rằng nền kinh tế Obama là kinh khủng. “Sẽ không có tình trạng các công ty rời khỏi Mỹ mà không để lại hậu quả. Chúng ta đang mất quá nhiều”, ông Trump nói trong một bài phát biểu tại nhà máy Carrier ở Indianapolis, Indiana.
Dù hoạt động tuyển dụng đã tăng nhanh dưới thời Tổng thống Obama (trong đó, 2014 và 2015 là những năm thị trường việc làm ghi nhận đà tăng trưởng tốt nhất kể từ cuối thập niên 1990), nhưng mức tăng trưởng ấy hầu như chỉ xảy ra ở lĩnh vực dịch vụ, chứ không phải ở lĩnh vực sản xuất và lao động chân tay ở các nhà máy.
Theo Bộ Lao động Mỹ, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất nước này hiện giảm hơn 54,000 so với năm ngoái.
Ông Trump đang cố gắng ngăn chặn sự suy giảm đó. Ông và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đã thương lượng với Carrier để giữ lại 1,000 việc làm ở Indiana, nếu không thì một số việc làm này đã mất về tay Mexico.
Đội ngũ của ông Obama thì cho rằng 1,000 việc làm đó là... nhỏ xíu so với con số 178,000 việc làm được tạo thêm chỉ trong tháng 11 vừa qua. Đó là tháng tăng trưởng việc làm thứ... 74 liên tiếp dưới thời ông Obama.
Liệu Donald Trump sẽ làm tốt hơn thế?
Ông Trump và đội ngũ cố vấn kinh tế mới của mình hứa sẽ giúp kinh tế Mỹ đạt được đà tăng trưởng vượt bậc. Họ cho biết có thể giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng... 4% - cao hơn nhiều so với mức 2% mà nước này đạt được trong những năm gần đây.
Nhưng câu hỏi đặt ra là “Bằng cách nào?”
Ông Trump muốn giảm thuế mạnh cho các doanh nghiệp và các cá nhân. Ông cũng đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định gây cản trở tăng trưởng và chi tiêu nhiều hơn cho việc xây dựng cầu đường.
Phố Wall hiện đang ủng hộ những kế hoạch này. Thị trường chứng khoán đã tăng lên các mức kỷ lục trong tháng 11 sau khi ông Trump thắng cử. Niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng tăng vọt kể từ sau chiến thắng quan trọng ấy.
Vấn đề lớn nhất cho ông Trump
Có một khó khăn dành cho ông Trump: Chuyên gia Ashworth cho rằng kinh tế Mỹ hiện có ít tiềm năng để tăng trưởng hơn so với trước đây.
Như chúng ta đã biết, có hai yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng, đó là nhiều người tham gia vào lực lượng lao động hơn và công nhân làm việc có hiệu suất hơn.
Hiện tại, dân số Mỹ đang già đi và ông Trump lại không ủng hộ vấn đề nhập cư, vì thế khó mà thấy được những làn sóng công nhân mới trong lực lượng lao động như trước đây. Ông Trump muốn xác nhận rằng 94 triệu người Mỹ hiện đang thất nghiệp và cần việc làm, nhưng sự thật không đúng như vậy. Con số đó là đã tính luôn cả người về hưu, người đang đi học và cả những người chọn cách không đi làm để có thời gian chăm sóc gia đình.
Thực tế, khoảng 2.1 triệu người mất việc trong những năm gần đây và dường như chỉ vì họ không chịu tìm việc nữa. Họ là số người thất nghiệp “ẩn”. Kiếm việc cho họ sẽ không phải là điều dễ dàng vì nhiều công việc ngày nay đòi hỏi cần phải có những kỹ năng chuyên biệt.
Hy vọng lớn nhất của ông Trump là nâng cao năng suất bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thêm vào nhà máy, hoạt động nghiên cứu và nhân lực của họ. Đầu tư cho kinh doanh là một trong những điều còn thiếu trong quá trình hồi phục vừa qua.
“Chúng ta hiện chưa đạt đến mức đó, nhưng đã đạt được một số tiến bộ đáng kể”, Ashworth nói./.
|