Thứ Hai, 05/12/2016 08:46

Brexit có phải là một Lehman Brothers thứ hai?

Chiến dịch Brexit và sự kiện Lehman Brothers phá sản - hai hiện tượng tưởng chừng như hoàn toàn khác biệt thế nhưng lại có những tác động giống nhau đến lạ kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường cũng như tình hình kinh tế - chính trị ngày càng biến động như hiện nay.

Cụ thể, vào ngày 24/06/2016, Anh đã quyết định rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn được biết đến với cái tên Brexit. Chính điều này đã làm phần lớn nhà đầu tư phải kinh ngạc bởi vì ngay cả trong ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, các kết quả thăm dò vẫn cho thấy có 90% khả năng Anh sẽ ở lại trong EU. Chiến dịch Brexit đã dẫn tới các hậu quả khôn lường cũng như sự bất ổn trong tình hình chính trị, đỉnh điểm là việc Thủ tướng David Cameron từ chức. Bên cạnh đó, quyết định rời khỏi EU của Anh đã châm ngòi cho đà trượt dốc nặng nề trên các thị trường tài chính, qua đó khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, đặc biệt là cổ phiếu của các định chế tài chính. Cụ thể, cổ phiếu Royal Bank of Scotland sụt 18%, cổ phiếu Barclays lao dốc 17.7% và cổ phiếu Deutsche Bank lùi 13.9%. Cùng lúc đó, chỉ số FTSE 100 tại London sụt 3.2%, chỉ số DAX của Đức lao dốc 6.8% và chỉ số Dow Jones ở Mỹ lùi 3.4%.

Có thể thấy, giá cổ phiếu đã không giảm mạnh như thế này kể từ vụ phá sản của ngân hàng Lehman Brothers, qua đó khiến thị trường nghĩ rằng hiện tượng Brexit có gì đó giống với hiện tượng Lehman Brothers.

Còn nhớ, vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào ngày 15/09/2008 được xem là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ lúc bấy giờ và đã để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng lên thị trường vốn toàn cầu, đồng thời châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Trong ngắn hạn, chỉ số Dow Jones giảm mạnh 500 điểm (tương ứng 4.4%) vào ngày 15/09/2008. Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 ở London lùi 3.9% và chỉ số CAC 40 tại Paris lao dốc 3.8%.

Những bằng chứng trên đây đều cho thấy cả hai hiện tượng Brexit và Lehman Brother đều dẫn tới đà sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm cổ phiếu của các định chế tài chính, đồng thời khơi dậy sự bất ổn về cả kinh tế lẫn chính trị.

Các suy nghĩ ở trên đã thôi thúc Dirk Schiereck và cộng sự tiến hành nghiên cứu tác động của Brexit và sự kiện Lehman Brothers phá sản để trả lời cho câu hỏi: Brexit có phải là một vụ phá sản Lehman Brothers thứ hai hay không? Trong nghiên cứu này, tác giả đã xem xét tác động của cả hiện tượng Brexit và vụ phá sản Lehman Brothers thông qua hai nhân tố chính. Đó là giá cổ phiếu của các ngân hàng và khoản phí của hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS)*.

Bằng việc xem xét tỷ suất sinh lợi của các ngân hàng, nghiên cứu của Dirk Schiereck cho thấy rằng tác động của hiện tượng Brexit lên nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn hơn gấp nhiều lần so với tác động của vụ phá sản Lehman Brothers trong ngày diễn ra sự kiện. Trong ngày diễn ra vụ phá sản Lehman Brothers, tỷ suất sinh lợi bất thường của các ngân hàng thuộc EU giảm bình quân 1.478%, thấp hơn rất nhiều so với con số giảm 14.281% trong ngày diễn ra sự kiện Brexit. Tương tự, tỷ suất sinh lợi bất thường của các ngân hàng không thuộc EU giảm bình quân 0.721% trong ngày vụ phá sản Lehman Brothers, thấp hơn 7 lần so với con số giảm 5.206% trong ngày diễn ra sự kiện Brexit.

Trong khi đó, khi xét về phí CDS thì kết quả lại cho thấy điều ngược lại, tác động của Lehman Brothers lớn hơn rất nhiều so với hiện tượng Brexit. Cụ thể, trong ngày diễn ra vụ phá sản của Lehman Brothers, khoản phí CDS tại các ngân hàng thuộc EU tăng vọt 30.313 điểm cơ bản, cao hơn gần gấp 3 lần so với con số tăng 13.899 điểm cơ bản trong ngày diễn ra sự kiện Brexit. Tại các ngân hàng không thuộc EU, khoản phí CDS leo dốc 39.177 điểm cơ bản trong ngày diễn ra vụ phá sản Lehman Brothers, cao hơn 8 lần so với con số tăng 4.757 điểm cơ bản trong ngày diễn ra sự kiện Brexit.

Tuy nhiên, vẫn còn một sự khác biệt rất lớn về phạm vi ảnh hưởng của những sự kiện này. Cụ thể, chỉ một ngày sau khi sự kiện diễn ra, tác động của vụ phá sản Lehman Brothers lên giá cổ phiếu của các ngân hàng và CDS gần như biến mất, trong khi sự kiện Brexit tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ. Rõ ràng là tác động của Brexit mang tính dài hạn hơn vụ phá sản của Lehman Brothers rất nhiều.

Có thể thấy, mặc dù Brexit và vụ phá sản của Lehman Brothers đều có tác động tương tự nhau đến thị trường nhưng mức độ cũng như phạm vi ảnh hưởng lại có nhiều khác biệt. Chính vì vậy, Brexit không phải là một Lehman Brothers thứ hai!

Bài viết trên được trích dẫn từ nghiên cứu “Brexit: (Not) another Lehman moment for banks” của Dirk Schiereck, Florian Kiesel và Sascha Kolaric được đăng trên tạp chí Finance Research Letters vào ngày 07/09/2016.

-----------------------------------------------------

(*) Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) là một loại phái sinh tín dụng mà ở đó bên mua phái sinh tín dụng định kỳ thanh toán cho bên bán phái sinh tín dụng, bên bán sẽ chi trả cho bên mua nếu có thua lỗ tín dụng xảy ra cho chủ thể liên quan. Số tiền mà bên mua CDS chi trả cho bên bán được gọi là phí CDS./.

Các tin tức khác

>   Anh tìm cách sửa đổi luật nhằm đảm bảo quyền vào thị trường EU (04/12/2016)

>   Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đổi ngoại tệ sang vàng và đồng lira (03/12/2016)

>   Tại sao kế hoạch “hồi hương” tiền mặt của Donald Trump lại tạo rắc rối cho S&P 500? (03/12/2016)

>   Vàng giảm nhẹ trong tuần dù đồng USD suy yếu (03/12/2016)

>   Dầu có tuần bứt phá hơn 12% nhờ thỏa thuận OPEC (03/12/2016)

>   Vàng chào đón tháng 12 bằng đà giảm nhẹ (02/12/2016)

>   Dầu vượt mốc 50 USD lên đỉnh 6 tuần sau thỏa thuận của OPEC (02/12/2016)

>   OPEC bất ngờ tiến tới thỏa thuận sản lượng sau 2 năm ròng rã (01/12/2016)

>   Vì sao Phố Wall bất ngờ ủng hộ Donald Trump? (01/12/2016)

>   Vàng chứng kiến tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2013 sau cuộc họp của OPEC (01/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật